Du lịch xử lý các điểm nóng thế nào?

Một loạt giải pháp nhắm vào thị trường nguồn như Trung Quốc, Hàn Quốc sau khi có hiện tượng chững lại và sụt giảm Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
Một loạt giải pháp nhắm vào thị trường nguồn như Trung Quốc, Hàn Quốc sau khi có hiện tượng chững lại và sụt giảm Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
TP - Lượng khách quốc tế có chiều hướng giảm, sự cố du lịch ngày càng nhiều trong những lúc quá tải và một số bê bối du lịch khác mà ngành du lịch đang phải đối mặt trong thời gian tới.

CÁCH NÀO HÚT KHÁCH

Ngành du lịch trong 6 tháng đầu năm đón khoảng 8,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách nội địa ước đạt 45,5% triệu lượt trong đó một nửa là khách lưu trú. Tổng thu du lịch ước đạt 338 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4%. 

Tuy nhiên, hai tháng gần đây khách quốc tế giảm so với các tháng trước. Ông Vũ Quốc Trí, Chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch nhắc tới một số nguyên nhân như ảnh hưởng chung từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến. “Chúng ta tập trung phát triển du lịch, các quốc gia Đông Nam Á cũng chú ý đầu tư du lịch cả về vật chất lẫn chính sách”, ông Trí nói.

Du lịch xử lý các điểm nóng thế nào? ảnh 1 Việt Nam có nhiều danh thắng thu hút khách quốc tế   Ảnh: TL
Trong cuộc họp chiều 9/7 để thông báo tình hình du lịch 6 tháng đầu năm, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định mức độ tăng trưởng của du lịch có dấu hiệu chững lại dù vẫn đạt mức 7,5%, cơ cấu khách dần chuyển đổi. Khách từ thị trường nguồn như Trung Quốc, Hàn Quốc giảm ở dòng khách charter nhưng có xu hướng tăng ở khách lẻ. Lãnh đạo ngành cũng điểm qua những sự cố du lịch vừa qua ảnh hưởng tới tình hình chung “tuy thế không vì sự cố mà du lịch dừng bước, phải giải quyết sự cố để phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng”.

Bộ Chính trị đặt mục tiêu cho du lịch phải đón ít nhất 18 triệu lượt khách quốc tế năm nay, qua một nửa thời gian mới đạt 8,5 triệu lượt. Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch cho biết, ngay 3 tháng đầu năm Tổng cục đã phân tích thị trường và nhận rõ xu hướng giảm, báo cáo Bộ trưởng VHTTDL. Lãnh đạo bộ, tổng cục ngồi lại với các doanh nghiệp lớn đón khách từ thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đưa ra những giải pháp cấp bách mang tính đột phá.

Một loạt giải pháp tình thế như: Lập tức đẩy mạnh xúc tiến hai thị trường nguồn Trung Quốc, Hàn Quốc. Riêng tháng 6 có bốn sự kiện lớn được đẩy từ cuối năm lên, có sự tham gia của Bộ trưởng VHTTDL và nhất là khách mời HLV Park Hang-seo tham gia xúc tiến tại Hàn Quốc tạo hiệu ứng tốt. Một số gói kinh phí xúc tiến tại Mỹ, Trung Đông được điều chuyển ưu tiên dành cho thị trường Bắc Á. Để đánh vào thị trường khách lẻ ở Trung Quốc, Tổng cục có hẳn chiến lược e-marketing quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội Trung Quốc thu hút khách lẻ, nhắm vào người trẻ để bù đắp lượng khách charter sụt giảm.

Khách từ thị trường nguồn Trung Quốc, Hàn Quốc chững lại, nhưng khu vực ASEAN tăng đều. Thái Lan là một trong số thị trường tăng mạnh, trong đó đặc biệt ưa thích các điểm du lịch miền Trung như Đà Nẵng, Hội An. Tổng cục cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng, bởi cán cân du lịch Việt Nam - Thái Lan vốn mất cân bằng: Khoảng 1 triệu người Việt du lịch Thái Lan, trong khi Việt Nam mới đón khoảng hơn 300 nghìn người Thái sang.

GIẢI QUYẾT SỰ CỐ

Tăng trưởng của du lịch chạm ngưỡng- liên tục cao 3 năm liền là điều hãn hữu trong lịch sử. Theo đánh giá của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, mức tăng trưởng về lượng cao, sự đầu tư mạnh mẽ thay đổi cục diện của du lịch cả về cơ sở vật chất lẫn nguồn nhân lực, tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là du lịch thích ứng ra sao với quy mô mới đạt được.

“Mức tăng khách cao liên tục trong ba năm khiến năng lực, sức chứa tại một số trung tâm du lịch vào một số thời điểm trong năm vượt quá giới hạn. Khách tập trung quá đông tại một điểm gây quá tải, lộn xộn, mất vệ sinh, không đảm bảo an toàn, chất lượng dịch vụ và giá cả dễ dẫn tới ảnh hưởng tiêu cực đối với hình ảnh du lịch Việt Nam”, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin phân tích sau khi nêu báo cáo du lịch 2018.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho biết, Ngân hàng Thế giới cử chuyên gia sang Việt Nam tư vấn và hỗ trợ xây dựng chiến lược du lịch 2020-2030, theo đó chiến lược của nước ta chuyển biến mạnh về cơ cấu theo hướng phát triển chiều sâu, tăng chất lượng lẫn số lượng nhờ sự phát triển du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ. 

Chú trọng đón khách quốc tế đã đành, các nhà quản lý thừa nhận không thể thờ ơ trước thực tế ngày càng nhiều người Việt du lịch nước ngoài - khoảng 10 triệu lượt mỗi năm và xu hướng tiếp tục tăng. Một số thị trường khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan có chính sách nới lỏng visa cho người Việt, tuy nhiên một số đối tượng xấu lợi dụng chính sách để bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới ngành du lịch, còn mang tới tác động tiêu cực cho thể diện quốc gia.

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành cho biết, sau vụ 149 khách Việt bỏ trốn tại Đài Loan, bên cạnh quyết định khởi tố của Bộ Công an, Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương rà soát, xử lý hiện tượng này. Trước thông báo của sứ quán Nhật Bản siết visa đoàn đối với một số công ty có tư cách đại diện xin visa đoàn do khách bỏ trốn, Tổng cục làm việc với sứ quán Nhật để tìm giải pháp. “Chúng tôi mong các bộ ngành liên quan phối hợp để nâng cao khả năng chấp pháp, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong và ngoài nước cho khách du lịch, nâng cao hình ảnh người Việt khi du lịch nước ngoài”, ông Hà Văn Siêu nói.

Khách từ thị trường nguồn Trung Quốc, Hàn Quốc chững lại, nhưng khu vực ASEAN tăng đều. Thái Lan là một trong số thị trường tăng mạnh, trong đó đặc biệt ưa thích các điểm du lịch miền Trung như Đà Nẵng, Hội An. Tổng cục cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng, bởi cán cân du lịch Việt Nam-Thái Lan vốn mất cân bằng: Khoảng 1 triệu người Việt du lịch Thái Lan, trong khi Việt Nam mới đón khoảng hơn 300 nghìn người Thái sang.

Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2019

Lễ vinh danh doanh nghiệp du lịch hàng đầu và tặng giải thưởng du lịch Việt Nam 2019 tổ chức ngày 15/7. Các hạng mục được vinh danh: Lữ hành, khách sạn, doanh nghiệp vận tải khách du lịch bằng ô tô, đường thủy và hàng không, nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch, khu du lịch và vui chơi giải trí, điểm dừng chân phục vụ khách du lịch, sân golf, doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh du lịch có đóng góp lớn. Năm nay, Bộ VHTTDL cho phép bổ sung thêm hai hạng mục: Cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch và đơn vị truyền thông có nhiều đóng góp cho ngành du lịch.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.