Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau: Thí điểm dùng 5.000m3 cát biển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ GTVT đồng ý với đề xuất của Ban Quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận về việc thí điểm sử dụng 5.000m3 cát biển khai thác từ Trà Vinh phục vụ đắp nền cho dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cần Thơ – Cà Mau.

Theo đề xuất của Ban QLDA Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau), nguồn cát biển được lấy từ Trà Vinh với khối lượng 5.000m3 (trong tổng số 1 triệu m3 đã được cấp phép khai thác). Vị trí chọn thí điểm cát biển là đường hoàn trả ĐT978 dài gần 1km ở tỉnh Bạc Liêu. Phương án thi công là đắp nền bình thường, có ta-luy 1,5m hai bên và lót vải địa kỹ thuật... Dự kiến thời gian thí điểm khoảng 12 tháng, thực hiện đầu năm 2023.

Giải pháp này được đưa ra trong bối cảnh khu vực ĐBSCL đang triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng, cần nguồn vật liệu cát san lấp rất lớn. Riêng hai dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau cần 39 triệu m3 cát san lấp.

Dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau: Thí điểm dùng 5.000m3 cát biển ảnh 1

Khai thác cát trên sông Hậu. ẢNH: CẢNH KỲ

Theo ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, khó khăn của dự án là nhiều địa phương không có cát. Mặt khác, thời điểm triển khai dự án trùng với nhiều dự án giao thông lớn trong khu vực nên nhu cầu vật liệu san lấp là rất lớn... Các địa phương như Cần Thơ, Hậu Giang… mong muốn được hỗ trợ từ các tỉnh khác.

Đánh giá ảnh hưởng nhiễm mặn

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh này sẽ chia sẻ 6 triệu m3 cát cho tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ, theo phương thức giao hẳn cho hai địa phương này tổ chức thăm dò, quản lý, khai thác… và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình khai thác. Tuy nhiên, việc này cần sự thống nhất của Bộ TN&MT, Bộ GTVT, các địa phương và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…

Đối với nguồn cát sông ở ĐBSCL, nguồn phục vụ công trình xây dựng tập trung tại các tỉnh có sông Tiền và sông Hậu đi qua. Trong đó, các địa phương ở hạ lưu (Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ) có tổng trữ lượng các mỏ đang khai thác khoảng 23 triệu m3, công suất khai thác hằng năm 5,7 triệu m3; trữ lượng dự kiến còn lại các mỏ trên khá lớn, tuy nhiên chất lượng cát kém, lẫn nhiều tạp chất.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, với đặc thù nền đất yếu, công tác thi công nền đường đóng vai trò rất quan trọng đối với các dự án ở ĐBSCL. Riêng cao tốc Cần Thơ - Cà Mau cần hơn 18 triệu m3 cát, còn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cũng cần gần 18 triệu m3. Qua khảo sát cát biển tại Sóc Trăng cho thấy, nguồn cát dồi dào và có thể đáp ứng được cho các dự án cao tốc.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, với trữ lượng cát sông, cát biển tại các tỉnh như Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang…, vùng ĐBSCL có thể chủ động nguồn cát cho các dự án cao tốc. Ông Kiên đề nghị các cơ quan liên quan và các địa phương rà soát cụ thể nhu cầu và nguồn cát trên địa bàn, tính toán cân đối cho hai tuyến cao tốc. Trong tổng nhu cầu 39 triệu m3 cát, năm 2023 sử dụng khoảng 16 triệu m3, số còn lại dùng cho năm 2024 và năm 2025.

Tại Sóc Trăng, địa phương có gần 58km đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh, cho hay, qua rà soát, nguồn cát từ các mỏ trên sông Hậu đoạn qua địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu cát đắp nền cho dự án là 6,7 triệu m3, cùng với 2 triệu m3 cho dự án cầu Đại Ngãi.

“Tỉnh có hơn 13 tỷ m3 cát biển, trong đó có hơn 1 tỷ m3 gần bờ, độ mặn thấp, rất tiềm năng cho khai thác sử dụng. Nếu được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành vào cuộc khảo sát, thử nghiệm thành công, nguồn cát biển này sẽ đảm bảo cung ứng vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm ở miền Tây trong tương lai”, ông Lâu nói.

Theo đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, nguồn cát biển tại ĐBSCL cơ bản đáp ứng yêu cầu về thành phần hạt đắp nền đường. Tuy nhiên, cơ quan chuyên môn đang đánh giá ảnh hưởng nhiễm mặn của cát biển đối với môi trường xung quanh, cuối năm mới có kết quả. Do vậy, trước mắt việc triển khai cao tốc ở miền Tây sử dụng cát ở An Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long…

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.