Dự án cao tốc Bắc - Nam: Bài học xương máu nhìn từ Quốc lộ 1

Nếu chỉ định thầu các đoạn cao tốc Bắc – Nam cần rút ra bài học từ làm Quốc lộ 1 trước đâyẢnh minh hoạ: Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi
Nếu chỉ định thầu các đoạn cao tốc Bắc – Nam cần rút ra bài học từ làm Quốc lộ 1 trước đâyẢnh minh hoạ: Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi
TP - Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT đang xây dựng báo cáo trình Quốc hội xin chủ trương chuyển 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc từ hình thức đầu tư BOT sang đầu tư công. Trong đó để ngỏ khả năng chỉ định thầu. Theo các chuyên gia, cần rút ra được bài học kinh nghiệm chỉ định thầu triển khai nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A trước đây.

Bối cảnh đặc biệt cần trách nhiệm đặc biệt

Bộ KH&ĐT đề xuất thực hiện chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ và đã có một số đơn vị, doanh nghiệp gửi văn bản tới Bộ GTVT xin được tham gia.

Trao đổi với Tiền Phong, nguyên Cục trưởng Quản lý Đấu thầu (Bộ KH&ĐT) Lê Văn Tăng cho rằng, bối cảnh đặc biệt cần áp dụng biện pháp đặc biệt là chỉ định thầu, để sớm giải ngân vốn vào nền kinh tế, nếu kéo dài tới sang năm sẽ giảm ý nghĩa. “Nếu điều kiện bình thường, sẽ không chuyển sang đầu tư công và không có đề xuất chỉ định thầu. Điều quan trọng là thực hiện chỉ định thầu thế nào?”, ông Tăng nói. Theo ông Tăng, nhà chức trách cần rút bài học xương máu từ các dự án giao thông chỉ định thầu trước đây, khi một số dự án không đạt chất lượng, một số nhà thầu sai phạm, đặc biệt là trên tuyến Quốc lộ 1A. Cách triển khai đặc biệt nên cần giải pháp đặc biệt.

Chuyên gia này cho rằng, trong báo cáo trình Quốc hội, Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT phải kèm các giải pháp, chỉ rõ trách nhiệm. Nếu Quốc hội đồng ý, nghị quyết cũng cần đặc biệt. “Trong nghị quyết của Quốc hội có thể nói rõ trách nhiệm của cơ quan, người ký quyết định chỉ định thầu, đơn vị giám sát, nhà thầu thi công, tránh sau này có vấn đề lại đùn đẩy. Nghị quyết có thể kèm cả các chế tài xử lý nặng hơn luật hiện hành. Cách triển khai đặc biệt nên cần chế tài đặc biệt. Nếu được vậy có thể giảm mặt trái của chỉ định thầu”, ông Tăng nói thêm. Vì theo ông Tăng, nếu đấu thầu không được giám sát tốt có khi còn tệ hơn chỉ định thầu có chế tài tốt.

Ông Tăng đề xuất giải pháp, trước khi chỉ định thầu, Bộ GTVT cần công khai các tiêu chí chọn nhà thầu, để người dân và các nhà thầu khác giám sát. Còn nhà thầu nào trong 5-10 năm trước đã từng có công trình kém chất lượng, sai phạm sẽ bị trừ điểm, không ưu tiên lựa chọn. Ngoài ra, Bộ GTVT không nên chia nhỏ các gói thầu, lấy dịp này nuôi dưỡng các nhà thầu Việt Nam uy tín, lớn mạnh.

Còn theo chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Hữu Đức, nếu đấu thầu sẽ lựa chọn được đơn vị tốt hơn chỉ định thầu, đó là bài học từ các dự án đã triển khai. Trường hợp phải chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ, cần quy rõ trách nhiệm từng cá nhân, đơn vị liên quan. Tránh tình trạng chỉ định nhưng khi có vấn đề không rõ trách nhiệm của ai. “Việc chọn doanh nghiệp Nhà nước, quốc phòng hay tư nhân thực hiện đều được, vì giờ có nhiều nhà thầu tư nhân rất tốt. Quan trọng là chỉ rõ trách nhiệm người thực thi để quá trình diễn ra khách quan, không tiêu cực”, ông Đức nhấn mạnh.

 Bài học xương máu từ Quốc lộ 1

Giai đoạn 2010-2013, để kích thích nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu, dự án nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14 đã được thúc đẩy. Khi đó, để đẩy nhanh tiến độ, đa số dự án thực hiện theo hình thức chỉ định nhà đầu tư (với dự án BOT) và chỉ định thầu (với dự án đầu tư công).

Hiệu quả kinh tế - xã hội những dự án trên mang lại đã rõ, nhưng tại một số dự án đã phát sinh vấn đề về chất lượng. Điển hình như đoạn Quốc lộ 1 qua Bình Định - Phú Yên (gồm 2 dự án BOT Bắc và Nam Bình Định và 1 dự án đầu tư công đoạn qua Phú Yên) đều chỉ định thầu, hoàn thành năm 2015.

Dự án cao tốc Bắc - Nam: Bài học xương máu nhìn từ Quốc lộ 1 ảnh 1

Quốc lộ 1 đoạn qua Phú Yên được đầu tư nâng cấp, mở rộng bằng vốn Trái phiếu Chính phủ nhưng chỉ sau 3 năm đưa vào khai thác đã xuống cấp, hư hỏng - Ảnh: sửa chữa hư hỏng năm 2018: PMU Thăng Long

Chỉ 2-3 năm sau khi đưa vào khai thác đã xuống cấp, hư hỏng tới nay chưa thể khắc phục triệt để. Thậm chí có đại biểu HĐND tỉnh Bình Định còn ví đoạn Quốc lộ 1 qua tỉnh này xấu nhất cả nước. Còn đoạn đường qua Phú Yên, từng xảy ra vụ tai nạn chết người, sau đó người nhà nạn nhân gửi khiếu nại vì cho rằng tai nạn xảy ra do đường hư hỏng. Những năm qua, cử tri tỉnh Bình Định, Phú Yên đã liên tục gửi kiến nghị tới Bộ GTVT xử lý dứt điểm hư hỏng.

Các vấn đề đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại kết luận thanh tra ban hành ngày 11/12/2019. Theo đó, đoạn Quốc lộ 1 qua Bình Định - Phú Yên chỉ đưa vào khai thác 3 năm sau đã xuất hiện nhiều vấn đề về chất lượng, do quá trình thực hiện dự án từ Bộ GTVT tới các nhà thầu để xảy ra khuyết điểm, vi phạm. Theo Thanh tra Chính phủ, một số nhà thầu thi công chưa đúng thiết kế, sử dụng vật liệu chưa đảm bảo, dẫn tới chất lượng đường chưa đạt. Kết luận này đã chỉ rõ sai phạm của một số nhà thầu như: Cty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Thảo; Cty Nhật Minh; Liên danh Cty CP 116 - Cienco1; Cty CP Đầu tư Năng lượng Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn, một số Cienco khác…

Ngày 16/4, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, tới nay vẫn chưa thể khẳng định các dự án cao tốc nếu được Quốc hội chấp thuận cho chuyển sang đầu tư công sẽ đấu thầu hay chỉ định thầu. Nghị quyết của Chính phủ chỉ giao Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT xây dựng báo cáo Quốc hội xin chủ trương chuyển sang đầu tư công, triển khai theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu. Về góp ý của Bộ KH&ĐT có đề xuất chỉ định thầu để sớm khởi công, theo vị này, nếu đấu thầu sẽ lâu hơn chỉ định thầu do phải chuẩn bị thủ tục, hồ sơ, mời thầu, chấm thầu… Bộ GTVT sẽ nghiên cứu tất cả các kịch bản, gồm đấu thầu và chỉ định. Dự kiến, ngày 17/4, Tổ công tác của Thủ tướng sẽ làm việc với Bộ GTVT để thống nhất hướng triển khai lập báo cáo.

Liên quan chất lượng đoạn Quốc lộ 1 qua Phú Yên (sử dụng vốn Trái phiếu Chính phủ), trước đây Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) đã có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xem xét không cho một số nhà thầu tham gia các dự án tiếp theo do Bộ làm chủ đầu tư. Các nhà thầu bị kiến nghị “trảm” gồm: TCT Xây dựng Trường Sơn, Cty CP Trường Sơn 185, Cty CP 475, Cty CP Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông 9; Cty CP Đầu tư và phát triển Trường An, TCT CP Xây dựng 789.  

MỚI - NÓNG