Du lịch dịp lễ giỗ Tổ: Khách sạn cháy phòng, hải sản tăng giá

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều điểm du lịch khu vực phía Nam đón lượng khách lớn trong dịp lễ 10/3 âm lịch khiến phòng ốc khan hiếm, đường sá kẹt xe, hải sản tăng giá… nhưng cũng hứa hẹn một năm khởi sắc của ngành du lịch sau những khó khăn vì dịch COVID-19.

Phải đặt phòng trước

Dịp lễ này, gia đình anh Lê Anh Tú (ngụ ở quận 3, TPHCM) chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ ngơi. Sau hơn 1 năm, gia đình anh Tú mới có dịp đi du lịch cùng nhau vì dịch COVID-19.

“Gia đình tôi đã chọn mua “combo” dịch vụ máy bay và khách sạn đến Đà Lạt với giá ưu đãi 3 triệu đồng/người. Với mức giá này, giá dịch vụ du lịch trong kỳ nghỉ lễ không tăng mà còn đang giảm khoảng 1 triệu đồng so với thời điểm dịch bệnh COVID-19 chưa bùng phát”, anh Tú nói.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, dịp lễ này, hàng nghìn người đổ về chợ Đà Lạt và khu vực trung tâm của thành phố này. Vào ban đêm, dòng người chen chân trong khu chợ đêm, nhiều bãi gửi xe xung quanh kín chỗ. Ngoài tham quan các sạp hàng hai bên chợ, nhiều du khách thưởng thức món ăn vặt, các hàng quán cũng kín bàn.

Chị Nguyễn Thị Thúy Vân (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, đã lên Đà Lạt 3 hôm nay vì lo đi đúng ngày lễ sẽ đông đúc. Chị Vân chọn chợ đêm làm nơi tham quan vì có nhiều tụ điểm ăn uống, mua sắm quà lưu niệm.

Do khách đông nên di chuyển trong chợ đêm chậm chạp nhưng không có tình trạng chen lấn. Thời tiết mát mẻ, chỉ khoảng 15-16 độ C nên không bị mệt mỏi. Hơn nữa, các du khách đều có ý thức phòng chống dịch COVID-19 khi luôn đeo khẩu trang và xịt khuẩn.

Trước kỳ nghỉ lễ 10/3 âm lịch, UBND TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quy tắc ứng xử văn hóa người Đà Lạt để tránh những trường hợp hàng quán xúc phạm, lăng mạ du khách, nhất là khi một lượng du khách lớn sẽ đổ về đây dịp lễ. Người dân Đà Lạt hướng đến ứng xử hiền hòa, thân thiện, mến khách, cơ sở lưu trú, kinh doanh nhà hàng, ăn uống... Các cơ sở phải phục vụ khách chu đáo, tuân thủ quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, niêm yết thực đơn và giá công khai...

Ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP.Đà Lạt cho biết, dự kiến từ ngày 8-11/4, thành phố sẽ đón khoảng 50.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú qua đêm là 35.000 lượt.

 Du lịch dịp lễ giỗ Tổ: Khách sạn cháy phòng, hải sản tăng giá ảnh 1

Khách đổ dồn về các khu du lịch. Ảnh: N.T

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Lâm Đồng, khách sạn, nhà nghỉ tại Đà Lạt không có hiện tượng quá tải. Với những khách sạn ở trung tâm, tỷ lệ khách sạn từ 2 sao trở lên phủ kín phòng đạt 80-90%. Cách trung tâm Đà Lạt, độ phủ kín phòng đạt khoảng 60%.

Với loại hình homestay có tiếng, độ phủ phòng đạt 70%. Có những homestay nằm ở khu vực có cảnh quan đẹp, độ phủ kín phòng đạt 90% dù cách trung tâm thành phố khoảng 4 km. UBND TP.Đà Lạt khuyến cáo du khách nên đặt phòng trực tiếp khách sạn chọn ở và phải có xác nhận từ khách sạn bằng tin nhắn, email… Du khách không nên đi du lịch Đà Lạt khi chưa đặt được phòng ở.

Hải sản hết hàng

Ngày 10/4, dòng xe cộ tiếp tục đổ về Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nghỉ lễ giỗ Tổ khiến quốc lộ 51 quá tải buộc phải xả trạm thu phí. Trong nội đô Vũng Tàu, bắt đầu từ khoảng 9h sáng, các con đường chính, ngã ba, ngã tư đã xảy ra tình trạng ùn ứ xe đến tận 12h.

Đến hẹn lại lên, các dịch vụ, mặt hàng phục vụ du khách lại tăng giá cao. Trong đó, các phòng nghỉ của khách sạn bình dân, mini tuy treo biển còn phòng nhưng giá ngất ngưởng. Một phòng nghỉ máy lạnh dành cho 2 người ở dọc đường Phan Chu Trinh, TP Vũng Tàu có giá từ 600.000-800.000 đồng/ngày. Nếu ở 4 người, chủ cơ sở cho mượn nệm và phụ thu thêm mỗi người 100.000 đồng. Mức giá trên cao gấp đôi so với ngày thường.

Thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho thấy, trong đêm 9-10/4, toàn bộ cơ sở lưu trú tại TP.Vũng Tàu và các huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền đều kín phòng. Nhiều du khách sau khi vui chơi tắm biển, ăn uống không tìm được phòng lưu trú phải chạy ngược về TP. Bà Rịa hoặc di chuyển ra các khách sạn, nhà nghỉ dọc quốc lộ 51 để thuê phòng.

Tương tự, nhiều loại hải sản ở Vũng Tàu đã hết hàng khi bước sang ngày nghỉ lễ thứ 2, nhất là ghẹ. Các vựa hải sản dọc đường Hoàng Hoa Thám, Thùy Vân… đều không còn ghẹ để bán. Những vựa hải sản còn hàng thì giá lại cao, từ 700.000-900.000 đồng/kg, cao hơn ngày thường 300.000-400.000 đồng/kg. Các loại hải sản khác như mực, ốc hương, bạch tuộc… cũng có giá cao hơn ngày thường từ 40.000-60.000 đồng/kg.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, kỳ nghỉ lễ này dự kiến khách đến Vũng Tàu đông, có khả năng sẽ kẹt xe cục bộ. Tuy nhiên, Vũng Tàu đã có kinh nghiệm đón khách các kỳ nghỉ lễ thời gian qua nên không gặp nhiều khó khăn. Sở Du lịch địa phương này đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch chuẩn bị điều kiện tốt nhất đón khách.

Còn ông Đường Ngọc Thuận, Chánh Thanh tra Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, trước và trong những ngày lễ, Thanh tra Sở Du lịch đã kiểm tra công tác phòng dịch, nắm tình hình đón và phục vụ khách tại các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú để tránh hiện tượng chặt chém. Đoàn cũng kiểm tra công tác cứu hộ, cứu nạn bờ biển, hồ bơi… Các cơ sở cần đảm bảo quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Tại Bình Thuận, ngay trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ, du khách đã đổ về các địa điểm du lịch như Phan Thiết, La Gi, Hàm Thuận Nam... Các điểm đến như Đồi cát bay, bãi đá ông Địa, công viên biển Đồi Dương, Hòn Rơm… rất đông du khách vui chơi, tắm biển.

Theo Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Bình Thuận, phần lớn các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đã mở cửa đón khách trở lại từ dịp Tết Nguyên đán năm 2022 nên cơ sở vật chất đều đảm bảo. Dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lượng khách tập trung mạnh vào ngày 10/4. Công suất phòng vào ngày này tại các khách sạn 1-2 sao đạt khoảng 30-50%, các khách sạn từ 3-5 sao đạt công suất phòng khoảng 75-85%.

Để đảm bảo an toàn cho du khách, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố cùng doanh nghiệp du lịch thực hiện các quy định về phòng chống COVID- 19; thực hiện tiêu chí an toàn đối với cơ sở lưu trú, niêm yết giá, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự… Đồng thời, rà soát, lắp đặt biển báo, quy định, hướng dẫn du khách tại điểm tham quan, điểm du lịch mạo hiểm hoặc bãi tắm ven biển và tăng cường công tác cứu hộ ở các bãi tắm ven biển.

Tín hiệu tích cực

Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp Thị và Công nghệ thông tin của BenThanh Tourist cho rằng, du lịch đón nhận những dấu hiệu phục hồi rất tích cực, lượng khách đặt tua đang tăng khá cao. Nếu trong tháng 3, lượng khách nội địa BenThanh Tourist phục vụ đạt khoảng 4.000 lượt khách thì chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 4 số khách công ty phục vụ đã hơn 7.000 lượt và hàng chục đoàn tua MICE quy mô vài chục đến vài trăm khách đang lên kế hoạch khởi hành.

Về thị trường du lịch nước ngoài, tuy khách đặt tua chưa ồ ạt như thời điểm trước dịch nhưng cũng đã có dấu hiệu tăng đáng kể, công ty hiện đã lên đoàn thành công các tua Mỹ, châu Âu.

Tương tự, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông Công ty du lịch lữ hành TST cho biết, ngành du lịch đang có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ và ổn định. Dự đoán 1-2 tháng nữa, thị trường sẽ cực kỳ sôi động.

Dịp Giỗ tổ Hùng Vương, công ty tung ra gần 10 tua du lịch đặc sắc đến các vùng, miền du lịch nổi tiếng của cả nước để du khách có nhiều lựa chọn. Các tua du lịch này đã được công ty nâng chất lượng, tăng trải nghiệm và nhiều nét mới để du khách có thể cảm thấy thoải mái hơn khi mua tua trong các kỳ nghỉ lễ lớn của Việt Nam.

Đối với các tua nước ngoài, hiện nay các đối tác quan sát, sàng lọc năng lực doanh nghiệp rất kỹ, xem ai còn đủ năng lực đáp ứng thì mới đặt vấn đề kết nối mở các đường tua mới.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.