Dự án lò mổ gần miếu Khai Canh: Dân “kêu cứu” Bộ TN&MT

Khu đất trồng lúa còn lại ít ỏi tại Bồn Trì (phường Hương An) dự kiến xây điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung hiện vấp phải phản đối quyết liệt của dân.
Khu đất trồng lúa còn lại ít ỏi tại Bồn Trì (phường Hương An) dự kiến xây điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung hiện vấp phải phản đối quyết liệt của dân.
TP - Cho rằng tỉnh TT-Huế quyết định thực hiện dự án lò mổ khi chưa tham vấn ý kiến dân, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gần công trình tín ngưỡng tâm linh, thời gian gần đây, người dân phường Hương An (thị xã Hương Trà) kịch liệt phản đối chủ trương trên. Dân thậm chí còn đồng loạt ký đơn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), UBND tỉnh TT-Huế để phản đối dự án.

Dân “kêu”, tỉnh vẫn quyết làm

Mới đây, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế ký quyết định đồng ý chủ trương đầu tư “Dự án cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phía Bắc”, tại tổ dân phố Bồn Trì, phường Hương An (thị xã Hương Trà). Quyết định này vấp phải phản ứng quyết liệt của dân địa phương.

Bà con cho rằng, UBND tỉnh đưa ra quyết định đầu tư lò mổ tập trung nhạy cảm về môi trường mà không hề tham vấn ý kiến dân địa phương. Lo ngại môi trường bị bức tử, ảnh hưởng miếu thờ dân gian, nhiều người dân tại Bồn Trì đồng loạt ký đơn “kêu cứu” lên Bộ TN&MT, gửi cho cả lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế để phản đối dự án.

Được biết, dự án cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phía Bắc TT-Huế có tổng vốn đầu tư gần 59 tỷ đồng, thời hạn hoạt động 50 năm trên diện tích đất 5ha, do Cty Cổ phần Cung ứng Thực phẩm An Thịnh làm chủ đầu tư. Giai đoạn 1 dự án có công suất thiết kế giết mổ 2.000 con lợn, 100 con bò và 5.000 con gia cầm/ngày, trên diện tích 3ha; giai đoạn 2 dự kiến đầu tư sau năm 2020, mở rộng thêm 2ha.

Công trình dự kiến khởi công vào quý 3/2017, đưa vào khai thác, sử dụng vào đầu năm 2018. Người dân cho rằng, lò mổ không chỉ xây trên đất nông nghiệp ít ỏi sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng, mà còn đặt sát miếu thờ ngài Khai Canh có công lao tạo lập làng Bồn Trì.

Đây là điểm sinh hoạt tâm linh đầy tôn kính của cộng đồng vào dịp xuân thu nhị kỳ, lễ, tết. Trong đơn, người dân phản ánh: “Ở đây còn có mồ mả tổ tiên, ông bà, là nơi các hộ dân đang sống, nuôi trồng và sinh hoạt thường ngày. Vì vậy, việc xây dựng nhà máy giết mổ sẽ ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của bà con và gây hại đến môi trường sống của nhiều hộ dân trong vùng”.

Người dân Bồn Trì còn bức xúc: “Cơ sở giết mổ xây ngay trên đầu làng, như vậy sẽ ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của dân. Trong vùng không có hệ thống sông ngòi hay hồ chứa lớn, nên khi chất thải xả ra từ lò mổ với quy mô lớn sẽ gây nên tình trạng tù đọng, hôi thối. Rồi khi mưa to, lụt lớn, cơ sở giết mổ liệu có bảo đảm ngăn được chất bẩn không tràn ra ruộng đồng, khu dân cư, nơi thờ cúng. Chúng tôi thiết tha đề nghị UBND tỉnh xem xét, nghiên cứu cho dời lò mổ sang địa điểm khác thích hợp để tránh xung đột, tạo bức xúc trong dân”.

Môi trường ảnh hưởng nếu không xây lò mổ?

Tại cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan mới đây, lãnh đạo tỉnh TT-Huế nêu quan điểm: Việc xây dựng khu giết mổ hiện đại tập trung, có quy mô, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là nhu cầu cấp thiết. Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng, chủ trương đầu tư lò giết mổ không phải hình thành trong ngày một ngày hai mà đã có từ lâu. Tuy nhiên, lâu nay chưa có nhà đầu tư nào mặn mà với dự án này mà thôi.

Lần này, khi đầu tư dự án cơ sở giết mổ tập trung, yêu cầu của tỉnh là phải bảo đảm các tiêu chí về môi trường, cảnh quan, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để người dân có thực phẩm sạch và bảo đảm cho thị trường. “Trong vòng 3 năm tới, nếu Huế không có cơ sở giết mổ hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, thì tình trạng giết mổ nhỏ lẻ sẽ càng phát triển, ảnh hưởng đến môi trường càng lớn.

Việc đầu tư lần này có ý nghĩa không chỉ là dự án về kinh tế mà còn bảo đảm điều kiện an sinh xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển chăn nuôi trong vùng. Điều người dân băn khoăn là đúng. Bởi lâu nay, đa phần các cơ sở chăn nuôi, giết mổ luôn đi kèm hình ảnh ô nhiễm môi trường trong suy nghĩ của nhiều bà con”, ông Phan Ngọc Thọ trăn trở.

Tại cuộc họp mới đây nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, Phó Chủ tịch Phan Ngọc Thọ kết luận giao Sở TN&MT, Sở NN&PTNT và UBND thị xã Hương Trà họp dân để tuyên truyền vận động bà con đồng thuận chủ trương để chủ đầu tư triển khai dự án.

Trước thông tin này, nhiều người dân bày tỏ bức xúc, cho rằng chính quyền thay vì bảo vệ dân thì lại quay sang ủng hộ doanh nghiệp. “Chúng tôi sẽ phản đối đến cùng, thậm chí kiến nghị đến các bộ, ngành trung ương. Bởi vị trí được chọn xây lò mổ không chỉ là phần đất ít ỏi còn lại của bà con để trồng lúa, mà đây còn được ví như “long mạch” của làng - nơi có 7 khe nước chảy xuống, có miếu thờ ngài Khai Canh…, dẫn đến nguy cơ không chỉ ô nhiễm môi trường phía đầu làng, mà còn ảnh hưởng đến sự tôn kính trong tín ngưỡng dân gian”, người dân nêu ý kiến.

Khi dân kiến nghị đưa lò mổ ra Khu công nghiệp Phong Điền, với hạ tầng đầy đủ, tránh gây ô nhiễm cho khu dân cư, ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế, cho hay: Nhà đầu tư chỉ chọn khu vực Bồn Trì, nếu đầu tư ở Phong Điền thì khoảng cách xa thành phố, chi phí vận chuyển lớn, nên doanh nghiệp không mặn mà; hơn nữa, vị trí quy hoạch lò mổ hiện nay xa khu dân đến… 650 mét (so với quy định là 500 mét).

Việc dân kiến nghị lò mổ gần miếu ngài Khai Canh, trên thực tế, đây chỉ có miếu Khe Mài thờ ông Thượng Ngàn, nằm ngoài khu đất dự án lò mổ (?).

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.