Dự báo lợi nhuận phân hoá, ngân hàng nào vẫn giữ phong độ

0:00 / 0:00
0:00
3/4 chặng đường năm 2022 đã qua đi, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn trước bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường nhưng bức tranh ngân hàng Việt Nam được đánh giá có nhiều điểm sáng.
Dự báo lợi nhuận phân hoá, ngân hàng nào vẫn giữ phong độ ảnh 1

Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý III/2022 của 26 công ty trong phạm vi nghiên cứu. Trong đó, nhóm phân tích dự báo lợi nhuận nhóm ngân hàng vẫn tăng trưởng mạnh trong quý III vừa qua bất chấp lãi suất tăng gây áp lực lên NIM. Cụ thể, SSI Research dự báo lợi nhuận quý III/2022 của Vietcombank sẽ đạt 7.400 – 7.600 tỷ đồng, tăng 29 - 33% so với cùng kỳ. Với BIDV, SSI Research dự báo ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ nhờ được thúc đẩy bởi tăng trưởng dư nợ tín dụng và số dư huy động lần lượt là 10,5% và 2% so với đầu năm, đi cùng NIM ổn định so với quý trước.

Trong khi đó ở khối NHTMCP, SSI Research dự kiến lợi nhuận trước thuế 9 tháng của MB đạt khoảng 18.000-18.500 tỷ đồng, tăng 50-60% so với cùng kỳ. Tăng trưởng dư nợ tín dụng và số dư huy động của MB được dự báo lần lượt đạt 17% và 8% so với đầu năm tại thời điểm cuối tháng 9.

Song ở khối này, LienVietPostBank mới thực sự là nhân tố tạo nên bất ngờ khi ngân hàng có sự bứt phá mạnh mẽ trong kết quả kinh doanh. Kết thúc quý III/2022, LienVietPostBank đã cán đích lợi nhuận trước thuế của cả năm 2022 thậm chí nhỉnh hơn chút khi đạt hơn 4.800 tỷ đồng.

Dự báo lợi nhuận phân hoá, ngân hàng nào vẫn giữ phong độ ảnh 2

Tại kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2022 của các TCTD do Vụ Dự báo Thống kê NHNN Việt Nam tiến hành mới đây cho thấy, đa phần ngân hàng vẫn kỳ vọng lợi nhuận cải thiện năm nay. Theo đó, 70,4 - 75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV/2022. Lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 được 88,3% tổ chức tín dụng dự kiến tăng trưởng dương so với năm 2021.

Tuy ghi nhận những kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm, nhưng giới chuyên gia đánh giá, triển vọng lợi nhuận ngành ngân hàng trong giai đoạn tới sẽ gặp khó và có sự phân hóa khá cao. Trong báo cáo cập nhật về ngành mới phát hành, Bộ phận Phân tích Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 – 2021. Động lực tăng trưởng của các ngân hàng bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2022 của các TCTD do Vụ Dự báo Thống kê NHNN Việt Nam vẫn có 6,8% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 4,9% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Agriseco Research cho rằng, để đạt được kế hoạch đặt ra đầu năm, các ngân hàng có thể phải có những giải pháp riêng như cơ cấu lại vốn tín dụng (đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, tăng thu hồi nợ…) và tăng thu ngoài lãi. Việc tập trung bán lẻ sẽ tiếp tục là mũi nhọn trong năm 2022 giúp các ngân hàng giảm thiểu rủi ro tập trung và NIM cao hơn so với các khách hàng lớn. Thị trường bancassurance dự báo sẽ tiếp tục sôi động và là một động lực quan trọng giúp thúc đẩy lợi nhuận của các ngân hàng. Như vậy, ngân hàng nào có lợi thế lớn ở mảng miếng này, hoạt động kinh doanh cũng khả năng sinh lời vẫn tiếp tục được duy trì ổn định.

Chẳng hạn như LienVietPostBank, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước nhờ tín dụng bán lẻ tăng trưởng cao cùng với các khoản thu lãi khoản vay cơ cấu Covid-19 của các khách hàng đã khôi phục hoạt động kinh doanh… Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng này cũng tăng mạnh đạt hơn 779 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 546 tỷ đồng) khi kết thúc quý III/2022 nhờ phát triển các dịch vụ trọng tâm như Bảo hiểm, Thanh toán quốc tế, Ngân hàng số,.. Ngân hàng khai thác hiệu quả lợi thế mạng lưới rộng lớn khắp toàn quốc và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu nhiều phân khúc khách hàng.

Cũng cần lưu ý, hiện LienVietPostBank chưa có thỏa thuận độc quyền phân phối bảo hiểm, trong khi ngân hàng sở hữu lợi thế quan trọng là mạng lưới phủ rộng cả nước. Theo đó, có thể kỳ vọng ngân hàng này sẽ có nguồn thu đột biến, nếu không trong năm nay thì là những năm tới.

Bên cạnh lợi thế về mạng lưới phòng giao dịch, LienVietPostBank cũng đang đẩy mạnh số hóa, nâng cao trải nghiệm người dùng. Đây sẽ là cơ sở giúp ngân hàng tăng trưởng mạnh mảng bán lẻ để có biên lợi nhuận cao hơn trong thời gian tới. Thực tế ngân hàng này đang bắt đầu hái trái ngọt từ hoạt động chuyển đổi số. Tháng 8/2022, ngân hàng nhận tới 5 giải thưởng lớn về kinh doanh thẻ quốc tế. Và tiếp tục nhận giải thưởng lớn “Doanh nghiệp xuất sắc Châu Á 2022” (Corporate Excellence Award 2022) vào tháng 10/2022.

Lãnh đạo LienVietPostBank cho biết, những kết quả trên là minh chứng cho các định hướng phát triển của LienVietPostBank là đúng đắn, giúp ngân hàng không chỉ gặt hái thành công trong kinh doanh mà còn khẳng định vị thế, uy tín trên thị trường tài chính.

Đáng chú ý, số dư trái phiếu doanh nghiệp tại LienVietPostBank đến thời điểm hiện tại là bằng 0. Đối với danh mục đầu tư trái phiếu, Ngân hàng chủ yếu nắm giữ trái phiếu chính phủ và một phần nhỏ trái phiếu của các TCTD có rủi ro rất thấp. Điều này tạo dư địa tăng trưởng tín dụng cũng như hạn chế tác động đến hoạt động kinh doanh ngân hàng, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, bền vững khi mà thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đây là những lợi thế có thể tạo ra sự khác biệt trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG