Du khách Việt: Vẫn còn những hình ảnh xấu xí

Người Việt quan tâm tới tour nước ngoài ngày càng tăng Ảnh: NHƯ Ý
Người Việt quan tâm tới tour nước ngoài ngày càng tăng Ảnh: NHƯ Ý
TP - Khoảng 10 triệu người Việt du lịch nước ngoài năm 2018 là con số đáng mừng, tuy thế các nhà quản lý và những người làm du lịch chỉ ra thách thức không nhỏ bởi vị thế khách du lịch Việt ở nước ngoài chưa cao.

ÐÁNG MỪNG

Con số 10 triệu người Việt đi nước ngoài năm 2018 được nhắc tới tại Diễn đàn Du lịch Outbound Việt Nam-cơ hội và thách thức nhân Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam-VITM 2019, do Bộ VHTTDL phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tổ chức. Ông Đoàn Ngọc Xuân, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng đây là điều đáng mừng khi người Việt ngày càng có điều kiện du lịch nước ngoài, có mức chi trả ngày càng cao.

Chỉ tính từ 2015 đến nay, lượng người Việt du lịch Trung Quốc tăng từ gần 2 triệu lên gần 4 triệu lượt. Người Việt sang Nhật đạt gần 400 ngàn lượt, nếu so sánh cán cân đón khách Nhật tại Việt Nam thì tăng từ 10% lên mức 50%. Việt Nam dần trở thành thị trường trọng điểm của nhiều quốc gia.

“Nếu Việt Nam trước đây nổi tiếng với những cuộc chiến oai hùng, thì giờ đây dấu chân người Việt in khắp nơi trên thế giới từ Bắc Cực, Nam Cực, leo lên đỉnh Everest, sa mạc Sahara, đất nước Bhutan. Chỉ có điều chúng ta chưa để ý đến nhiều, chưa đánh giá đúng dấu ấn của người Việt ở nước ngoài”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói. Người Việt du lịch nước ngoài (outbound) có thời từng chưa được xem trọng, thậm chí còn bị lo ngại vì “chảy máu” ngoại tệ. Nay du lịch outbound được nhìn nhận đúng hơn, trở thành một phần không thể tách rời của ngành du lịch bên cạnh inbound (đón khách quốc tế), du lịch nội địa.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thừa nhận trước đây do nhận thức chưa đầy đủ nên du lịch outbound chưa được quan tâm. Bây giờ phải xem outbound góp phần tăng cường hiểu biết, nâng cao dân trí, tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm ăn, cũng như quảng bá hình ảnh con người Việt Nam. Đóng góp của du lịch vào GDP đạt hơn 7,9%, nếu được tính tới chi tiêu của người Việt trước khi ra nước ngoài vào doanh thu hẳn mức đóng góp hơn 8,3%.

KHÔNG ÐỂ BỊ COI THƯỜNG

Xem du lịch outbound là cơ hội, động lực phát triển của ngành, các nhà quản lý và những người làm du lịch chỉ ra những điều đáng buồn khi người Việt ra nước ngoài: nói chuyện to, vứt rác bừa bãi, lãng phí đồ ăn, không đúng giờ. Ba năm trước Hiệp hội Du lịch phát động phong trào nâng cao hình ảnh du khách Việt Nam góp phần cải thiện tình trạng này, tuy thế vẫn còn nhiều điều đáng ngại.

Ngoài những hình ảnh xấu xí trên, gần đây nhất vụ 152 khách Việt bỏ trốn ở Đài Loan gây bức xúc. Đây không chỉ là nỗi buồn, xấu hổ của ngành du lịch và bôi nhọ hình ảnh đất nước, còn làm sứt mẻ mối quan hệ giữa hai bên. Một số người Việt vi phạm pháp luật nước sở tại, khiến một số nước hạn chế cấp visa cho người Việt, đưa ra thủ tục rườm rà.

Đại diện Hanoi Redtours nêu thực tế người Việt ngày càng nhiều người lựa chọn du lịch kết hợp chữa bệnh, làm đẹp. Vì lẽ đó du lịch outbound cần được thừa nhận, quản lý sao cho bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước đó du khách Việt ra nước ngoài cũng gặp không ít tình trạng bị bỏ rơi, doanh nghiệp không đủ năng lực chào giá rẻ nhưng cắt xén chương trình, ép khách mua sắm để bù lại chi phí.

Theo phân tích của bà Nghiêm Ái Phương (Saigontourist), một số đơn vị chỉ tập trung vào chi tiêu thực sự của khách, không tập trung xây dựng sản phẩm có chất lượng, hướng tới danh lam thắng cảnh đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc cty Du lịch Hanoitourist thẳng thắn, hoạt động du lịch outbound chưa được quản lý chặt chẽ nên khách khó nhận biếtdoanh nghiệp nào được phép tổ chức outbound, doanh nghiệp nào không. Nhiều công ty lữ hành chưa đủ năng lực và không có giấy phép vẫn tổ chức đưa khách đi nước ngoài và để xảy ra nhiều hệ lụy.

Người Việt ngày càng du lịch nước ngoài nhiều hơn, làm thế nào để đi đến đâu cũng được chào đón, đã mất tiền rồi sẽ không bị coi thường? Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Xã hội (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng cần hoàn thiện chiến lược, chính sách cũng như cơ chế đủ mạnh để kỳ vọng phát triển du lịch, hoạt động outbound bền vững. Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, Tổng cục đang xây dựng dự thảo bộ quy tắc ứng xử cho người Việt Nam đi nước ngoài. Bộ quy tắc này sẽ được in ấn, phát hành trên máy bay để du khách tham khảo, ứng xử phù hợp.

Xử lý nghiêm
Ông Vũ Thế Bình cho rằng, không ai truy cứu trách nhiệm những hình ảnh người Việt xấu xí khi du lịch nước ngoài nên chưa có sức răn đe. Kể cả hành vi như bỏ rơi khách Việt, du khách bỏ trốn ở nước ngoài cũng cần được xử lý nghiêm. Ngay vụ việc đưa khách Việt bỏ trốn ở Đài Loan tới nay thông tin xử lý chưa rõ, nếu không nghiêm nhiều đơn vị làm ăn tắc trách tiếp tục vi phạm. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc cty TransViet đồng tình, cho rằng những vi phạm thời gian qua chưa được đưa ra pháp luật, những người vi phạm chưa chịu hình phạt nặng. 

 

Đại diện Hanoi Redtours nêu thực tế người Việt ngày càng nhiều người lựa chọn du lịch kết hợp chữa bệnh, làm đẹp. Vì lẽ đó du lịch outbound cần được thừa nhận, quản lý sao cho bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước đó du khách Việt ra nước ngoài cũng gặp không ít tình trạng bị bỏ rơi, doanh nghiệp không đủ năng lực chào giá rẻ nhưng cắt xén chương trình, ép khách mua sắm để bù lại chi phí. 

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.