Du học sinh làm thêm ở xứ chuột túi

Du học sinh làm thêm ở xứ chuột túi
TPO - Ở Úc có rất nhiều công việc làm thêm thú vị dành cho du học sinh. Mỗi sinh viên quốc tế được phép đi làm trung bình 20 tiếng/tuần. Tuy nhiên, miễn là có việc, hầu như sinh viên nào cũng sẵn sàng phớt lờ giới hạn này.

> Tìm nhà trọ khi du học Úc

Một tháng sau khi đặt chân đến Melbourne (Úc), tôi bắt đầu công việc part-time đầu tiên của mình: xếp ớt. Công việc này nằm trong nhóm việc mà người ta hay gọi là làm farm (nghề nông). Nghề nông bên mình thì vất vả chứ chủ farm bên này rất giàu.

Làm farm có hai loại: làm ngoài trời và làm trong nhà. Nôm na là có người ở ngoài đồng hái quả thì cũng cần có người ở trong xưởng bao tiêu đóng gói. Tôi khá may mắn vì được làm trong nhà. Làm ngoài trời, công việc phụ thuộc nhiều vào thời tiết, bán mặt cho đất bán lưng cho trời nhưng thu nhập lại thường thấp hơn làm trong nhà một chút. Nguyên nhân có lẽ là vì đóng gói sản phẩm cũng cần ‘kỹ thuật’.

Công việc chính của tôi là phân loại ớt (chủ yếu là giống ớt to thường trồng ở Đà Lạt, Lâm Đồng). Ớt được phân loại theo kích cỡ, màu sắc, độ láng mượt. Quả nào bị dập dù chỉ một vết nhỏ sẽ phải bỏ ngay. Sau khi được xếp đầy các thùng con một cách đẹp mắt và cân trọng lượng để đảm bảo độ chính xác, người ta lại chuyển ớt vào kho lạnh chờ hôm sau mang ra chợ đầu mối phân phối.

Farm ớt ở vùng ngoại ô thành phố, cách nhà cả trăm cây số. Tuy nhiên, nhờ đường xá đẹp nên di chuyển bằng ô tô, ít khi quá hai tiếng một lượt. Mỗi buổi làm, tôi phải dậy từ rất sớm, ngủ tiếp một giấc nữa trên xe đến nơi là vừa. Mùa hè còn khí thế chứ mùa đông thì thật gian nan. Vừa chống chọi với cái lạnh co ro của miền núi cao, vừa phải lựa những trái ớt vừa mang từ kho lạnh ra, đôi khi bàn tay tôi đờ đẫn không còn cảm giác.

Chủ farm là người Úc, nhưng chủ thầu là người Việt. Vì thế, những ‘đồng nghiệp’ của tôi cũng toàn là người Việt. Xếp ớt được giả 13 USD một tiếng, mức thu nhập không phải tệ so với những công việc tương tự khác.

Ngoài ra, tiền lương của mỗi người sẽ bị trích khấu một giờ lao động chi trả cho tiền đi lại. Có ngày lượng ớt thu hoạch nhiều, chúng tôi cứ đứng - xếp như thế có khi đến 13 tiếng/ngày. Ra đi từ lúc bình minh chưa lên mà xong việc về nhà thì đã tối mịt, đôi khi tôi bí cả thời gian đi siêu thị mua đồ ăn.

Ưu điểm của việc làm farm là thời gian tập trung. Vì thế, dù phải đi xa hơn nhưng một ngày bạn có thể làm được nhiều tiếng hơn, nhờ thế mà thu nhập cao hơn.

Thời gian làm việc cũng khá linh hoạt. Nếu trong tuần bạn đi làm được những hôm nào thì báo chủ thầu. Hôm nào bận học, có thể báo nghỉ, sẽ luôn có rất nhiều ‘lực lượng dự bị động viên’ sẵn sàng ‘tiếp ứng’. Dĩ nhiên, nếu bạn nghỉ quá nhiều thì nguy cơ ‘lực lượng dự bị động viên’ này nẫng tay trên công việc của bạn vô thời hạn là khá cao.

Làm farm, dù vậy, không phải là câu chuyện lãng mạn hay cái mỏ đào vàng. Công việc thực tế rất vất vả và đòi hỏi sự dẻo dai vì bạn phải làm luôn chân, tay. Tôi từng biết một số người Việt sang thăm thân với mục đích vừa du lịch, vừa tranh thủ làm farm lấy tiền lộ phí. Tuy nhiên, chính họ cũng kêu trời là kiếm được đồng tiền bằng sức lao động chân tay ở đây không hề ‘dễ nhằn’.

Bạn đọc có thể chia sẻ những câu chuyện thú vị, kinh nghiệm du học hay những hình ảnh kỉ niệm khi học tập ở nước ngoài với Tiền Phong Online theo địa chỉ email: tienphongonline@gmail.com

Nếu như nhà mình làm mưa dầm thấm lâu thì ở Úc, người ta trả công theo giờ và đòi hỏi bạn phải ‘năng suất’ từng phút, giây. Anh bạn tôi làm công nhân hái nho ngoài trời, nghe anh kể mới thấm nỗi tủi thân của người xa xứ. Anh bảo làm quần quật trên ruộng nho đến cháy nắng (nắng mùa hè ở Úc rất khắc nghiệt), đến giờ nghỉ mang hộp cơm nguội ngắt chuẩn bị sẵn từ nhà ra ăn mà không nuốt nổi.

Hơn nữa, việc trên farm nhìn chung buồn tẻ và ít giao tiếp vì ai cũng phải ‘hùng hục’ làm. Ngoài ra, nếu bạn không tìm hiểu kỹ về chủ thầu thì nguy cơ bị quỵt tiền công không phải hiếm.

Có một thực tế là các công việc làm farm du học sinh Việt Nam tìm được đa số do chủ thầu người Việt phụ trách. Làm việc cùng người Việt ngoài cái hay là tình đồng hương thì cũng đi kèm với đó là vô vàn cái dở. Mức lương làm farm phân hóa vô cùng, tùy từng nơi. Mặc dù mức lương tối thiểu chính phủ Úc quy định là 13 USD/tiếng, nhưng nhiều farm chủ thầu chỉ trả bạn 10 USD, thậm chí 8 USD một giờ.

Dâu chín chờ công nhân thu hoạch ở Queensland, Úc
Dâu chín chờ công nhân thu hoạch ở Queensland, Úc.

Xếp ớt không phải công việc làm farm duy nhất của tôi trong thời gian du học Úc. Khi hết mùa ớt cũng là lúc farm hết việc, tôi suy nghĩ tìm công việc mới. Hết học kỳ đầu tiên, tranh thủ kỳ nghỉ giữa kỳ, tôi khăn gói lên Queensland làm farm dâu. Tôi háo hức vô cùng vì nghe ‘đồn’ thu nhập rất khá lại được ăn dâu tây thoải mái. Tuy nhiên, đến nơi tôi mới vỡ mộng ‘làm giàu không khó’. Đúng là dâu có thể ăn no căng bụng nhưng thu nhập thì không hề khá đối với những ‘con rùa chậm chạp’ như tôi.

Farm dâu trả lương công nhân theo hiệu suất làm việc. Nếu hái dâu ngoài đồng, người ta trả bạn theo khối lượng dâu thu hoạch được. Nếu xếp dâu trong xưởng, bạn được giả công theo số đầu hộp dâu thành phẩm, trung bình là 12 cent mỗi hộp dâu đạt tiêu chuẩn. Mãi mãi, tôi vẫn không hiểu, cũng là người mình, hai mắt hai tay, sao những công nhân ở đây lại xếp được nhanh như thế. Giả dụ, cũng cùng một buổi lao động, một công nhân lành nghề xếp được 1000 hộp dâu thì tôi chỉ được vài trăm. Sau này nghe các chị chia sẻ đã làm dâu thành ‘cáo’ ở đây rồi, mùa nào cũng lái ô tô đến xưởng xếp dâu, tôi vẫn không khỏi thán phục và ngạc nhiên.

Gắn bó với farm dâu được hai tuần thì tôi xin rút lui. Tôi nhân cơ hội này thăm thú Queenland và... ăn dâu. Trên đường từ Queensland về lại bang Victoria, tôi còn ghé qua chơi Sydney. Dù chỉ là trạm dừng chân ngắn ngủi nhưng đó là lần đầu tiên tôi đến thành phố cảng, được tận mắt nhìn Darling Harbor và Nhà hát con sò, tôi xúc động lắm.

Sau này, tôi còn có cơ hội quay trở lại Sydney nhiều lần nữa trong tư thế ‘đàng hoàng’ hơn nhưng lần đầu tiên ấy để lại cho tôi ấn tượng khó quên. Chuyến đi làm farm dâu ấy coi như tôi lỗ nặng về mặt tài chính nhưng lại gặt hái nhiều trải nghiệm thú vị.

Còn nữa

Hoàng Anh
Cựu du học sinh Đại học Monash, Australia

Theo Viết
MỚI - NÓNG