Du lịch về… làng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhóm chúng tôi có 11 người, mang theo những nhu cầu khác nhau: tìm hiểu về văn hóa làng Bắc Bộ, tìm bối cảnh cho phim độc lập, du lịch xả stress, đi chỗ nào hay hay mà không quá xa Hà Nội... được một hướng dẫn viên đang thất nghiệp vì COVID-19 dẫn đi một tua làng. Cuối cùng, tất cả đều nhất trí rằng, du lịch làng thật tuyệt vời, và thật “phí phạm” khi những tài nguyên này chưa được khai thác đúng mức.

Những làng cổ trăm năm

Theo câu thơ của Quang Dũng “tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm”, đích đến đầu tiên của chúng tôi là làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây).

Ngay đầu làng có chùa Mía tuổi đời bốn trăm năm, được tu bổ, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được lối kiến trúc cổ: trong ngoài bao bọc, ngang dọc đan xen. Diện tích chùa không quá lớn (hầu hết các chùa cổ ở miền Bắc đều có diện tích không quá lớn), nhưng quý ở sự tinh tế và cổ kính.

Kiến trúc sư Nguyễn Nghĩa Đàn đang làm một dự án liên quan đến các ngôi chùa cổ ở Việt Nam lúc này thay vai hướng dẫn viên kể cho chúng tôi những chi tiết hay, độc, lạ trong kiến trúc chùa Mía. Một người đề nghị, phần thuyết trình này nên được in thành sách phổ biến cho các hướng dẫn viên (dạng rút gọn) hoặc bán cho khách du lịch (phiên bản cụ thể) bởi nhiều sự “có một không hai” của ngôi chùa đặc biệt này.

Du lịch về… làng ảnh 1

Cổng nhà ở Tây Mỗ

Trong làng Đường Lâm có thôn Mông Phụ là nơi còn lưu giữ được nhiều nhà cổ, giếng cổ nhất. Ngôi nhà cổ nhất ở đây là của gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, xây bằng đá ong, gạch mộc vào năm 1649, được bao bọc trong một không gian xanh tuyệt đẹp. Trước chúng tôi, đã có hai gia đình tự lái xe từ Hà Nội cho con đi đổi gió cuối tuần. Ông Hùng kể, trước dịch COVID-19 cuối tuần nào nhà ông cũng nườm nượp khách, riêng chè lam (một đặc sản của Đường Lâm) có khi bán cả vài chục cân một ngày.

Ngôi nhà của gia đình ông Hùng và một số nhà khác trong làng đã được tổ chức JAICA (Nhật Bản) phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tu bổ với mục tiêu tôn trọng nguyên bản. Nhà gồm năm gian chính, ba gian bếp và khu vệ sinh được phục chế lại gần như nguyên bản.

Thế nhưng không phải gia đình nào cũng may mắn như ông Hùng, nhiều nhà cổ ở Đường Lâm hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, dân vừa không dám phá xây mới kiên cố, vừa ngóng chờ được hỗ trợ tu bổ. Khách du lịch đến Đường Lâm không ít nhưng lại chỉ tập trung ở mấy địa chỉ cố định. Bởi nhà cổ xen lẫn nhà mới và chưa có định hướng cụ thể nên du lịch ở đây chưa thể quy về một mối kiểu như Hội An hay Phượng Hoàng cổ trấn ở Trung Quốc. Dân Đường Lâm vì vậy, chưa thể sống nhờ du lịch.

Du lịch về… làng ảnh 2

Ngôi nhà của dòng họ Nghiêm Xuân đã trở thành bối cảnh của nhiều bộ phim truyền hình.

Nhờ sự gợi ý từ những chum tương đặt trước nhà dân ở Đường Lâm, chúng tôi ghé qua làng Bần, Mỹ Hào, Hưng Yên. Đây là một làng nghề, giống như làng Bát Tràng hay Phù Lãng. Đang chính vụ làm tương (thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8) nên các xưởng tương ở Bần khá nhộn nhịp. Từ đầu làng đã có thể ngửi thấy mùi thơm của đậu tương rang.

Thổ địa làng Bần, anh Trần Quý Trọng cho biết: cứ sau cữ nồm, trời bắt đầu nắng gắt là dân Bần vào vụ tương. Tương Bần giờ xuất đi muôn nơi nên xưởng nào cũng có quy mô lớn. Nhiều hộ ở đây đổi đời nhờ tương, nhà nào không có vốn mở xưởng thì cũng có thể đi làm thuê, lương 7-9 triệu một tháng, đỡ vất vả hơn đi bán hàng rong ở Hà Nội, lại được gần nhà.

Du lịch về… làng ảnh 3

Bà Yên – “bếp trưởng” kiêm trưởng “ban quản lý” nhà cổ của dòng họ Nghiêm Xuân

Cũng theo anh Trọng, khách du lịch đến làng Bần không nhiều, chủ yếu là dân thích chụp ảnh. Phông nền xám nâu với những chum tương xếp thành hàng thành lớp chính là khung cảnh “đặt cái gì vào cũng trở thành nổi bật”. “Trời có nắng đẹp thì họ đến nhiều, mấy năm nay các bà các cô cũng tìm đến để chụp ảnh với áo tứ thân, áo dài, áo nâu sồng... Nhưng dân Bần chủ yếu vẫn sống nhờ bán tương”, anh Trọng kết luận.

Làng Hollywood

Đây là biệt danh các đạo diễn đặt cho làng Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) bởi từ năm 2000 đổ lại đây, chỗ này đã trở thành phim trường của rất nhiều bộ phim nổi tiếng như: “Bác Cả – người sung sướng”, “Đất và người”, “Lời nguyền huyết ngải”, “Vị tướng tình báo và hai bà vợ”, “Gió làng Kình”, “Ma làng”...

Ở Tây Mỗ, người dân rất tự hào về ngôi nhà cổ 8 mái có tuổi đời gần 200 năm của dòng họ Nghiêm Xuân – nơi không chỉ trở thành bối cảnh mà còn là nhà bếp của hàng trăm đoàn phim do “bếp trưởng” Yên gù (tên thân mật của bà Hoàng Thị Yên – con dâu của dòng họ Nghiêm Xuân) quán xuyến. Theo bà Yên, trước đây các cụ trong dòng họ Nghiêm Xuân đều làm chức quan to trong triều đình. Hiện nay, trong nhà vẫn giữ được các bút tích chữ Nho ghi trên khảm trai và nhiều đồ cổ, binh khí có giá trị khác.

Du lịch về… làng ảnh 4

Làng Bần vào vụ tương

Cũng từ khoảng những năm 2000, ngôi nhà của bà Yên mở cửa cho khách tham quan. Ở đây, những người sinh ra ở thành phố và thế hệ Gen Z (thế hệ sinh sau năm 1995) có thể nhìn tận mắt, sờ tận tay ngôi nhà được xây từ thời ông bà anh với từ đường, nhà ngang, bể nước (dùng để hứng nước mưa), bếp biệt lập so với nhà, vườn tược... của nông thôn Bắc Bộ thứ thiệt.

Đến Tây Mỗ vào buổi sáng, chúng tôi còn may mắn thấy được “chợ làng họp dưới gốc đa”. Không có lều bạt, mái che, cái chợ tự phát bán đủ thứ mà người dân nuôi, trồng được. Mấy người đi cùng thích thú đi gom trứng gà, rau củ quả, chuối xanh, đậu nành (mỗi thứ chỉ có hạn)... để mang về Hà Nội làm quà.

Kiến trúc sư Nguyễn Nghĩa Đàn cho rằng Tây Mỗ là một trong những làng gần Hà Nội hiếm hoi còn giữ được kiến trúc làng Bắc Bộ tương đối nguyên vẹn với những ngôi nhà ba (hoặc năm) gian, hai chái, phía trước có sân rộng, hai bên hông nhà có khuôn viên xanh.

Nhiều thói quen sinh hoạt của “người nhà quê” cũng được lưu giữ nguyên vẹn ở đây: ví dụ, tận dụng giàn rau, quả làm cổng nhà, làm “ô” che nắng, trồng cây bô-rô (có nơi gọi là ô-rô) làm hàng rào, trong sân nhà có hòn non bộ (thường là do gia chủ tự đắp), quanh sân có cây thế (do gia chủ tự uốn), trong khuôn viên đất vườn có ao...

Buổi trưa, đúng như lời mách nước trước đó, chúng tôi nhờ bà Yên nấu cho bữa cơm quê. Không cần đặt món, đúng giờ, bà Yên bê mâm ra có canh cua cà pháo, thịt rang cháy cạnh, trứng rán, đậu sốt cà chua, cá riếc trứng kho tương. Người cao tuổi nhất đoàn vừa ăn vừa rớm nước mắt nói rằng, kể từ khi mẹ anh mất, anh không được ăn những món đúng vị quê như thế này. Cậu quay phim đi cùng còn kể thêm, nhiều nghệ sĩ về đây cũng mê mẩn tài bếp của bà Yên. NSND Công Lý cứ gặp bà là lập tức “xúi bẩy” bà đến cạnh Đài truyền hình Việt Nam mở quán cơm cho anh em ăn uống đỡ khổ.

Giữ gìn nhà cổ

Anh Lê Văn Lâm (người làng Đông Sơn, Thanh Hoá) đi cùng chúng tôi có mong muốn học hỏi việc làm du lịch ở một số làng cổ để về áp dụng cho quê hương. Anh Lâm kể, ở Đông Sơn hiện còn khoảng hơn chục ngôi nhà cổ tuổi đời trên dưới trăm năm, trong đó có ngôi nhà hơn 200 tuổi nhưng chưa được công nhận di tích quốc gia nên chưa có chính sách hỗ trợ tu bổ, tôn tạo. Nhiều ngôi nhà xuống cấp, hỏng đâu người dân sửa đó khiến diện mạo, kiến trúc bị thay đổi khác xa so với ban đầu.

Tình trạng này không phải cá biệt. Trước đó, ở Cự Ðà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai (Hà Nội) từng xảy ra hiện tượng hơn nửa số hộ sở hữu 100 ngôi nhà cổ với ngói mũi hài, cột gỗ lim sau khi nhận được tiền đền bù từ dự án giải tỏa đất nông nghiệp để làm khu đô thị đã đập nhà cũ xây nhà mới bằng bê tông, cốt thép khiến các kiến trúc sư và người làm di sản kêu trời.

Anh Lâm cho rằng, nếu bảo tồn nhà cổ tốt, cộng với việc tạo ra thêm một số sản phẩm du lịch mới thì hoàn toàn có thể biến Đông Sơn thành một làng du lịch, một mặt tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân, một mặt lưu giữ được những giá trị kiến trúc, văn hóa cổ.

MỚI - NÓNG