Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm được Công ty Cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) công bố, cho thấy, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của công đạt 7.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn, các chi phí liên quan đến trả lãi, quản lý doanh nghiệp tăng, lợi nhuận từ các công ty liên kết không cao đã khiến lợi nhuận của toàn công ty giảm mạnh. Lũy kế sau 9 tháng hoạt động, TISCO chỉ đạt hơn 78 tỷ đồng lợi nhuận, giảm gần 2/3 so với cùng kỳ năm trước (9 tháng đầu năm 2016 TISCO đạt lợi nhuận sau thuế 207 tỷ đồng).
Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm của Gang thép Thái Nguyên cũng ghi nhận số tiền hơn 4.810 tỷ đồng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang. Trong đó, riêng phần vốn chôn tại dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (hiện đang đắp chiếu) hơn 4.791 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính 9 tháng cũng cho thấy, TISCO đang có hơn 654 tỷ đồng xếp vào diện “nợ xấu” cần thu hồi từ 4 công ty đối tác và hơn 200 tỷ đồng tiền phạt phát sinh từ các khoản nợ quá hạn nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được. Lượng hàng bán ra tăng mạnh cũng giúp hàng tồn kho của công ty giảm khá mạnh so với đầu năm, từ hơn 1.418 tỷ đồng xuống còn hơn 779 tỷ đồng.
Công ty cũng cho biết, vốn điều lệ của công ty tính đến 30/9/2017 đã giảm 1.000 tỷ đồng, còn 1.840 tỷ đồng do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã rút toàn bộ vốn (35,21%) tại doanh nghiệp này. Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Gang thép Thái Nguyên đạt hơn 9.300 tỷ, giảm 1.800 tỷ đồng so với đầu năm.
Liên quan đến hoạt động của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, cách đây hơn một tháng, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã thông báo việc Công ty Cổ phần Định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam (VVFC) trúng thầu Gói thầu định giá và đánh giá hiệu quả dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên với tổng chi phí hơn 2,64 tỷ đồng.
Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên là một trong 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ ngành công thương và đã được bộ này đề xuất lựa chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại doanh nghiệp này. Dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 mở rộng cũng thuộc diện dự án đội vốn nóng với tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư là 10%, còn lại là đi vay 90%.
Trong một bản báo cáo của Thanh tra Bộ Công Thương sau này về Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên, thanh tra bộ cũng chỉ ra một số điểm bất thường liên quan tạm ứng và thanh toán cho nhà thầu MCC. Cụ thể, tỷ lệ thanh toán theo quy định của Hợp đồng EPC được ký là 95% trong khi hồ sơ dự thầu của MCC chỉ yêu cầu 90%. Đặc biệt, việc tăng giá hợp đồng là không được phép nhưng rốt cuộc dự án vẫn được điều chỉnh vốn.
Theo thông tin của Tiền Phong có được, theo quy định trong hợp đồng tín dụng Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) đã ký với VDB và Vietinbank khi làm dự án, từ ngày 1/1/2017 chủ đầu tư TISCO bắt đầu phải trả nợ gốc và lãi vay ân hạn, bình quân mỗi tháng 45,5 tỷ đồng cho cả 2 ngân hàng tính trên số dư nợ tính đến 30/11/2016. Tuy nhiên, do dự án đắp chiếu và bản thân TISCO gặp nhiều khó khăn nên mới đây công ty đã có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các ngân hàng cho tiếp tục được gia hạn thời gian trả nợ gốc, trả nợ lãi vay, thời gian rút vốn phù hợp tiến độ của dự án, tạo điều kiện để TISCO tiếp tục được vay vốn tại các ngân hàng để duy trì sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho hơn 5.000 người lao động của công ty.
Về phương án xử lý đối với các dự án nghìn tỷ thua lỗ, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội cách đây ít ngày, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, cơ quan quản lý ưu tiên chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên. Trong trường hợp Phương án này thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án khác là bán dự án hoặc kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư dự án.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, mặc dù thuộc các nhóm ngành khác nhau và được khởi công xây dựng, đưa vào khai thác ở những thời điểm khác nhau, nhưng các dự án nghìn tỷ thua lỗ đều có chung đặc điểm là tổng mức đầu tư đều phải điều chỉnh trong quá trình thi công, làm tăng giá thành sản phẩm (đối với các dự án đã kết thúc và đưa vào khai thác) hoặc làm cho dự án không còn khả thi, buộc phải dừng thi công thực hiện.
Tiến độ các dự án đều kéo dài, có dự án chậm tiến độ 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, khiến cho tình trạng đội vốn càng trầm trọng hơn. Đặc biệt, trong quá trình thi công dự án, hầu hết các gói thầu EPC của dự án đều có phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Nhiều dự án, mặc dù đã kết thúc nhưng vẫn chưa thanh lý được hợp đồng, chưa quyết toán được dự án.
Tất cả các dự án khi đi vào vận hành sản xuất đều gặp khó khăn về tài chính. Do tỷ trọng vốn vay của dự án lớn đã làm tăng chi phí vốn, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao làm dự án không hiệu quả, bị thua lỗ. Cùng đó, nhiều dự án gặp phải khó khăn về thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đầu ra và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất.
“Đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên, tranh chấp, vướng mắc tại hợp đồng EPC của dự án giữa chủ đầu tư và nhà thầu là Tập đoàn luyện kim Trung Quốc (MCC) là nguyên nhân chính dẫn đến dự án bị kéo dài làm gia tăng tổng mức đầu tư và khó khăn trong thu xếp nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.