Du khách nườm nượp ra Lý Sơn dịp 8/3, 'cháy' dịch vụ

Nhiều khách liên hệ khách sạn nhưng đã hết chỗ.
Nhiều khách liên hệ khách sạn nhưng đã hết chỗ.
TPO - Hàng nghìn du khách đổ ra đảo Lý Sơn dịp lễ Quốc tế phụ nữ 8/3 khiến hàng loạt dịch vụ trên đảo như nhà hàng, khách sạn, taxi, cho thuê xe máy rơi vào tình trạng quá tải.

Chúng tôi đến đảo Lý Sơn ( Quảng Ngãi) chiều ngày 5/3 trên con tàu cao tốc Hồng Danh 09 đông nghẹt du khách. Dù đã nhờ người quen trên đảo đặt phòng trước cả tuần nhưng vẫn không còn chỗ vì khách sạn, nhà nghỉ nào cũng “cháy phòng”. 

Chung cảnh ngộ là hàng trăm khách du lịch khác. Chị Trần Thị Minh Nguyệt (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Nhóm chúng tôi gồm 6 người, sau khi mua vé tàu cao tốc ở cảng Sa Kỳ, trong lúc chờ tàu chạy, chúng tôi chủ động liên hệ các nhà nghỉ, khách sạn ngoài đảo để đặt phòng nhưng nơi nào cũng báo hết. Mọi người đã tính chuyện sẽ “ngủ bụi” ở đảo, may mà đảo mới mở thêm các điểm “du lịch cộng đồng”. 

Lượng khách quá đông nên các dịch vụ nhà hàng, taxi, cho thuê xe máy cũng không đủ đáp ứng. Anh Phạm Mạnh Cường, tài xế xe taxi Tiên Sa cho biết: Dù cả 9 xe của hãng hoạt động liên tục vẫn không thể phục vụ hết nhu cầu đi lại của khách. Cả ngày nay tôi chạy liên tục, cứ trả khách xong lại đón khách, đến nỗi không có thời gian ăn uống. Phòng bán vé tàu cũng hoạt động hết công suất. 

“Ngày thường chỉ có hai chuyến ra - vào đảo nhưng dịp lễ tăng lên đến 7, 8 chuyến mỗi ngày. Khách không tranh thủ mua sớm thì phải đợi chuyến tàu sau hoặc sang ngày”, chị Ngô Thị Hồng Nga, nhân viên bán vé tại đảo Lý Sơn cho biết. 

Được biết, trước lễ 8/3 khoảng nửa tháng, nhiều tour du lịch đã gọi điện đặt phòng nên những hành khách đến vào dịp lễ không còn chỗ ở.

Du khách nườm nượp ra Lý Sơn dịp 8/3, 'cháy' dịch vụ ảnh 1 Cầu cảng tấp nập du khách.
Dù nhà nghỉ, khách sạn “cháy phòng” nhưng du khách có thể yên tâm với các điểm du lịch cộng đồng. Đây là phương thức du lịch mới ở Lý Sơn. Để đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách, cơ quan chức năng của đảo đã liên hệ với các gia đình có nhà xây rộng rãi mở cửa đón khách, nhằm giảm tải cho các khách sạn, nhà nghỉ trong những ngày cao điểm.

Thay vì phải quay lại đất liền trong ngày vì không có phòng trọ, du khách có thể lựa chọn các nhà dân để nghỉ lại qua đêm. Lựa chọn hình thức “du lịch cộng đồng”, du khách sẽ được hòa mình vào các hoạt động ở các gia đình, có nơi ngủ nghỉ, được phục vụ cơm, nước với giá cả phải chăng. 

Theo đánh giá của nhiều người, hình thức “Du lịch cộng đồng” tạo cảm giác thoải mái, thân thiện với du khách mà giá cả cũng rất bình dân, chỉ 50 nghìn đồng/1 ngày/1 người. 

Du khách nườm nượp ra Lý Sơn dịp 8/3, 'cháy' dịch vụ ảnh 2 Trong dịp lễ 8/3 có hơn 1.000 lượt khách một ngày tới Lý Sơn.
Anh Trần Minh Tuấn (Hà Nội) cho biết: Tôi đưa vợ con ra đảo chơi lễ. Lúc liên hệ chỗ ở, tôi phát hoảng vì nhà nghỉ nào cũng báo hết, chưa biết làm thế nào thì tôi được giới thiệu đến nhà chị Hoa (người dân gọi là chị Tý). Gọi điện thì chị nói không nhận khách nữa những chị vẫn ra tận cảng đón gia đình tôi rồi dẫn sang nhà chị Phụng ở. Mãi sau tôi mới biết đây là điểm “du lịch cộng đồng”. 

Không chỉ nhà chị Hoa, chị Phụng mà còn rất nhiều nhà dân sẵn lòng cho khách ở. Anh Nguyễn Việt Hùng (Đắk Lắk) chia sẻ: Tôi đi Lý Sơn hai lần rồi, thấy đảo đẹp nên dịp lễ này đưa bà xã ra chơi cho biết, được biết thế nào là điểm “du lịch cộng đồng” thú vị. Chủ nhà nấu cơm cho ăn, xe máy họ cũng cho mượn chứ không phải thuê, rất thân thiện và hiếu khách. Lần sau đến đảo, tôi vẫn sẽ chọn điểm “du lịch cộng đồng”.

Ông Huỳnh Công Trí, Giám đốc Ban quản lý Cảng Lý Sơn cho biết: Những ngày qua (ngày 6, 7, 8/3) lượng khách du lịch tăng đột biến, mỗi ngày hơn 1.000 người ra đảo, hầu hết du khách đều ở lại qua đêm. Ngày cao điểm có gần 3.000 khách lưu trú. Hiện toàn cảng có 18 khách sạn, nhà nghỉ với gần 200 phòng chỉ đủ đáp ứng 1000 khách. Nhiều du khách rất thích chọn điểm du lịch cộng đồng để ra đảo chơi trong những dịp lễ, tết.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.