Dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2015 nhưng đến nay mốc thời gian trên đã qua được 4 năm nhưng tàu Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dù đã lăn bánh chỉ là “chở gió” để chạy kỹ thuật. Từ đầu năm 2019 đến nay dự án 2 lần được hứa hẹn đưa vào khai thác thương mại và đơn vị tiếp quản, vận hành tuyến là Cty TNHH đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) đã chuẩn bị trên 600 nhân lực để vận hành nhưng đến nay các đoàn tàu vẫn nằm phơi nắng mưa tại đề-pô.
Trao đổi với PV Tiền Phong về việc này, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, do nhà thầu chưa hoàn thành một số hồ sơ kỹ thuật liên quan đến công tác vận hành nên tuyến chưa thể đưa vào khai thác thương mại. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% cả năm nay, 1% còn lại chủ yếu là liên quan đến thủ tục kỹ thuật, hoàn thiện trang trí nhà ga; riêng hệ thống đường ray, các đoàn tàu đã sẵn sàng cho việc hoạt động thương mại (thực tế đang chạy kỹ thuật lâu nay) nhưng để tàu chạy chở khách thì chưa biết khi nào.
Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, cùng với thực tế tại hiện trường dự án, thời gian qua chúng tôi đã tiếp cận một số cơ quan có trách nhiệm. Qua đó được biết, mặc dù 13 đoàn tàu có sức chứa trên 1.000 khách/lượt của dự án đã được nhập về và vận hành thử nghiệm nhiều tháng qua nhưng đến nay cả 13 đoàn tàu này chưa được đăng kiểm, cấp chứng nhận an toàn. Đặc biệt là cả dự án chưa được Hội đồng NTNN nghiệm thu về chất lượng, an toàn.
Đại diện Hội đồng NTNN cho biết, với hệ thống đường sắt đô thị nói chung và dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nói riêng, để đưa các đoàn tàu vào khai thác, dự án phải hoàn thành hai bước quan trọng. Bao gồm được Hội đồng NTNN nghiệm thu, đánh giá công trình đảm bảo chất lượng; tiếp đó là các đoàn tàu phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định và cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện nay mặc dù đã thi công xong phần hạ tầng và các đoàn tàu đã hoàn thành chạy kỹ thuật, tuy nhiên do chưa hoàn thành được hai nội dung trên nên dự án chưa thể hoạt động thương mại.
Dự án không có thiết kế kỹ thuật tổng thể
Thông tin về dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận hành kỹ thuật nhưng vẫn chưa được nghiệm thu chất lượng và an toàn kỹ thuật, đại diện Hội đồng NTNN cho biết, do dự án chưa có sơ đồ hoàn công tổng thể, chưa có hồ sơ kỹ thuật vận hành nên chưa có cơ sở nghiệm thu.
Giải thích thêm cho việc này, đại diện một số cơ quan có trách nhiệm kiểm tra dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước khi đưa vào vận hành cho biết, mặc dù trong các báo cáo của Bộ GTVT đều nói lỗi cho nhà thầu Trung Quốc, tuy nhiên qua kiểm tra thực tế thi công tại dự án, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều lỗi có liên quan đến chủ đầu tư. Cụ thể, thay vì thực hiện dự án theo thiết kế tổng thể ngay từ đầu, Bộ GTVT lại “xé” nhỏ để thiết kế thi công dự án theo từng phần, từng hạng mục (gói thầu). Dẫn đến khi hoàn thành dự án, từ hồ sơ hoàn công, đến hồ sơ kỹ thuật vận hành bị chắp vá, không đồng nhất giữa các hạng mục. Đây là nguyên nhân chính khiến dự án hiện nay chưa có một số hồ sơ quan trọng, trong đó có hồ sơ hoàn công, hồ sơ kỹ thuật vận hành, do vậy Hội đồng NTNN chưa thể nghiệm thu.
Đánh giá về việc Kiểm toán Nhà nước vừa có kết luận cho rằng, dự án ngay từ đầu đã biết không hiệu quả nhưng Bộ GTVT và các bộ, ban ngành liên quan vẫn đồng ý cho triển khai, GS.TS Nguyễn Văn Liên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng NTNN (giai đoạn thi công dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông) cho biết, dự án khởi công năm 2011 nhưng khi Bộ GTVT lấy ý kiến để phê duyệt dự án vào năm 2009, ông khi đó với chức danh là Phó Chủ tịch Hội đồng NTNN đã có ý kiến không đồng ý triển khai dự án.
Liên quan đến những tồn tại về mặt hồ sơ thiết kế cũng như quá trình thi công, GS.TS Nguyễn Văn Liên cho biết, khi còn làm việc ông đã thay mặt Hội đồng NTNN nhiều lần đến kiểm tra và đã phát hiện một số vi phạm tại dự án. Cùng với việc đình chỉ thi công, đoàn công tác đã yêu cầu chủ đầu tư và nhà thầu khắc phục mới được phép thi công trở lại. Tuy nhiên không hiểu sao đến nay dự án vẫn tồn tại các lỗi đã được Hội đồng NTNN phát hiện.