Bãi biển Quy Hòa xinh xắn nằm khuất trong thung. Nó không mang vẻ đẹp thật rực rỡ hay kỳ thú hút khách nhưng lại có… làng phong và nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử. Đã đến với Quy Nhơn, bạn nên thăm Quy Hòa để cảm nhận tình người hòa quyện cảnh vật thiên nhiên.
Bỏ qua cổng vào khu du lịch Ghềnh Ráng, du khách rẽ vào đường ngách để đến với Quy Hòa. Con đèo trải nhựa ngoằn ngoèo xuyên qua rừng cây non xanh. Hương rừng tinh khiết cho bạn tha hồ hít thở. Bệnh viện Da liễu T.Ư Quy Hòa hiện ra như thể một khu nghỉ dưỡng với những dãy nhà trắng lấp ló sau vòm cây lâu năm. Bạn phải trả phí 6.000 đồng nhưng không phải để vào thăm khu khám chữa bệnh “sang trọng” kia. Các hạng mục dành cho du khách là bãi biển, vườn tượng, nhà lưu niệm và dấu mộ của Hàn Mặc Tử. Di cốt của ông đã được rời ra Ghềnh Ráng từ 1959.
Dù sao nơi thi sĩ yên nghỉ ở Ghềnh Ráng vẫn mang tính chất du lịch, thưởng ngoạn. Muốn gần thi nhân hơn, để có thể cảm nhận phần nào nhỏ nhoi nỗi đau của ông, bạn phải đến làng phong. Tôi đến Quy Hòa vào ngày cuối tuần. Đi dọc con đường ven biển, hễ thấy người là tôi chỉ trực nhìn vào tay họ xem… ngón có còn không. Nhưng sự thực là những người đang mang bệnh thì không được ra khỏi khu điều trị. Những người đã khỏi bệnh (khó tránh khỏi di chứng què cụt) quanh quẩn ở nhà. Trên bãi biển chỉ có các bạn trẻ áng chừng đi team-building và vài sơ để nguyên quần áo xuống lội nước, chụp ảnh.
Nhờ hỏi đường mà tôi bắt chuyện được với sơ Kim Chi. Hóa ra để hòa đồng với xung quanh, các sơ mặc như người thường. Để ý mới thấy sự đồng bộ của họ: quần đen, sơ mi xám và mũ rộng vành sáng màu hơn áo một chút. Không chỉ kể về lịch sử của trại phong, sơ còn cho hay có 3 chủng bệnh và chỉ một số người có cơ địa (gene) phù hợp mới có thể lây bệnh qua đường máu. Năm 1984, chính BS Trần Hữu Ngoạn - nguyên giám đốc Bệnh viện Quy Hòa đã tiêm vi khuẩn Hansen vào người để cho các y sinh thấy tính lây nhiễm của bệnh phong thấp như thế nào.
Về chiếc giường nơi Hàn Mặc Tử nằm bệnh, sơ nhận xét: “Chắc ông phải nhỏ người lắm mới nằm vừa!”. Tôi đến nơi thấy có thế thật. Chiếc giường như cố nép mình lại, đặng nhường chỗ cho bộ xa-lông và tủ chè. Gian phòng giống phòng khách sẵn sàng nghênh tiếp bạn thơ, chiếc giường chỉ là chỗ nghỉ tạm… Từ giường, người nằm có thể quan sát qua khung cửa sổ khá lớn so với tỷ lệ gian phòng. Hoa văn sắt uốn thay cho song cửa diễn tả một khung cảnh sông nước tráng lệ với con thuyền hai buồm đang lướt sóng. Vì đến đúng lúc trời nắng nên tôi cứ đinh ninh là cảnh bình minh. Về xem lại ảnh mới thấy vầng trăng khuyết.
Cửa sổ nhìn ra giàn hoa giấy. Một người đàn ông khắc khổ cầm chổi lúi húi ở đó. Thấy tôi ra, ông lại hỏi han: “Thế nào phòng lưu niệm đẹp không?!”. Tôi được biết ông tên Lành, ở Thanh Hóa, sống một mình ở đây. Con trai (không bị phong) cùng làng nhưng lại ở riêng. Ông cho hay dạo trước cư dân ở đây cũng tổ chức sản xuất hàng hóa để bán nhưng chẳng ai mua nên thôi, đành sống bằng tiền trợ cấp và từ thiện. Xưởng may hiện có trong làng là của người ngoài phố vào thuê mặt bằng…Tôi tiếp xúc lần đầu tiên với một người (từng bị) hủi như thế. Hóa ra họ đều rất cởi mở.
Ai độc thân sẽ phải ở ghép, ai có gia đình được ở phòng riêng. Cứ ở miễn phí thế cho đến khi nào không ở được nữa thì nhường người đến sau. Không hiếm người đến đây vừa được chữa khỏi bệnh, lại vừa cưới được vợ (cùng cảnh). Làng của người phong phải nói là một chốn thơ mộng với những mái nhà, khoảng vườn xinh xắn. Có quán cà phê, chợ, đi vài bước ra bãi biển, bệnh viện sát bên chữa trị miễn phí. Nhưng ngoài khoản trợ cấp eo hẹp, họ đói cả văn hóa tinh thần. Hy vọng các đoàn từ thiện đến đây sẽ để ý điều này. Sân khấu trên bãi biển với mái vòm trắng nên thơ cũng đang chờ các nghệ sĩ đến phục vụ bà con.