Dư chấn và đối sách

0:00 / 0:00
0:00
TP - Chiều tối ngày 10/3, Bộ Tài chính phát đi thông tin sẽ tăng mức giảm thuế môi trường với xăng lên gấp đôi mức dự kiến trước đó. Động thái này được lí giải là xuất phát từ việc lấy ý kiến nhiều bộ, ngành, đồng thời lắng nghe dư luận, dù nguồn thuế môi trường nộp vào ngân sách ước giảm 24.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù mức giảm thuế có tăng lên như vậy, trước diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới cũng như “đến kỳ” của nhịp điều chỉnh, e rằng, giá xăng dầu trong nước vẫn khó tránh khỏi cú tăng giá tiếp áp sát ngưỡng 30.000 đồng/lít. Trong ngày 10/3, giá dầu WTI ở mức 110,6 USD/thùng, dầu Brent ở mức 114 USD/thùng.

Nhiều chuyên gia nhận định sau lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của Mỹ, giá dầu sẽ còn leo thang với mức giá khó đoán định. Do giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng nên giá xăng dầu trong nước ở phiên điều chỉnh giá ngày hôm nay (11/3) dự báo sẽ tăng mạnh. Một doanh nghiệp nhẩm tính: Giá xăng, dầu trong nước có thể sẽ tăng trên 3.000 đồng/lít, dầu diesel tăng gần 4.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu của Việt Nam được điều hành theo diễn biến của giá xăng dầu thế giới. Chỉ hai tuần trở lại đây, giá thế giới tăng quá mạnh. Việc xăng dầu tăng giá khiến giá các mặt hàng như thép, phân bón... cũng tăng đột biến. Và đến lúc này, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện một mặt bằng giá mới “đè” lên các công trình đầu tư công như cao tốc Bắc Nam, các công trình xây dựng. Đặc biệt hơn, áp lực giá tăng đang khiến tăng chỉ số giá tiêu dùng.

Ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải xác định về lâu dài giá xăng dầu tiếp tục tăng khi nguồn cung thế giới đang thiếu hụt. Làm thế nào để giá xăng dầu trong nước không tăng đột biến? Theo ông Lâm, bên cạnh giải pháp xem xét mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, quỹ bình ổn giá xăng dầu, cơ quan quản lý cần tính đến cả các chính sách thuế khác nữa.

Đại diện cơ quan quản lý giá Bộ Tài chính chỉ ra: diễn biến bất thường này cho thấy dự báo ngắn hạn về giá dầu là vô cùng khó khăn. Phần lớn các cơ quan, tổ chức kinh tế trên thế giới chỉ dự báo giá dầu trong trung và dài hạn. Vị đại diện này đặt vấn đề: có lẽ đã đến lúc công tác điều hành của Chính phủ nên đặt ra các kịch bản giá xăng dầu thế giới lên 130-150 USD/thùng, thậm chí cao hơn thì Chính phủ sẽ có những phản ứng chính sách nào?

Giá xăng từ đầu năm tới nay đã tăng vài lượt và được dự báo lên tới trên mức 30.000 đồng/ lít - mức đỉnh nhất trong lịch sử. Quan ngại ở chỗ nó thực sự là vết “dầu loang” lan ra đang làm “điêu đứng” nền kinh tế và có thể đe doạ rất nhiều mục tiêu, từ tăng trưởng tới kiểm soát lạm phát trong năm 2022.

Về lâu dài và căn cơ, liệu hai cơ quan bộ chủ quản có liên quan tới điều hành xăng dầu là Công Thương và Tài chính còn “chiêu” nào ứng phó ? Trong cơn điên loạn của giá dầu thế giới, điều người tiêu dùng quan tâm lúc này là các nhà điều hành cần ứng xử bài bản và chủ động- đặc biệt là đừng đẩy cái khó hết về người dân, doanh nghiệp. Giải pháp cho kịch bản vài ba tháng nữa được nhiều chuyên gia đề xuất đó là học các nước trong khu vực và trên thế giới, giảm mạnh thêm sắc thuế tiêu thụ đặc biệt…

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".