Du học sinh là 'mỏ vàng' của Mỹ
> Nữ du học sinh bị bắt làm nô lệ suốt 30 năm
> Du học sinh Việt gây quỹ hướng về miền Trung
Tại Mỹ, sinh viên nước ngoài chính là mỏ vàng để khai thác. Các trường đại học mở rộng cửa đón sinh viên đến từ khắp nơi trên thế giới. Ðây không chỉ là phương tiện để lấp đầy ngân khố mà còn thu hút thanh niên tìm kiếm những cơ hội mới.
Hệ thống giáo dục Mỹ linh hoạt hơn Anh. |
Bài viết trên tờ The Wall Street Journal cho biết, từ nhiều năm nay, đại diện Trường đại học (ĐH) Northern State University thuộc bang Nam Dakota (South Dakota) đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ hay châu Âu để tìm kiếm một thị trường mà lợi nhuận ngày càng cao: Đó chính là sinh viên (SV) nước ngoài. Trường ĐH này muốn chứng tỏ sự tồn tại của mình và quảng bá để SV đến du học.
Số lượng SV nước ngoài tại Mỹ đã đạt con số kỷ lục vào năm ngoái, trong đó đông nhất là SV Trung Quốc. Báo cáo thường niên của Viện Giáo dục quốc tế (Institute of International Education - IIE) mới đây cho biết, các trường ĐH Mỹ đã đón 819.644 SV nước ngoài trong năm học 2012-2013, tức là tăng 7,2% so với năm ngoái.
Cũng theo viện này, SV nước ngoài chiếm 3,9% tổng số SV của nước Mỹ. Có được thành công này là nhờ vào chiến dịch tuyển sinh không ngừng nghỉ của các trường ĐH Mỹ vì họ nhìn thấy ở SV nước ngoài một nguồn thu lợi nhuận đáng kể: SV ngoại quốc phải chi trả hoàn toàn phí đào tạo, vào thời điểm mà trợ cấp cho các trường ĐH đều giảm và số lượng học sinh Mỹ cũng giảm từ bậc trung học phổ thông. Đối với một số trường đại học, SV ngoại quốc còn phải đóng thêm phụ phí.
Nhiều người cho rằng học trường công ở Mỹ là tốt nhất và không màng đến trường tư. Tuy vậy, quan điểm này chưa chắc đã đúng hoàn toàn. Vì thực tế cho thấy rằng các trường công chưa chắc đã tốt hơn các trường tư. Có khá nhiều trường tư tốt hơn và học phí thậm chí còn rẻ hơn (sau khi trừ đi học bổng và các đãi ngộ của nhà trường). |
Theo thẩm định, SV ngoại quốc bơm 24 tỷ USD (gần 18 tỷ euro) vào nền kinh tế Mỹ. Thế nhưng, chiến lợi phẩm này lại phân bố không đồng đều giữa các khu vực, giữa các trường ĐH.
21% SV nước ngoài tập trung học tại 25 trường được xếp hạng cao nhất, trong đó, 18 trường công lập và có 8 trường thuộc các bang ở phía Trung Đông.
Động cơ thúc đẩy sự gia tăng nhanh chóng số lượng SV ngoại quốc là nhờ vào các công ty tư vấn giáo dục mà các trường lập ra để tìm kiếm khách hàng ngoại quốc.
Còn đối với trường ĐH nhỏ không mấy danh tiếng như Northern State University, để thu hút SV, trường này cũng có một hình thức khuyến mãi như cho ghi danh học miễn phí trong một thời gian.
Đa phần du học sinh ghi danh học về thương mại, quản lý và khoa học. Gần một nửa SV Trung Quốc ghi danh học các trường thương mại hay kỹ sư. Người Ấn Độ thì tập trung nhiều hơn vào trường kỹ sư và các chuyên ngành toán - tin. Theo một SV nước ngoài, hệ thống giáo dục Mỹ linh hoạt hơn Anh, nơi mà cô từng dự định đến học.
Trong khi SV ngoại quốc ào ạt đến Mỹ thì ngày càng có nhiều SV Mỹ ra nước ngoài học tập. Cũng theo báo cáo của Viện IIE, 283.332 người Mỹ đã đi học ở nước ngoài trong năm học 2011-2012, cao hơn 3% so với năm ngoái. Bốn điểm đến chính được dân Mỹ lựa chọn là Anh, Italy, Tây Ban Nha và Pháp, đứng hàng thứ 5 là Trung Quốc.
Khi đã xác định đi du học thì du học sinh phải sẵn sàng đương đầu với khó khăn và thách thức. Du học sinh phải học cách thích nghi với môi trường học tập ở Mỹ, vì người Mỹ rất chuyên nghiệp, phong cách giảng dạy của họ lấy người học làm trung tâm. Ðiều đó có nghĩa là SV được tự do sáng tạo và phát triển tư duy, học đi đôi với hành. Nên SV phải tự nghiên cứu ở nhà nhiều trước khi đến lớp.
Du học sinh phải học cách tránh xa những cám dỗ đời thường, vì Mỹ là một quốc gia phát triển bậc nhất, nên có rất nhiều các trò tiêu khiển tại quốc gia này. Nhiều du học sinh quá sa đà vào ăn chơi, đàn đúm mà quên mất nhiệm vụ học tập, dẫn đến việc phải học lại thậm chí là bị buộc thôi học.
Ngoài ra, du học sinh cũng phải biết tự bảo vệ mình, tránh ra đường quá muộn vào buổi tối và nên đi cùng tập thể để tránh việc bị bắt nạt khi mới sang.
Theo Lê Sơn
Sức khỏe & đời sống/ WSJ/ Le Courrier