Du lịch Việt Nam: Trong rủi có may

Khách du lịch nước ngoài đến tham quan khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu
Khách du lịch nước ngoài đến tham quan khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Ngày 30/5, tại Hội nghị Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch, phiên họp định kỳ tại kỳ họp thứ nhất năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định đây là lúc nhận diện chính xác nhất điểm yếu của ngành Du lịch, và quan trọng là hành động thực tế chứ không thể mãi hô khẩu hiệu.

Không phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Tại dự thảo báo cáo về tình hình du lịch Việt Nam, ngoài những đánh giá về tình hình chung, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nhận định du lịch là ngành kinh tế nhạy cảm, ngay lập tức chịu ảnh hưởng và thiệt hại từ những tác động trực tiếp và gián tiếp của việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bởi từ nhiều năm nay, Trung Quốc là thị trường có số lượng khách quốc tế đứng đầu của Du lịch Việt Nam (chiếm 25% tổng số khách quốc tế đến Việt Nam).

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, do tác động của tình hình biển Đông, đầu tháng 5 thị trường khách du lịch Trung Quốc đã giảm 30% so với cùng kỳ. Khắc phục tình trạng này Quảng Ninh đã tích cực tăng cường truyền thông để bạn bè quốc tế thấy đây vẫn là điểm đến an toàn, thân thiện. Và hiệu quả đã có khi 31/5 đoàn du lịch Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) sẽ sang Quảng Ninh như lịch trình định trước.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lào Cai cho biết, trong tháng 5/2014 lượng khách Trung Quốc giảm. Tuy nhiên từ 31/5 nhiều công ty du lịch Trung Quốc sẵn sàng đưa du khách quay trở lại Việt Nam.

Cùng với nhận định này, ông Bùi Kim Thơ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, dù trong tháng 5/2014 du khách đã sụt giảm do tác động của tình hình biển Đông, nhưng hiện nay đã ấm dần trở lại.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, mối quan hệ giữa các thị trường du lịch là quan hệ tương hỗ chứ không phải một chiều và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc cũng vậy.

Vì vậy, thị trường khách Trung Quốc có giảm, nhưng không bi quan bởi các thị trường khác vẫn còn tiềm năng và vẫn tăng trưởng. Hơn nữa, khách du lịch Trung Quốc chi tiêu không lớn, chỉ trung bình khoảng 500 USD/người/ngày, trong khi các du khách khác là 1.200 USD người/ngày.

Trước những thách thức của tình hình hiện tại, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, cần đẩy mạnh, xúc tiến, tuyên truyền du lịch chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu với phương châm hành động an toàn - thân thiện - chất lượng.

Trong cái rủi có cái may

Bắt đầu phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các thành viên BCĐ cởi mở, tích cực tranh luận để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cũng như giải quyết những tồn tại lâu dài của ngành Du lịch bấy lâu nay.

Du lịch Việt Nam: Trong rủi có may ảnh 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, dù khách Trung Quốc giảm nhưng các thị trường khác như Nhật Bản và Hàn Quốc lại tăng. Nhận định các thị trường châu Âu, châu Mỹ vẫn còn rất tiềm năng, ông Dũng đề xuất cần tích cực quảng bá du lịch Việt Nam trên Google, các tạp chí du lịch châu Á, CNN, Discovery…

“Làm du lịch đầu tiên là chân thành tươi cười, thứ hai là sạch sẽ rồi mới từng bước tới chất lượng cao. Phải làm sao để người dân tham gia làm du lịch bởi một nụ cười của người dân cũng là làm du lịch”.

Phó Thủ tướng

Vũ Đức Đam

Cho rằng thông tin từ Việt Nam đến các nước rất hạn chế, thiếu khuyết, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa TT&DL TP HCM đề nghị cần đầu tư truyền thông đối ngoại. Một số thị trường mới, mang lại lợi nhuận rất cao nhưng chưa có đầu tư thích đáng như thị trường Trung Đông, Bắc Mỹ, Bắc Âu. Bên cạnh đó chúng ta phải kích cầu du lịch nội địa để bù đắp cho sự sụt giảm của du lịch quốc tế.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá thời gian qua, công tác du lịch đã có bước cải tiến về số lượng, chất lượng. Trước tình trạng thời gian qua, khách du lịch đến Việt Nam bị ảnh hưởng do diễn biến phức tạp ở biển Đông, ngành Du lịch cần khắc phục khó khăn, phát huy các sáng kiến, tăng cường các giải pháp liên ngành thu hút khách du lịch.

Cho rằng “trong cái rủi có cái may”, Phó Thủ tướng nhận định những khó khăn hiện tại là cơ hội để ngành Du lịch xem lại tất cả các vướng mắc chủ quan và tìm cách tháo gỡ, nhận diện chính xác nhất điểm yếu trong du lịch. Vì sao du khách chỉ đến một lần, thời gian du lịch ngắn, chi tiêu ít? Phải chăng các gói dịch vụ du lịch của chúng ta còn kém, khả năng cạnh tranh yếu?… Phó Thủ tướng đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu phải học cách làm du lịch của Nhật Bản, “người ta đau khổ khi du khách không hài lòng và hạnh phúc khi du khách được thỏa mãn các sản phẩm du lịch”.

Đánh giá cao mô hình du lịch của Hội An, Đà Nẵng, Phó Thủ tướng cho rằng, các địa phương cần nhân rộng mô hình này. Yêu cầu ngành Du lịch thực hiện được khẩu hiệu “Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn”, nhưng Phó Thủ tướng nhấn mạnh không thể làm du lịch theo kiểu mãi hô khẩu hiệu.

Vì vậy, các bộ, ngành cần phối hợp rà soát các thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương trong môi trường du lịch; tăng cường đào tạo đội ngũ làm công tác du lịch.

“Chiến lược, nghị quyết về du lịch chúng ta đều có. Nhưng không thể để tình trạng họp xong rồi để đấy. Họp xong quay vòng nhiều tháng mọi việc lại quay trở về điểm xuất phát”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Công ty lữ hành tìm thị trường thay thế

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị- Truyền thông Công ty du lịch Vietravel cho biết: “Tình hình biển Đông tác động lớn đến du lịch cả hai chiều. Số lượng khách từ Việt Nam sang Trung Quốc và từ Trung Quốc vào Việt Nam gần như bị đóng băng”. Ông Mẫn thông tin thêm đối với thị trường khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài Vietravel hiện tư vấn cho khách đến các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông hay xa hơn là Hoa Kỳ, Úc và châu Âu. Dự kiến thời gian tới Vietravel đẩy mạnh phát triển thị trường khách châu Âu và Đông Nam Á vì theo nhận định riêng của Vietravel đây là hai thị trường còn rất nhiều tiềm năng.

Chia sẻ về biện pháp thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, phát triển ngành du lịch, ông Minh Mẫn cho rằng: “Hiện nay ẩm thực Việt Nam đang là một hiện tượng đặc biệt thu hút sự yêu thích của du khách, cơ quan du lịch nên tổ chức những ngày ẩm thực Việt Nam tại các nước theo định hướng chọn Văn hóa Ẩm thực là Thương hiệu du lịch Việt Nam. Đó là sự khác biệt cốt lõi để Việt Nam tạo điểm nhấn với du khách. Nếu có chiến dịch quảng bá tốt bên ngoài và củng cố tiềm năng du lịch bên trong thì du lịch Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa vì Việt Nam vẫn là một điểm đến an toàn đối với du khách quốc tế”.

Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cũng cho biết hiện nay du lịch nước ngoài tuyến Trung Quốc không có khách đăng ký, tuy nhiên vẫn có khách Trung Quốc đến Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, Saigontourist tiếp tục khai thác các thị trường trọng điểm du lịch quốc tế như Tây Âu, Đông Bắc Á... Thời gian tới sẽ đẩy mạnh phát triển tại các nước khu vực Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ, Đông Âu, New Zealand...

Hải Yến

MỚI - NÓNG