Lần đầu tiên sau 17 năm bàn cách tháo gỡ:

Dự án “Siêu treo” làng Đại học Đà Nẵng

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, UBND Đà Nẵng, Quảng Nam cùng ngồi lại bàn giải pháp cho dự án làng ĐH Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Huy
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, UBND Đà Nẵng, Quảng Nam cùng ngồi lại bàn giải pháp cho dự án làng ĐH Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Sáng 9/8, lần đầu tiên lãnh đạo Bộ GD&ĐT, TP.Đà Nẵng, Quảng Nam cùng ngồi lại bàn về số phận siêu dự án treo làng ĐH Đà Nẵng vắt qua 2 thế kỷ. Dân bức xúc, địa phương sốt ruột, bộ bế tắc về kinh phí khiến dự án suốt 17 năm qua mới chỉ mang tính “tầm nhìn” chưa triển khai nhiều ngoài thực tế.

Dự án làng ĐH Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt từ năm 1997, với quy mô lên đến 300 ha. Trong đó 190ha trên địa bàn xã Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam), còn lại 110 ha thuộc phường Hoà Quý (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, về sau điều chỉnh còn gần 100ha). Khoảng 2.000 hộ dân khu vực này thuộc diện di dời, giải toả, ảnh hưởng dự án.

 

Dự án kỳ vọng là nơi tập trung các trường thành viên, các trung tâm nghiên cứu, với quy mô đào tạo lên đến 30.000 sinh viên. Tuy nhiên, thực tế 17 năm qua, dự án triển khai theo hướng “dậm chân tại chỗ”. 

Kết thúc giai đoạn 1, dự án triển khai 1,15km/3,5km tường bao, 1 khu tái định cư (TĐC) hơn 1 ha trên địa bàn Quảng Nam. Nhưng chỉ có 2 hộ dân được bố trí ở dưới dạng định cư tại chỗ, trên 100 hộ khác khu vực đất trên vị trí đường bao được kiểm đếm, áp giá đến bù nhưng thiếu tiền chi trả. Riêng phần đất dự án Đà Nẵng, kết thúc giai đoạn 2, (2007-2013), dự án đầu tư xây dựng hoàn thành khu nhà học A2-4, 2 đơn nguyên kí túc xá, đường nội bộ…

Theo PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng- chủ đầu tư dự án, do khó khăn kinh phí, giải phóng mặt bằng nên dự án chậm tiến độ. Hơn 17 năm, công tác thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng dự án trên diện tích đất Quảng Nam vẫn chưa được triển khai. 

Ông Đinh Văn Thu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay: chỉ tính riêng từ năm 2012-2014, tôi ký hơn chục văn bản gửi Bộ GD&ĐT về dự án nhưng không được hồi âm. Tiến độ “rùa bò” dự án, khiến người dân, địa phương bức xúc, xót ruột. 17 năm qua dự án hầu như chỉ mang tính “tầm nhìn” vì thiếu triển khai ngoài thực tế. Dân nằm trong diện quy hoạch treo, không thể sửa nhà, cơi nới, mỗi mùa bão lũ, thiên tai, nhà cửa bị hư hại không thể sửa chữa. Họ xin không được thì phải cơi nới trái phép. Chính quyền làm quyết liệt, tập trung xử lý, cưỡng chế, đập phá các công trình cơi nới trái quy định nhưng thực thấy mà xót lắm. Bộ chưa quyết tâm, chưa làm hết trách nhiệm với dân - ông Thu nói. 

Ông Trần Duy Tạo, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ GD&ĐT) đồng tình: Phụ trách từ năm 2003 đến nay, một số lần tôi cùng lãnh đạo ĐH Đà Nẵng xuống kiếm tra dự án. Dân bị treo miết, họ bức xúc lấy gạch đá ném cả vào đoàn công tác, rồi gửi đơn kiện... Một chủ trương đúng, mang tính tầm nhìn, tương lai nhưng khó khăn trong triển khai. Nếu không làm lúc này, sau hết đất có tiền cũng không còn chỗ để triển khai mô hình ĐH tập trung. Đó là trách nhiệm với tương lai. 

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng, dự án làng ĐH là cần thiết. 17 năm trước chúng ta đã có cái nhìn chiến lược về vấn đề này nhưng tiếc thay, dự án bị treo, kéo dài. Gây bức xúc, lãng phí, trượt giá, bội chi, đẩy áp lực về nguồn kinh phí. Ông Thu cho rằng: hơn chục năm trước để giải tỏa mặt bằng đất cho dự án chỉ mất 700-800 triệu đồng/ha nhưng nay con số này cần 4-5 tỷ đồng. Càng để lâu, chi phí giải toả mặt bằng càng lớn. Nếu làm luôn, ước tính cần đến 2.000 tỷ đồng mới dọn sạch mặt bằng cho dự án. 

Ông Thơ đề xuất: tránh kiểu triển khai manh mún xé lẻ, dự án cần tập trung toàn bộ nguồn lực, trước hết giải quyết dứt điểm khâu giải phóng mặt bằng, tạo “đất sạch” cho dự án. Không ai làm ĐH như Việt Nam vừa học, vừa đầu tư xây dựng. Dự án làng ĐH phải ra tấm ra món. 

Ông Thu kiến nghị: với 2.000 hộ dân thuộc diện giải tỏa này nếu làm quyết liệt thì họ đi ngay. Quanh khu vực chúng ta có sẵn đất TĐC, có KCN Điện Nam-Điện Ngọc để giải quyết bài toán sinh kế cho người dân. So sánh giữa tầm nhìn chiến lược và vị trí, dự án làng ĐH chắc chắn không thể di dời đi chỗ khác, càng khó để điều chỉnh nên cần phải có các giải pháp cụ thể, làm khi nào, ra sao. Trước mắt, tỉnh ký quy chế sử dụng nhà tạm, có chủ trương để các hộ dân vùng dự án được sửa chữa ở nhà, giải tỏa nỗi bức xúc hiện nay. Có mặt bằng sạch rồi cần thiết mình xã hội hóa đầu tư, kêu gọi các tổ chức cá nhân cùng tham gia- ông Thu nói. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng thống nhất giữ quy hoạch dự án, giao cho ngành chức năng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hiện trạng dự án, dự trù lại kinh phí, đặc biệt là kinh phí giải phóng mặt bằng. Bộ làm việc với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, mời cả 2 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, xin gặp trực tiếp Thủ tướng để xử lý vấn đề dự án này- Thứ trưởng Hùng nói. 

MỚI - NÓNG