Ðau đầu vì vướng giải phóng mặt bằng
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho hay, hàng loạt dự án lưới điện truyền tải quan trọng nhằm giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng mà đơn vị thi công ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn về tiến độ triển khai. Trong đó, việc giải phóng mặt bằng, vướng cơ chế đền bù về cây trồng, thủ tục phê duyệt triển khai dự án của địa phương…là nguyên nhân khiến việc thi công gặp nhiều khó khăn, bị chậm trễ.
Như với đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2019, nhưng hiện gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ cây trồng đối với các hộ dân bị ảnh hưởng. Cụ thể, UBND các huyện, UBND thành phố Nha Trang chưa hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ để chi trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có đất, tài sản trên đất bị ảnh hưởng dự án. Hồ sơ trích đo giải thửa chưa được Sở TN&MT thẩm định, vì vậy UBND huyện Diên Khánh (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) chưa có cơ sở ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường cho phần móng trụ
Tại tỉnh Ninh Thuận, việc bồi thường cho 43 hộ dân canh tác trên đất lâm nghiệp thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Sông Trâu, hồ Sông Sắt thuộc huyện Thuận Bắc và Bác Ái vẫn chưa được hoàn thành dù UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo giải quyết. Với các vướng mắc trong bồi thường giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các thủ tục thông qua chủ trương cho chuyển đổi đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng, dự án không đáp ứng tiến độ hoàn thành đóng điện tháng 12/2019. Như vậy, thời gian dự kiến đóng điện của dự án sẽ phải lui sang quý 3/2020. Điều này đồng nghĩa việc giải tỏa công suất cho nhiều dự án năng lượng tái tạo ở khu vực Ninh Thuận, Khánh Hòa và các tỉnh sẽ bị chậm tiến độ, nhiều nhà đầu tư dự án điện và nền kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng theo”, lãnh đạo CPMB cho hay.
EVNNPT gỡ khó cho các dự án điện của Ninh Thuận
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về công tác đầu tư xây dựng các dự án lưới truyền tải điện phục vụ giải phóng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho hay, giải tỏa công suất cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo là vấn đề đang nóng của tỉnh cũng như của các bộ ngành. Trong bối cảnh nguồn năng lượng cả nước đang thiếu và Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo nếu thiếu điện thì cách chức. Do đó việc giải quyết năng lượng, các giải pháp cung cấp nguồn điện cho đất nước là cấp thiết. Tình trạng thiếu điện, một số dự án lớn về năng lượng than và năng lượng khác của ta vướng mắc, tiến độ triển khai không đáp ứng kịp thời nhu cầu năng lượng quốc gia.
Theo ông Hậu, Bộ Công Thương vừa qua đã phối hợp Ninh Thuận và các địa phương, tiềm năng, bổ sung vào quy hoạch các nguồn năng lượng tái tạo này. Đến nay Chính phủ đã đồng ý cho Ninh Thuận phát triển 2.000MW điện mặt trời đến năm 2020, để hỗ trợ cho địa phương còn khó khăn, trong khi dừng dự án điện hạt nhân. Đến nay Ninh Thuận là địa phương thu hút các dự án lớn nhất, gần 1.200MW năng lượng tái tạo vào lưới, vượt cả quy hoạch điện VII.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận cũng thừa nhận, chính vì sự phát triển nhanh như vậy, trong khi thủ tục đầu tư theo quy trình của nhà nước không theo kịp tiến độ dự án, dẫn đến tình trạng giảm phát và các vấn đề khác. Vì vậy nếu không thúc đẩy truyền tải, trong điều kiện thiếu điện, không đẩy nhanh tiến độ truyền tải thì việc giảm phát gây thiệt hại cho phát triển, và ta sẽ không kịp thời đáp ứng nhu cầu phát triển về năng lượng
“Nói thế để thấy sự cấp thiết của việc giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo đối với vấn đề của quốc gia. Với 8 dự án EVNNPT đã triển khai, cơ bản đã hoàn thành. Còn 5 dự án đang tiếp tục làm, UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao hỗ trợ của EVN và EVNNPT với sự phát triển của tỉnh. Các dự án lưới điện truyền tải giải tỏa công suất điện khi thực hiện xong sẽ giúp cho tỉnh rất nhiều. Như năm 2018 vừa qua, nhất là 10 tháng đầu năm 2019 lần đầu tiên ngân sách của tỉnh thu rất cao. Dự kiến đạt gần 4.000 tỷ đồng, vượt xa mục tiêu 2.800 tỷ đồng. Sự phát triển nguồn thu của tỉnh như vậy chính nhờ có sự hỗ trợ đóng góp của ngành điện nhiều nhất”, ông Hậu cho hay.
Tháo điểm nghẽn cho các dự án năng lượng tái tạo
Theo Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường, trong tháng 10 và tháng 11/2019, EVNNPT đã hoàn thành công trình nâng công suất trạm 220 kV Tháp Chàm (tại Ninh Thuận) vượt tiến độ 1 năm so với kế hoạch và hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 1 dự án lắp MBA 220kV thứ 2 tại TBA 220 kV Hàm Tân (Bình Thuận), vượt sớm hơn 2 tháng so với tiến độ đã được phê duyệt. Việc dự án trạm 220 kV Tháp Chàm hoàn thành trước tiến độ đề ra 1 năm, đã góp phần rất lớn cho việc giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. “Tôi đã đi kiểm tra và hỏi anh em trong trạm thì anh em khẳng định: việc đưa trạm 220 kV Tháp Chàm vào vận hành giúp tất cả nhà máy điện mặt trời, điện gió khu vực xung quanh đã giải tỏa được hết, thêm dự án nữa cũng giải tỏa được”, ông Tường nói.
Chủ tịch HĐTV EVNNPT cũng cho hay, trong quá trình thi công các dự án giải phóng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo, EVNNPT đang gặp nhiều vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng ngoài việc giải tỏa công suất các nhà máy hiện hữu, sắp tới còn nhiều nhà máy điện vào nữa nên EVNNPT đang tập trung, đặc biệt khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. EVNNPT đang triển khai 8 dự án lưới điện và nâng công suất các trạm biến áp và sẽ tiếp tục bổ sung thêm vào quy hoạch triển khai tiếp.
Theo đại diện Công ty CP Tư vấn điện 4, Ninh Thuận và Bình Thuận là hai địa phương có nhiều dự án đầu tư nhiều năng lượng tái tạo. Theo Quy hoạch điện 7, công suất dự án năng lượng tái tạo rất thấp, chỉ 850MW và 800MW điện mặt trời. Nhưng theo quy hoạch 7 bổ sung, tính toán các nhà máy năng lượng tái tạo đến 2020 lên tới hơn 2.060MW, giai đoạn 2021-2025 là gần 6.000 MW… Do giá năng lượng tái tạo được mua cao nên nguồn đưa vào không theo đúng quy hoạch mà phát triển rất nóng. “Năm 2020, các nhà máy bổ sung vào quy hoạch gần 13.000MW. Trong đó, Ninh Thuận, Bình Thuận có gần 4.000 MW gồm điện gió, điện mặt trời. So với quy hoạch 7 điều chỉnh, tăng gấp hơn 6 lần. Riêng tập trung ở Ninh thuận, có quy hoạch điện mặt trời với quy mô 8.000 MW. Với khu vực Bình Thuận, tổng công suất tính đến 2020 và phê duyệt là 3.600MW. Giai đoạn 2030 tổng nguồn là quy hoạch tiềm năng lên tới 14.000MW. Đến nay đã có 2.144MW điện mặt trời, năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành.
Về việc giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời, theo Chủ tịch EVNNPT Đặng Phan Tường, đến nay, đây là vấn đề được Chính phủ đến các bộ ngành, xã hội quan tâm và đại biểu Quốc hội cũng chất vấn Bộ trưởng Công Thương. Nhưng thực tế truyền tải chưa giảm phát dự án nào. Đến nay vướng nhất vẫn là giải phóng mặt bằng thi công các dự án lưới điện.
Theo ông Tường, qua kiểm tra thực tế, việc các nhà máy năng lượng tái tạo phải giảm công suất phát không phải do lưới truyền tải điện mà do các dự án năng lượng được phê duyệt và triển khai vượt kế hoạch quá nhiều. Để giải quyết vấn đề, trước mắt, Chủ tịch EVNNPT chỉ đạo các đơn vị tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh trong thi công dự án đồng thời khi triển khai dự án nâng công suất đường dây, trạm BTA phải tính đến tương lai và tính đến nhà máy điện sắp vào, đảm bảo khi lưới phân phối cải thiện được. Ông Tường cũng lưu ý các đơn vị đẩy nhanh tiến độ trạm 220kv Ninh Phước, điểm quan trọng góp phần giải tỏa công suất cho các nhà máy khu vực. Cùng đó, các đơn vị phải cam kết thực hiện đúng tiến độ đối với phần việc của mình trong hợp đồng; các đơn vị tư vấn giám sát cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, an toàn để đảm bảo tiến độ đóng điện dự án theo kế hoạch được giao.
Việc sớm hoàn thành các dự án trên sẽ góp phần giải tỏa công suất các NMĐ năng lượng điện tái tạo, đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và khu vực lân cận.
Để góp phần tăng cường năng lực lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện NLTT trên địa bàn các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận ngay từ năm 2020, EVN vừa có văn bản báo cáo và đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung qui hoạch: Điều chỉnh từ qui mô công suất Trạm 220kV Phước Thái từ 250 MVA lên mức 625 MVA, tiến độ phấn đấu hoàn thành năm 2020 và giao EVN làm chủ đầu tư dự án; Bổ sung quy hoạch thêm trạm biến áp 220/110kV, công suất 250 MVA tại vị trí trạm cắt 110kV Vĩnh Hảo 6 (tỉnh Bình Thuận) và nhánh rẽ 220kV đấu chuyển tiếp vào 1 mạch đường dây 220kV Phan Rí - Vĩnh Tân.
Ngoài ra, EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung qui hoạch các đường dây 110kV Phước Thái - Phước Hữu và Phước Thái - Phước Hữu ĐL 1 với các đặc tính kỹ thuật và tiến độ đồng bộ với trạm 220 kV Phước Thái ở quy mô công suất đề nghị ở mức 625 MVA.