Dự thảo tiêu chuẩn chức danh GS, PGS: Khoa học xã hội, không vội được đâu

Với dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS, Viện Toán học đề nghị cần bỏ một số tiêu chuẩn không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Với dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS, Viện Toán học đề nghị cần bỏ một số tiêu chuẩn không phù hợp với thông lệ quốc tế.
TP - Bộ GD&ĐT, Hội đồng chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS,PGS) nhà nước vừa ban hành dự thảo quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS. Dự thảo nhận được nhiều ý kiến của các GS đầu ngành cũng như các tổ chức nghề nghiệp xã hội.

Cần loại bỏ nhiều tiêu chuẩn không phù hợp

Viện Toán học vừa có văn bản chính thức góp ý dự thảo quyết định ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS gửi đến ban soạn thảo Bộ GD&ĐT và Hội đồng chức danh GS  nhà nước. Theo văn bản này, Viện Toán học đề nghị cần bỏ một số tiêu chuẩn không phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, bỏ yêu cầu viết sách. Viết sách, nhất là sách tốt, không phải là một việc dễ. Thế nhưng những lập luận trong dự thảo không chú ý đến đặc thù quan trọng nhất của các nhà xuất bản là lợi nhuận.

“Không ai ngăn cản được việc NXB in sách có chất lượng khoa học kém (cho dù hình thức có thể rất đẹp), miễn là sách đó không vi phạm các luật bản quyền, tiêu chí chính trị, thẩm mỹ,… Tác giả có thể in sách bằng chính tiền của mình, mà không vi phạm bất cứ qui định nào” - văn bản viết.  Thứ hai là bỏ yêu cầu bắt buộc hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ. Nội dung này, Viện Toán cho rằng phần lớn các nơi trên thế giới, người ta xem việc được hướng dẫn nghiên cứu sinh là một quyền của người được phong học hàm. Đây không phải là quyền lợi vật chất mà là quyền lợi tinh thần.  Do vậy đại đa số các trường tại các nước khoa học tiên tiến, không bao giờ đưa đòi hỏi đã hướng dẫn thành công nghiên cứu sinh làm tiêu chuẩn. Ngoài ra, Văn bản góp ý cũng kiến nghị bỏ yêu cầu chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và chủ trì hoặc tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo. Bỏ yêu cầu về tính liên tục của quá trình đào tạo.

Viện Toán cũng kiến nghị giải pháp đối với ủy viên Hội đồng ngành. Theo đó kết hợp yêu cầu “Có uy tín chuyên môn và khoa học cao, là nhà khoa học đầu ngành thuộc lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhiệm”  trong dự thảo, với yêu cầu: “Đối với nhóm ngành Khoa học tự nhiên, có trên 50% số thành viên Hội đồng có ít nhất 8 bài báo đăng trên các tạp chí ISI, trong đó có ít nhất 3 bài đăng trên các tạp chí ISI trong 10 năm cuối”. 

Không thể vội trong nhóm ngành khoa học xã hội

Trong văn bản, Viện Toán khẳng định điểm mới nhất trong Dự thảo Quyết định lần này là việc phân chia nhóm ngành khoa học. Trên cơ sở đó mới có điều kiện đưa vào yêu cầu về nâng cao chất lượng là các bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế, đặc biệt là các tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus. Đây là điều cần kiên trì duy trì và cải tiến tiếp. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm khác thường so với thông lệ quốc tế, đã được ban hành trong các bản quyết định từ trước tới nay, chưa được sửa đổi. Vì vậy Viện Toán học đưa ra kiến nghị là tách Khoa học Tự nhiên thành một nhóm ngành riêng. Trên cơ sở có các nhóm ngành tương đối gần nhau, đặt ra các tiêu chuẩn riêng rẽ, phù hợp cho từng nhóm ngành đó với phương châm tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Đối với tiêu chuẩn GS, PGS, Viện Toán yêu cầu nâng chuẩn đối với nhóm ngành Khoa học tự nhiên. Cụ thể đối với PGS ít nhất phải gấp đôi, tức là nên nâng lên thành 4 bài ISI. GS không phải là hai lần PGS, nên việc qui định ít nhất có 8 bài ISI không có gì là quá đáng. Con số này cao hơn nhiều lần so với dự thảo của Bộ GD&ĐT.  Viện Toán cũng khẳng định việc yêu cầu là tác giả chính như dự thảo là cần thiết, vì PGS và GS phải có khả năng độc lập nghiên cứu.

Trong khi đó, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội khẳng định bản dự thảo lần này có nhiều thay đổi, xác định nội dung công việc mà tầm cỡ GS, PGS phải thực hiện. Đó là phải có năng lực ngoại ngữ để có thể giao lưu với bạn bè quốc tế và phải công bố công trình quốc tế. Tuy nhiên, GS Đào Trọng Thi cũng nhấn mạnh đến việc công bố công trình quốc tế. Theo ông đây là yêu cầu khó và là bước ngoặt so với yêu cầu hiện hành. Đối với các nhà Toán học, các nhà khoa học về lĩnh vực tự nhiên thì không có vấn đề gì, vì từ lâu họ đã đạt được yêu cầu tương tự. Nhưng đối với nhiều môn khoa học khác, đặc biệt là những môn khoa học mang tính nội tại ở Việt Nam như khoa học xã hội nếu yêu cầu ngay rất khó.

Trong quy định có phân ra khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhưng tôi nghĩ còn phải phân kỹ hơn nữa như toán, vật lý, hóa học bản thân nó đã mang tính quốc tế rồi thì ta có thể yêu cầu lộ trình nhanh hơn, yêu cầu cao hơn còn đối với một số khoa học tự nhiên và kỹ thuật mang tính nội tại tại Việt Nam chưa công bố quốc tế nhiều thì cần lộ trình dài hơn. Tôi nghĩ hướng đi là đúng song cần phân loại chuyên ngành, đối tượng lộ trình phù hợp theo hướng quốc tế hóa” - GS Đào Trọng Thi góp ý.

GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, hiện nay khoa học xã hội nước ta đăng ở nước ngoài là khó khăn. Còn khoa học tự nhiên có thể cập nhật được các tạp chí khoa học thế giới nên văn bản mới ban hành là thích hợp.

“Đối với các nhà Toán học, các nhà khoa học về lĩnh vực tự nhiên thì không có vấn đề gì, vì từ lâu họ đã đạt được yêu cầu tương tự. Nhưng đối với nhiều môn khoa học khác, đặc biệt là những môn khoa học mang tính nội tại ở Việt Nam như khoa học xã hội nếu yêu cầu ngay rất khó”. 

 GS Đào Trọng Thi (nói về yêu cầu công bố công trình quốc tế đối với tiêu chuẩn GS, PGS)

MỚI - NÓNG