Dự báo chưa chuẩn, doanh nghiệp thép lao đao

Dự báo chưa chuẩn, doanh nghiệp thép lao đao
TP- Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép đang gặp nhiều khó khăn do lượng tồn kho rất lớn, nhiều doanh nghiệp đã phải dừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, các doanh nghiệp sản xuất đều lỗ…

Đó là những thông tin được đưa ra trong cuộc họp giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép, được tổ chức tại Hà Nội sáng 10/11.

Doanh nghiệp than khó

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, thị trường tiêu thụ thép trong nước hiện rất ảm đạm, tháng 8 tiêu thụ 111.000 tấn, tháng 9 tiêu thụ 102.000 tấn, tháng 10 tiêu thụ 120.000 tấn, có 4-6 doanh nghiệp đã phải dừng sản xuất cả tháng 9 và tháng 10, còn lại đều sản xuất cầm chừng, các doanh nghiệp sản xuất kêu lỗ.

Đặc biệt các doanh nghiệp chuyên sản xuất phôi rất khó khăn, phải ngừng sản xuất vì không bán được phôi và chấp nhận lỗ lớn.

Trong tháng 9 và tháng 10/2008, tình hình lại càng khó khăn hơn do lượng thép vẫn không tiêu thụ được, lượng thép bán ra chỉ bằng 1/3 mức bình thường, nên lượng tồn kho nguyên liệu và sản phẩm rất lớn. Các đơn vị sản xuất trong hiệp hội tồn kho lượng phôi thép từ 540.000-550.000 tấn, thép phế xấp xỉ 300.000 tấn, thép xây dựng thành phẩm: 400.000 tấn.

Các Cty thương mại cũng tồn lượng nguyên liệu và thành phẩm thép trên 1 triệu tấn. Doanh nghiệp trẻ Hà Nội báo cáo tồn trên 2 triệu tấn được sản xuất và nhập khẩu với giá cao gấp 2-3 lần giá hiện tại trong khi lãi suất phải trả cho ngân hàng hàng tháng rất cao với mức xấp xỉ 20%.

Ông Cường cho rằng, tình hình này nếu không được tháo gỡ kịp thời có thể khiến một số doanh nghiệp sản xuất thép và kinh doanh thép nhập khẩu có nguy cơ phá sản. Hiệp hội đề nghị Chính phủ lập quỹ dự trữ bình ổn thép, phôi thép và có chính sách tài chính ưu tiên cho các nhà sản xuất phôi thép và cho các công trình xây dựng nhằm giải quyết khó khăn về vốn giúp các Cty sản xuất thép tăng lượng thép tiêu thụ trong nước.

Đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép kiến nghị các biện pháp cấp bách nhằm khôi phục lại thị trường thép trong nước như: Cấp vốn cho các công trình xây dựng, điều chỉnh giá nguyên vật liệu kịp thời.

Về phía ngân hàng, cần có chính sách điều hành linh hoạt như nới rộng định mức cho vay, giãn nợ vay, có đủ ngoại tệ bán với giá phù hợp cho doanh nghiệp đồng thời Nhà nước cho phép hoãn nộp hoặc miễn thuế với các doanh nghiệp thép thật sự khó khăn để giải tỏa lượng thép và phôi thép ứ đọng...

Đại diện một số doanh nghiệp còn cho rằng, trước mắt nên quan tâm đến việc tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị sản xuất thép, không nên quá quan tâm đến việc nâng thuế nhập khẩu để bảo hộ cho các đơn vị thương mại. Đại diện Vinasteel cho rằng, cần cân nhắc một cách tổng thể trong việc áp thuế nhập khẩu để bảo hộ thị trường trong nước. Nếu chỉ áp dụng mức thuế trong một thời gian ngắn thì cũng chưa thể giải quyết được hết khó khăn.

“Doanh nghiệp cần chịu đau!”

Bà Lê Thị Kim Ngân, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thừa nhận từ tháng 5/2008 trở lại đây, ngành thép gặp nhiều khó khăn. Điều này do xu hướng phát triển nhanh của thị trường thép thế giới cuối năm 2007 và những tháng đầu năm 2008 cộng với nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh thì với xu hướng đó, tất cả các nhà sản xuất và kinh doanh thép đều dự báo một lượng nhu cầu tiêu dùng rất lớn và đã nhập lượng phôi về quá nhiều.

Việc dự báo nhu cầu tăng mạnh một phần cũng do chưa bao giờ có một lượng dự án đầu tư nước ngoài lớn như vậy vào Việt Nam. Vậy nên con số dự báo đưa ra khi đó về nhu cầu tiêu thụ lên tới 12 triệu tấn.

Nhưng đến tháng 6, tháng 7 thì thị trường có nhiều biến động cực kỳ phức tạp và cũng không ai lường được giá phôi thép giảm xuống mạnh khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Bà Ngân thừa nhận, về mặt số liệu, chúng ta có những đánh giá không sát với thực tế về cân đối cung cầu thép của năm 2008 nhưng đó không phải lỗi của ai cả. Điều này do cung cầu trên thị trường và đánh giá năm nay tổng tiêu thụ thép sẽ vào khoảng 10 triệu tấn.

Tổ điều hành trong nước vừa có đề nghị Chính phủ cho phép xem xét lại số liệu cân đối cung cầu về các mặt hàng thiết yếu, trong đó có thép xây dựng để tính toán và đưa ra một gói giải pháp đầy đủ hơn.

Hiện số liệu về lượng thép còn tồn đọng vẫn “kênh” nhau, gây tranh cãi. Số liệu thống kê tồn kho không chính xác thì không thể đưa ra những giải pháp tháo gỡ phù hợp được. “Từ nay đến hết năm, các doanh nghiệp phải duy trì, cầm cự, phải chịu đau vì theo tính toán của chúng tôi, lượng nhập phôi của các doanh nghiệp không nhiều. Nếu tính bình quân gia quyền thì các doanh nghiệp chưa thật sự khó khăn như những năm trước đây”- Bà Ngân cho biết.

Trước kiến nghị về xây dựng quỹ bình ổn thép phôi và thép phế tại thời điểm hiện nay, bà Ngân cho rằng việc này là khó vì việc xây dựng quỹ thường được chọn vào thời điểm giá thấp nhất để làm.

Hiện giá thép vẫn cao với mức chênh lệch lớn trong khi xây dựng quỹ bình ổn giá thép và phôi thép cần một lượng vốn rất lớn trong khi ngân sách hiện nay cũng như nguồn vốn của Nhà nước để giải tỏa khó khăn của ngành thép nói riêng và các ngành khác trong nền kinh tế còn đang thiếu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhận định, ngành thép đang gặp nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp phải xác định khó khăn còn dài và phải tự phấn đấu là chính. Về lâu dài, doanh nghiệp cũng cần rà soát, điều chỉnh chiến lược của mình, phải cải tiến công nghệ, hạ giá thành, cải thiện sức cạnh tranh.

Ông Quang cũng đề nghị Hiệp hội Thép đưa ra số liệu chính xác về số tồn kho của các doanh nghiệp trước khi cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ thích hợp. Điều này cũng do chính sách thuế không thể thay đổi liên tục được. Hơn thế khi không có số liệu thống kê chuẩn mà cứ đề xuất thì giải pháp đưa ra không thể thật sự hiệu quả.

MỚI - NÓNG