Dự án nhỏ, tình yêu lớn

Dự án nhỏ, tình yêu lớn
Lấy tiền tiết kiệm, tiền mừng tuổi của bản thân, thậm chí nhiều thành viên trong nhóm tình nguyện The Present còn mượn tiền bố mẹ để thực hiện dự án thiện nguyện là làm thiệp, sổ tay giúp trẻ em vùng cao có một bữa cơm đủ no.

> Hơn 50 triệu đồng ủng hộ “Sharing Life 3”

Hơn một năm đi vào hoạt động, nhóm The Present đã bán và thu về được gần 70 triệu đồng để ủng hộ vào quỹ “Cơm có thịt” do nhà báo Trần Đăng Tuấn phát động.

Các thành viên The Present tươi tắn đi bán thiệp, sổ tay - Ảnh do nhân vật cung cấp
Các thành viên The Present tươi tắn đi bán thiệp, sổ tay - Ảnh do nhân vật cung cấp.

Món quà nhỏ

Trong một lần đi thực tế ở Tây Bắc, cô nữ sinh lớp 11 Anh 2 Trường chuyên Sư phạm Hà Nội Nguyễn Trần Gia Linh đã bị ám ảnh bởi mỗi hộp cơm trưa của các học sinh nơi đây không có gì ngoài cơm khô, vài cọng rau rừng với muối trắng. Trên đường trở về, trong đầu Gia Linh đau đáu một ý nghĩ: “Phải làm một cái gì đó lâu dài chứ không chỉ xin bố mẹ 3-5 triệu đồng ủng hộ các em ấy là xong”.

Sau nhiều đêm trằn trọc, Gia Linh đã nghĩ ra ý tưởng làm thiệp và sổ để bán kiếm tiền, sau đó kêu gọi bạn bè tham gia. Cuối năm 2011, Gia Linh cùng hai bạn thân Nguyễn Minh Hoàng (bạn học cùng lớp) và Trịnh Hà My (Trường THPT Hà Nội - Amsterdam) cho ra đời nhóm The Present với mục đích thực hiện các dự án thiện nguyện. Cái tên The Present theo nhóm trưởng Gia Linh tức là: “Hành động ngay lúc này và ngay trong hiện tại”.

Khi bắt tay thực hiện dự án, nhóm đã gặp rất nhiều khó khăn từ tài chính, thời gian đến nhân lực. Nhưng nhờ sự ủng hộ và giúp đỡ của gia đình nên các bạn luôn tự tin. “Để chuẩn bị cho lần in 4.000 chiếc thiệp đầu tiên, cả nhóm đã góp tiền mừng tuổi, đập heo đất nhưng vẫn không đủ. Cuối cùng phải quyết định vay bố mẹ thêm 2 triệu đồng mới đủ kinh phí” - Gia Linh chia sẻ.

Để có được lần in thiệp đầu tiên đó, cả nhóm bắt đầu hành trình đi... xin ảnh của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Sau khi nghe mục đích của The Present, hầu hết mọi người đều sẵn sàng chia sẻ và cổ vũ thêm cho việc làm tốt đẹp này. Đến nay quỹ ảnh để in thiệp của The Present đã lên đến hàng trăm tấm hình. Những tấm thiệp và sổ tay được in với thiết kế rất đẹp mắt. Những bức ảnh các em bé vùng cao lọ lem, tay cầm hộp cơm trắng, những đôi chân trần đến lớp trong mùa đông giá buốt... được in ngay phía ngoài thiệp, bên trong là lời giới thiệu về nhóm và mục đích của việc bán thiệp quyên góp từ thiện đã làm nhiều người mua thấy yên lòng và nhiệt tình ủng hộ.

Tổng số thiệp và sổ The Present bán đã lên con số 16.000, thu về số tiền gần 70 triệu đồng. Toàn bộ số tiền đã được các bạn ủng hộ cho dự án “Cơm có thịt” để trẻ vùng cao có bữa trưa trên lớp đủ no, yên tâm học tập.

Hành trình gieo yêu thương

Dự án đã làm cho mùa hè năm 2012 của Minh Hoàng, Gia Linh, Hà My và nhiều bạn trẻ khác ý nghĩa hơn mọi kỳ nghỉ hè trước. “Đối với em đó là một món quà yêu thương giản dị mà học sinh chúng em có thể làm được cho các em bé vùng cao”- Hà My thật thà chia sẻ.

Các bạn trong nhóm The Present là những con người đầy tính sáng tạo và chủ động. Tuy các bạn gọi đó là “dự án nhỏ của chúng cháu” nhưng cái làm nên dự án của các bạn thì chẳng hề nhỏ chút nào! Chính tình thương yêu, óc sáng tạo, năng động, cách hoạt động thiết thực... của các bạn đang làm đất nước này tươi đẹp lên biết bao. Tất cả những người đang làm “Cơm có thịt” rất quý mến và vô cùng cảm ơn những gì các bạn đã làm được.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn

Kỷ niệm còn đọng lại trong kỳ nghỉ hè năm 2012 của nhóm là những lần đạp xe rong ruổi khắp các phố Hà Nội từ cơ quan của bố mẹ các thành viên trong nhóm cho đến các bến xe, rạp hát, lớp học... để bán thiệp, sổ tay.

Đặng Minh Trang, sinh năm 1997, là thành viên từ hơn một năm nay của The Present, vui vẻ chia sẻ: “Mỗi khi đi học thêm, đi chơi đâu đó em đều mang thiệp và bưu thiếp để tranh thủ bán”.

Đặc biệt, nhóm còn có mạng lưới cộng tác viên gia đình đông đảo - đó chính là ông bà, cha mẹ, anh em của các thành viên trong nhóm sẵn sàng hỗ trợ nhóm khi cần. Nguyễn Minh Hoàng có ông bà mở tiệm tạp hóa, thế là thứ bảy nào Hoàng cũng đem bưu thiếp và sổ đến cho ông bán giúp cả tuần, hết lại đem đến.

“Chúng tôi sẵn sàng cho con tiền để nộp vào quỹ nhóm, vì thấy cháu rất vất vả khi bắt đầu tham gia dự án. Nhưng khi hiểu được mục đích và ý nghĩa việc làm của các cháu, chúng tôi đã giúp các cháu bằng cách giới thiệu những địa điểm, cơ quan, công ty bố mẹ quen biết. Sau đó đưa các cháu đến và cùng thuyết trình cho mọi người biết về ý nghĩa của việc bán thiệp...” - chị Trần Thu Hà, mẹ Hà My, cho biết.

Cứ thế, số lượng thiệp, sổ bán ra tăng vọt, điều đó đồng nghĩa với việc các em nhỏ vùng cao sẽ no ấm hơn. Vì còn là học sinh nên nhóm thường tổ chức các đợt bán hàng lớn vào thời gian rảnh và những đợt không có kiểm tra học kỳ. Ngoài ra, nhận đơn hàng qua mạng rồi giao hàng trực tiếp cũng là một hình thức mới để mở rộng hoạt động tình nguyện đầy tính nhân văn này.

Theo Tuổi trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Cán bộ, nhân viên Tiểu đoàn Đặc công 20 thăm hỏi, động viên gia đình Trung úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Sinh - vợ liệt sĩ Bùi Văn Kim
Hậu phương người lính - điều chưa kể - Kỳ 6: Thay chồng khoác áo 'Bộ đội Cụ Hồ'
TP - Tháng 8/2019, Đại úy Bùi Văn Kim - Chính trị viên Đại đội 33 thuộc Tiểu đoàn Đặc công 20 (Bộ Tham mưu Quân khu 1) hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện nhảy dù tại sân bay Hòa Lạc và được truy phong liệt sĩ. Một năm sau, vợ anh được Bộ Quốc phòng tuyển dụng và được điều động về chính đơn vị của chồng công tác.