Dự án 600 trí thức trẻ về các xã miền Trung-Tây Nguyên: Thay đổi diện mạo xã nghèo

Anh Phan Quốc Cường, phó chủ tịch xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Anh Phan Quốc Cường, phó chủ tịch xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
TP - Sáng 7/7, tại Đắk Lắk, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 600 phó chủ tịch xã của các tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Kết quả tổng kết cho thấy tại các xã khó khăn - nơi có đội ngũ trí thức trẻ thuộc dự án về tăng cường, cuộc sống đã thay đổi theo hướng tích cực.

Trà Leng từng là một trong những xã vùng sâu, khó khăn của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với 96,3% dân số là người M’Nông, số hộ nghèo ở mức cao, nhưng nay diện mạo của xã đã có nhiều thay đổi
đáng kể.

Anh Phan Quốc Cường, Phó chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết: Năm 2011 khi mới về công tác, Trà Leng còn khó khăn lắm. Đường vào xã chỉ là con đường đất tạm bợ, mùa mưa thì lầy lội, nắng bụi mù. Không sóng điện thoại, mọi liên lạc, trao đổi thông tin bên ngoài bị cô lập. Xác định xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là yếu tố tiên quyết thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nên khi nhận nhiệm vụ, Phó chủ tịch UBND xã Phan Quốc Cường đã tận dụng nguồn vốn từ Trung ương và vận động sức dân để xây dựng nhiều tuyến đường liên xã, thôn kiên cố.

Giao thông tạm ổn, lãnh đạo xã tập trung vào khâu phát triển kinh tế. Biết quế là cây trồng chủ lực của địa phương, nhưng lâu nay người dân vẫn canh tác theo lối truyền thống, năng suất thấp, anh Cường đẩy mạnh việc tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc quế theo hướng chuyên canh, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm giúp dân. Nhờ có hướng đi đúng đắn, đến nay đời sống của người dân xã Trà Leng có nhiều thay đổi, số hộ nghèo giảm từ 92,7% (năm 2011) xuống còn 67,3% (năm 2016).

Dự án 600 trí thức trẻ về các xã miền Trung-Tây Nguyên: Thay đổi diện mạo xã nghèo ảnh 1 Anh A Dũng, Phó chủ tịch xã Đắk Na (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum).

Với lợi thế là người bản địa, nắm rõ phong tục, tập quán của người Xê Đăng nên khi được chọn làm Phó chủ tịch xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), anh A Dũng đã có nhiều cách làm hay giúp dân phát triển kinh tế. Anh A Dũng chia sẻ: Người Xê Đăng mình rất chăm chỉ, giỏi việc nương rẫy nhưng lối canh tác còn lạc hậu. Lại thêm trình độ dân trí thấp nên muốn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho bà con, mình phải làm kiểu “cầm tay chỉ việc” mới được. Ngoài ra, để các chương trình  như: 135, 30 A, 102 của Chính phủ triển khai có hiệu quả, mình phải thường xuyên xuống tận từng gia đình kiểm tra, tư vấn, động viên cho người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, để nhanh chóng thoát nghèo.

Đánh giá hiệu quả dự án 600 phó chủ tịch, ông Hồ Quang Bửu- Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) nói: Dự án đã góp phần thay đổi đáng kể lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính. Đội ngũ trí thức trẻ đã đưa ra nhiều mô hình kinh tế phù hợp với từng địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Hy vọng dự án sẽ tiếp tục được thực hiện, nhân rộng mô hình ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo.

Ghi nhận những kết quả đạt được từ dự án 600 phó chủ tịch xã, ông Vũ Đăng Minh- Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên ( Bộ Nội vụ) - Giám đốc ban quản lý dự án cam kết sẽ tạo điều kiện cho các đội viên sau khi hoàn thành dự án có công việc ổn định, phù hợp với chuyên ngành đào tạo để các chế độ chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội không bị gián đoạn.

Dự án 600 phó chủ tịch xã của các tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên được triển khai tại 16 huyện thuộc 6 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Kon Tum, Lâm Đồng. Hầu hết các đội viên dự án đều người địa phương, tốt nghiệp trình độ đại học trở lên, độ tuổi từ 1981- 1990. Tỉ lệ trí thức trẻ là người dân tộc thiểu số chiếm 33,58 %.

MỚI - NÓNG