Dự báo sai, dân... chịu?

Dự báo sai, dân... chịu?
TP - Trong ngày 17/11, khi nghe tin cơn bão số 10 sắp đổ bộ, hàng nghìn người dân ven biển huyện Cần Giờ, TPHCM đã phải rời khỏi nhà cửa để chạy trốn bão.

Trong thành phố, để chống bão, nhiều cơ quan đơn vị và người dân phải tạm ngưng làm việc để chằng néo nhà cửa, kê cao bàn ghế, máy móc thiết bị.

Để tránh bão, nhiều bệnh viện đã phải cho bệnh nhân xuất viện ngoài mong muốn. Nhiều trường học cũng được thông báo đóng cửa chờ bão đi qua… Không riêng một nơi nào, nhịp sống nhiều địa phương ven biển phía Nam đã bị đảo lộn và có phần căng thẳng vì tin bão. Nhưng cuối cùng, bão số 10 đã không đến.

Việc bão suy yếu hoặc không “ghé thăm” như dự định, có thể gút lại là do dự báo sai. Song không phải lần đầu xảy ra như thế. Mùa mưa bão năm nay, rất nhiều lần nhà chức trách đã dự báo sai.

Và cũng có rất nhiều lý do, về mặt chuyên môn, được đưa ra để biện minh cho việc dự báo sai, trong đó có cả việc “trách cứ” tại bão diễn biến phức tạp, không chịu đi đúng “kế hoạch” đã… dự báo.

Bão không đến là điều diễm phúc, nhưng dù thế nào thì rất nhiều cơ quan, đơn vị, nhất là người dân đã phải trả giá cho việc bão không đến, đúng hơn là trả giá cho việc dự báo sai của nhà chức trách.

Không chỉ chuyện bão, việc dự báo thị trường hàng hóa, nhất là lúa gạo vừa qua của nhà chức trách cũng…lộn tùng phèo. Vụ đông xuân 2008 được dự báo sẽ gặp khó khăn vì thời tiết, nên nhà chức trách đã tham mưu cho Chính phủ tạm ngừng xuất khẩu gạo. Nhưng thực tế đã có một vụ mùa bội thu. Hậu quả là nông dân phải gánh chịu...

Nguồn gốc sâu xa của vấn đề phải chăng có cả việc nhà chức trách thiếu nhạy cảm với nhịp đập thời cuộc, cũng như không thấu tỏ được nguyện vọng chính đáng, thiết tha của người dân ở từng lúc, từng nơi?

Những người nông dân đã phải gánh “quả bóng” trách nhiệm thay cho nhà chức trách. Khi nghe Bộ trưởng Công Thương trả lời trước Quốc hội, rằng việc tạm ngừng xuất khẩu gạo là vì an ninh lương thực quốc gia; người nông dân ngơ ngác nhìn nhau tự hỏi:

An ninh lương thực là trách nhiệm của Nhà nước, cớ sao lại bắt người nông dân gánh vác chuyện đại sự này? Đành rằng an ninh lương thực là quan trọng, trên hết, nhưng phải bằng biện pháp Nhà nước thu mua tích trữ chứ không phải bằng cách…để “trữ” trong dân.

MỚI - NÓNG