​Dự án công viên biến tướng, cho thuê giá bèo: “Phớt lờ” chỉ đạo

Sau khi ký hợp đồng thuê với giá 5.000 đồng/m2/năm, nhiều đơn vị đã cho thuê lại với giá cao hơn khiến việc giám sát gặp khó khăn.
Sau khi ký hợp đồng thuê với giá 5.000 đồng/m2/năm, nhiều đơn vị đã cho thuê lại với giá cao hơn khiến việc giám sát gặp khó khăn.
TP - Các công trình trong khu đất quy hoạch xây dựng Công viên thể thao cây xanh Hà Đông đã được kết luận rõ ràng về cả quy mô và hình thức (vật liệu), UBND thành phố Hà Nội yêu cầu kiểm tra, xử lý từ tháng 2/2017, nhưng đến nay các doanh nghiệp vi phạm vẫn “phớt lờ” chỉ đạo khiến dư luận nghi ngờ dấu hiệu “bảo kê” của chính quyền sở tại.

“Bỏ ngoài tai” chỉ đạo xử lý vi phạm

Báo cáo kiểm tra hiện trạng lập ngày 6/3/2017 được Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng và Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong đồng ký gửi UBND thành phố nêu rõ, tại khu đất quy hoạch xây dựng Công viên thể thao cây xanh Hà Đông đang cho thuê sử dụng tạm có 8/12 công ty có sai phạm về sử dụng đất và trật tự xây dựng (TTXD).

Cụ thể, Cty TNHH Thương mại và Dịch vụ Global Việt Pháp xây dựng tăng diện tích 481,26 m2, có 8 hạng mục công trình kết cấu khung thép, mái tôn, vách tôn vượt chiều cao (trên 6m) so với phương án được chấp thuận; Cty CP Môi trường đô thị Hà Đông xây tăng diện tích 3.120,6m2; Cty CP Xây dựng Đức Thịnh xây dựng tăng diện tích 1.579,7m2, có 3 hạng mục công trình kết cấu khung thép, mái tôn, vách tôn vượt chiều cao (trên 6m) so với phương án được chấp thuận; Cty CP TNHH Thương mại và Dịch vụ Đăng Minh kinh doanh nhà hàng 2 tầng Dân Tộc Quán trên phân khu cây xanh dịch vụ thể thao…

Căn cứ kết quả kiểm tra hiện trạng, Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND quận Hà Đông ban hành quyết định cưỡng chế, áp dụng biện pháp ngăn chặn để đình chỉ có hiệu lực đối với các công trình, giao Chi nhánh Phát triển quỹ đất Hà Đông kiên quyết thanh lý, chấm dứt hợp đồng đối với các đơn vị không tự giác tháo dỡ, khẩn trương hoàn thiện việc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra các sai phạm, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trước ngày 31/3 và gửi Sở Xây dựng cùng phối hợp giải quyết. Trước đó, từ tháng 2/2017, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm vừa nêu.

Kiến nghị xử lý của Sở Xây dựng nêu rất rõ ràng, nhưng đến nay nhiều chủ đầu tư vẫn không tự phá dỡ theo cam kết, trong khi UBND quận Hà Đông, UBND phường Kiến Hưng và Hà Cầu không có biện pháp xử lý kiên quyết khiến dư luận bức xúc.

Trước việc vi phạm chậm được xử lý, ngày 8/5, Sở Xây dựng tiếp tục có buổi làm việc với lãnh đạo UBND quận Hà Đông đôn đốc xử lý loạt công trình vi phạm. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đinh Công Đạt, Phó Giám đốc Chi nhánh Phát triển quỹ đất Hà Đông cho biết, cho đến nay 12 đơn vị mới nộp phạt hơn 1 tỷ đồng, việc phá dỡ phần diện tích vi phạm sẽ phải kéo dài hết tháng 5/2017.

Đề nghị thanh tra làm rõ dấu hiệu lợi ích nhóm

Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ cho rằng, việc thành phố cho phép quận Hà Đông tạm thời ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê khai thác dịch vụ thể thao trên phần diện tích đã GPMB thuộc khu quy hoạch Công viên thể thao cây xanh, trong thời gian chờ xây dựng nhằm chống tái lấn chiếm là phù hợp.

Tuy nhiên, mức giá 5.000 đồng/m2/năm mà Chi nhánh Phát triển quỹ đất cho các doanh nghiệp thuê là quá thấp và chắc chắn không có ở bất kỳ quy định nào. Đất đã được thu hồi và GPMB thì đã trở thành đất dịch vụ, đất dự án nên không thể coi đó là đất nông nghiệp để áp dụng khung giá cho thuê.

“Giá thuê đất thể hiện trên hợp đồng chỉ 5.000 đồng/m2/năm, trong khi điều khoản phụ thu (đóng góp xây dựng hạ tầng) bỏ ngoài ngân sách lại cao gấp hàng chục lần là điểm bất thường cần làm rõ, bởi không có quy định nào cho phép thu tiền của doanh nghiệp phục vụ việc xây dựng hạ tầng trên phần đất cho thuê tạm.

Quy hoạch chi tiết khu công viên Hà Đông chưa được các cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng UBND quận Hà Đông và Chi nhánh Phát triển quỹ đất Hà Đông đã chấp thuận cho các doanh nghiệp bỏ hàng chục tỷ đồng ra làm đường sá, hạ tầng. 

Sau này triển khai dự án công viên ai sẽ là người trả tiền phá dỡ? Với giá tiền thuê bèo bọt chỉ 5.000 đồng/m2/năm đang áp dụng liệu có đủ cho chi phí phá dỡ?...”, ông Võ phân tích.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ, Chi nhánh Phát triển quỹ đất chỉ là đơn vị được UBND quận Hà Đông ủy quyền ký hợp đồng cho thuê, chỉ riêng Chi nhánh Phát triển quỹ đất không có đủ thẩm quyền để quyết định mức giá cho thuê tạm, không quyết định được việc phụ thu tiền đóng góp xây dựng hạ tầng của các doanh nghiệp thuê nên thành phố cần chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra làm rõ dấu hiệu lợi ích nhóm để xử lý nghiêm khắc, nếu có.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội xác định, lỗi đầu tiên và lớn nhất thuộc về Chi nhánh Phát triển quỹ đất - đơn vị được giao quản lý trực tiếp đã không thực hiện việc giám sát, dẫn đến không phát hiện kịp thời, không báo cáo kịp thời các vi phạm để các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý.

Bên cạnh đó, UBND phường Kiến Hưng và Hà Cầu cũng có trách nhiệm vì đã buông lỏng giám sát. Hiện Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND quận Hà Đông xem xét xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT Đặng Hùng Võ, Chi nhánh Phát triển quỹ đất chỉ là đơn vị được UBND quận Hà Đông ủy quyền ký hợp đồng cho thuê, chỉ riêng Chi nhánh Phát triển quỹ đất không có đủ thẩm quyền để quyết định mức giá cho thuê tạm, không quyết định được việc phụ thu tiền đóng góp xây dựng hạ tầng của các doanh nghiệp thuê nên thành phố cần chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra làm rõ dấu hiệu lợi ích nhóm để xử lý nghiêm khắc, nếu có.

MỚI - NÓNG