Thông tin vừa được VCCI Cần Thơ cho hay, trong tháng 9/2020, toàn vùng ĐBSCL có 902 DN thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 7.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 9.000 lao động. Long An và Cần Thơ là hai địa phương có số DN thành lập mới cao nhất vùng, Cần Thơ đứng đầu về số vốn đăng ký với hơn 1.500 tỷ đồng.
Tổng 9 tháng đầu năm 2020, vùng ĐBSCL có 7.465 DN thành lập mới, cao hơn 7% so với cùng kỳ; số DN quay trở lại hoạt động tiếp tục tăng, với hơn 2.300 DN. Cũng trong thời gian này, toàn vùng có 2.008 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 3.572 DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.360 DN đã giải thể.
Mặc dù chịu nhiều tổn thất do dịch COVID-19 song số DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể vẫn giảm 17% và số DN đã giải thể giảm 38% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, An Giang là tỉnh có số lượng DN quay trở lại hoạt động nhiều nhất vùng với 395 DN và là 1 trong 2 tỉnh có tỷ lệ DN phá sản ít nhất (chiếm 47,6% so với cùng kỳ 2019).
Theo VCCI Cần Thơ, số liệu này cho thấy tình hình thị trường đang được DN nhìn nhận tích cực, cùng với sự năng động của chính quyền địa phương tạo ra môi trường kinh doanh hiệu quả sẽ khuyến khích DN mở cửa trở lại, đóng góp vào giải quyết việc làm cho người lao động và phát triển kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL cho rằng, những cơ hội mới mở ra từ bên ngoài như lợi ích từ các hiệp định thương mại quốc tế, dòng vốn đầu tư nước ngoài đang hướng đến ĐBSCL, sự quan tâm đầu tư của Chính phủ trong phát triển kinh tế xã hội... là những cơ hội lớn cho ĐBSCL.
Dẫn kết quả một khảo sát về động thái DN trên toàn quốc, ông Lam cho biết, đầu quý II/2020, thời điểm cao trào dịch COVID-19 thì có 50% DN trả lời duy trì không quá 6 tháng, 80% không quá 1 năm. Nhưng cuối quý III vừa qua, con số này là 80% sẽ duy trì, thậm chí 18% tiếp tục mở rộng. “Điều này cho thấy bên cạnh thành công của Chính phủ trong chống dịch, ít nước nào trên thế giới duy trì và có bản lĩnh kiên cường như doanh nhân Việt Nam” – ông Lam nói.
Cũng theo đại diện VCCI Cần Thơ, vai trò của hiệp hội DN trong giai đoạn này vô cùng quan trọng, cần nâng cao năng lực qua đào tạo cho cán bộ chuyên trách, mạnh dạn từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, khẳng định vai trò của Hội đồng hiệp hội trong tiếng nói cộng đồng DN thông qua các sự kiện lớn của vùng ĐBSCL.
Giữa tháng 11 tới, Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp với VCCI tổ chức Diễn đàn Kinh tế Tây Nam Bộ lần thứ nhất. Đây là diễn đàn kinh tế quan trọng để bàn về các vấn đề phát triển của vùng, trong đó làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và DN; rất cần tiếng nói từ cộng đồng DN trong việc góp phần vào sự phát triển chung của đất nước thông qua các quyết sách từ trung ương.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, vùng ĐBSCL có gần 125 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt hơn 4,5 tỷ USD. Long An vẫn là tỉnh dẫn đầu về số lượng dự án với gần 100 dự án, vốn đăng ký hơn 250 triệu USD. Trong khi Bạc Liêu chỉ thu hút 1 dự án nhưng số vốn lên đến 4 tỷ USD. Tiền Giang có 8 dự án với số vốn đăng ký gần 88 triệu USD. Một số tỉnh khác như Vĩnh Long có số vốn đăng ký 104 triệu USD, Cần Thơ 31 triệu USD…
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vùng ĐBSCL đạt hơn 20 tỷ USD, chiếm 5% cả nước. trong đó, thặng dư thương mại đạt 6 tỷ USD, xếp thứ 2 cả nước (sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc).