Dự án ở Hà Nội mất hơn 7 tháng chỉ để lo thủ tục

Cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên - một dự án trọng điểm của Hà Nội cũng bị chậm 2 tháng vì bất cập trong cơ chế phối hợp
Cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên - một dự án trọng điểm của Hà Nội cũng bị chậm 2 tháng vì bất cập trong cơ chế phối hợp
TP - Việc chuyển đổi những dự án cũ sang chủ đầu tư mới gây những khó khăn nhất định trong cập nhập, rà soát. Bên cạnh đó, khâu thủ tục trước khi đấu thầu mất quá nhiều thời gian khiến cho nhiều dự án trên địa bàn Hà Nội chậm giải ngân. 

Tính đến hết tháng 5/2019, toàn thành phố mới giải ngân được 15,3% kế hoạch vốn giao, ước giải ngân hết 6 tháng khoảng 31% , thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018.

Đối với giải ngân vốn xây dựng cơ bản cấp thành phố, tính đến hết ngày 31/5/2019, còn 10 đơn vị chưa thực hiện giải ngân (giải ngân 0%) như: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Phú Xuyên... Cả 6 ban quản lý dự án (BQLDA) của thành phố đều có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung. Đặc biệt, có 36/55 dự án trọng điểm đang chậm tiến độ giải ngân vốn.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trọng Sơn - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (BQLDA đầu tư xây dựng Công trình văn hóa xã hội thành phố Hà Nội) cho biết, một dự án được phê duyệt từ 31/10/2018, đến 31/12/2018 mới được ghi kế hoạch vốn. Lúc đó mới đủ điều kiện để trình phê duyệt kế hoạch đấu thầu để triển khai các bước tiếp theo. Tiếp đó trình hồ sơ triển khai lên Sở KH&ĐT, quy trình này mất 1 - 2 tháng. BQLDA tiếp tục hoàn thiện kế hoạch đấu thầu tư vấn mất 45 ngày; kế hoạch đấu thầu thiết kế khoảng 2 tháng. Trình hồ sơ để thẩm duyệt PCCC, sau đó khi được Cảnh sát PCCC thẩm định phương án thì mới gửi Sở Xây dựng Hà Nội ra kết quả. Từ đó mới tổ chức đấu thầu. “Đối với gói thầu nhỏ đấu thầu trong vòng 15 ngày, những gói lớn hơn 20 tỷ thì đấu thầu một giai đoạn 2 túi hồ sơ tối thiểu trong 45 ngày”. Do đó thời gian kéo dài ra rất nhiều.

Theo ông Sơn, khi đấu thầu xong thì nhiều dự án vẫn vướng GPMB, bởi GPMB do các quận, huyện thực hiện. Việc GPMB đối với các huyện ven đô khá khó khăn bởi bản chất giá đền bù giữa đất nông nghiệp và đất ở chênh lệch rất lớn. Đất nông nghiệp được đền bù cao nhất khoảng 1.400.000 đồng/m2 (bao gồm cả hỗ trợ chuyển đổi nghề) nên nhiều dự án không nhận được sự đồng thuận của người dân.

Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu

Tại Hà Nội, một số dự án triển khai thủ tục đầu tư chậm, chưa phê duyệt được thiết kế, dự toán có thể kể đến như: xây dựng cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên; đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai)...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải quy trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân vốn không đạt yêu cầu. Bởi việc chậm giải ngân diễn ra nhiều năm, nhiều địa phương nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý.

TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, việc chậm triển khai một số công trình trọng điểm quốc gia sẽ tác động vào nền kinh tế. Cơ bản các địa phương phải quyết liệt tìm cách tháo gỡ, không thể để tình trạng kéo dài hết năm này đến năm khác.  

Trước đó, tại buổi giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II/2019 bàn về một số vấn đề quan trọng, cấp bách, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan đến các lĩnh vực xây dựng cơ bản, từ đó có giải pháp quyết liệt khắc phục trong thời gian tới.

Ông Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, năm 2020 là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nên nguy cơ chậm tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản sẽ bị ảnh hưởng thêm. Do đó, các cơ quan có trách nhiệm phải tập trung quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, nâng cao tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản, thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.          

MỚI - NÓNG