Đốt rơm rạ: Lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường

Đốt rơm rạ: Lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường
Vào mùa vụ, nhiều nông dân vẫn còn thói quen đốt bỏ rơm rạ ngay trên ruộng đồng. Mới đây, do khói đốt rơm rạ che khuất tầm nhìn, nhiều tài xế đã gây ra tai nạn giao thông liên hoàn trên đường cao tốc HCM-Long Thành-Dầu Giây, nhiều người bị thương và hàng loạt ô tô bị hư hỏng nặng.

Các nhà khoa học đã chỉ rõ, rơm rạ là một nguyên liệu đa dụng, không phải là rác thải. Cho nên, đốt rơm rạ vừa lãng phí tài nguyên vừa gây ô nhiễm môi trường….

Rơm rạ: một nguyên vật liệu đa dụng !

Rơm rạ, thân cành lá lúa, là phần thải ra sau khi được tuốt hạt. Phần rơm rạ này chiếm hơn một nửa trọng lượng các cây lương thực như lúa, nếp, lúa mì, lúa mạch…

Thành phần hóa học của rơm rạ tính theo 100 gam trọng lượng khô có: 60 g cellulose, 14 g lignin, 3,4 g đạm, 1,9 g chất béo. Nếu tính theo nguyên tố thì carbon 44%, hydro 5%, oxy 49%, nitơ 0,92%, chất vi lượng như phốt pho, lưu huỳnh, kali...

Ngày trước, nhiều nông dân thường coi rơm rạ là phế phẩm nông nghiệp nên đem đốt bỏ sau vụ thu hoạch lúa. Hiện nay, khoa học nông nghiệp chỉ ra nhiều cách sử dụng rơm rạ có thể thực hiện đại trà nhiều nơi:

* Làm thức ăn cho gia súc, đặc biệt ở những nơi hoặc trong mùa thức ăn hiếm ít. Hiện nay, nhiều nông dân còn biết ủ rơm kỵ khí ngay trên đồng ruộng để có loại rơm chất lượng hơn cho gia súc.

* Trồng nấm rơm: hiện nay đã được canh tác rất phổ biến ở nhiều địa phương trên toàn quốc. Đây là một loại nông sản rất tốt, có giá trị kinh tế khá cao. GS Nguyễn Lân Dũng, một chuyên gia nông nghiệp, có ước tính ra rằng cứ 1 tấn rơm rạ đem đi trồng nấm sẽ thu được 780 kg nấm rơm tươi !

* Vùi rơm rạ vào đất: Đây là cách khá đơn giản, giúp đất trồng có thêm đạm và chất hữu cơ hơn. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, thì rơm chứa hầu hết là chất hữu cơ, nếu vùi vào đất sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất.

Đốt rơm rạ: Lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường ảnh 1  

* Sản xuất phân bón hữu cơ với các công đoạn sau: Cho chế phẩm vi sinh cùng với nước và phân NPK lên rơm, rạ; Phủ nilon và trát bùn kín. Sau 3 tuần rơm rạ mủn ra thành phân bón cho cây trồng. Dùng phân hữu cơ để bón lót, sẽ giảm được 30% lượng phân bón hóa học, và tăng năng suất cây trồng lên 7%. Tập đoàn Biogroup, Việt Nam đã sản xuất thành công chế phẩm sinh học Fito-Biomix RR để xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ, và chuyển giao công nghệ cho một số địa phương như Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Ðịnh, Bạc Liêu...

Theo tính toán của Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sử dụng một tấn phân bón hữu cơ từ rơm, rạ, người nông dân đã tiết kiệm được một lượng phân NPK tương đương gần 500.000 đồng, và tạo ra vòng tuần hoàn khép kín trong sản xuất lúa của nông dân, vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường vừa mang lại lợi ích kinh tế, tăng năng suất và cải tạo đất.

* Sản xuất than sinh khối: Theo TS Mai Văn Trịnh, Phó Viện trưởng Viện Môi trường nông nghiệp, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, rơm rạ được đưa vào lò và nung yếm khí với nhiệt độ 500- 600 độ C dưới áp suất lớn. Các-bon không bị cháy toàn bộ mà ở dạng giữa khoáng và hữu cơ và hơi tỏa ra từ các lò đốt chỉ là hơi nước. Sau một vài giờ, nguồn sinh khối này sẽ chuyển thành than và nông dân có thể dùng bón cho cây trồng. Than sinh học sẽ giúp làm chậm quá trình thoái hóa đất, chống bạc màu, giảm độ chua.

* Sản xuất ethanol. Ethanol là sản phẩm có nhiều ứng dụng trong đời sống và trong công nghiệp.

* Sản xuất giấy: Năm 2008, Vinatech cùng với tập đoàn Taise và Ohhara (Nhật Bản) ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất bột giấy phi gỗ. Dây chuyền này sẽ dùng rơm rạ, bã mía…để sản xuất bột giấy.

* Sản xuất vật liệu xây dựng: bê tông siêu nhẹ, đệm lót vận chuyển hàng hóa dễ vỡ, vận chuyển hoa quả, v.v…

* Sản xuất năng lượng, gồm nhiên liệu sinh khối rắn; nhiên liệu sinh học; than đóng bánh.v.v….

Đốt rơm rạ: Lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường ảnh 2  

Đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường

Khi rơm rạ bị đốt cháy, thành phần C,H,O sẽ biến thành khí CO2, CO và hơi nước; protein bị phân hủy và biến thành các khí NO2, NO3, SO2… và tro sót lại chứa một ít P , K, Ca và Si… .

Theo PSG.TS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, ĐH Bách Khoa Hà Nội, trong các quá trình đốt cháy hở như đun nấu bằng lò than tổ ong.., đốt sinh khối như phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ, giấy, gỗ…, đốt rác thải, sự cố cháy nhà, cháy rừng… là đốt ở nhiệt độ thấp nên cháy hoàn toàn nên sẽ phát sinh ra hàng loạt chất ô nhiễm, trong đó có bụi, CO2, kim loại như chì, thủy ngân, kẽm, asen…Khói sinh ra từ quá trình đốt ngoài trời còn gây khói mù và ảnh hưởng đến tầm nhìn, đặc biệt trên các đoạn đường giao thông.

Theo tính toán của GS Nguyễn Lân Dũng: “Trung bình một hecta lúa cho 10 - 12 tấn rơm rạ. Việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O, và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện. Hơn nữa, khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, làm người ta ho, hắt hơi, lợm giọng, buồn nôn, thở khò khè, hoặc có cảm giác ngạt thở... Đặc biệt, vào những ngày trời ẩm hoặc đứng gió, khói rơm khuếch tán chậm trong không khí còn gây tác hại dài ngày”.

Các nhà khoa học môi trường chỉ ra rằng con người tự gây ô nhiễm bụi không khí qua việc đốt than củi, nhiên liệu hóa thạch, bụi từ các công trình xây dựng, đường phố, đốt rác thải, hút thuốc….đặc biệt do đốt rơm rạ trên cánh đồng vào mùa canh tác. Và những hạt khói bụi nhỏ, bụi nano, từ đốt rơm rạ này có khả năng chui sâu vào ảnh hưởng đến cả nhân tế bào.

Đôi điều bàn luận

Ruộng lúa, đụn rơm đã gắn liền với tình cảm, cuộc sống của nông thôn Việt Nam ta. Vì thói quen và thiếu hiểu biết, nhiều nông dân đã đốt bỏ rơm rạ sau khi thu hoạch lúa, vì cho rằng nhanh gọn, đỡ mất công, tiêu diệt được một số mầm bệnh dịch và cho ít tro than bón lúa đợt sau.

GS Nguyễn Lân Dũng chỉ ra rằng, khi bị đốt thành tro, các chất hữu cơ trong rơm rạ do nhiệt độ cao đều biến thành các chất vô cơ, làm cho đất ruộng bị chai cứng. Hơn nữa, phần tro than sót lại chỉ có chút ít khoáng như phốt pho, kali, canxi và silic...không giúp ích mấy cho cây trồng. Cũng theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, làm đất biến chất, chai cứng hơn. Ngoài ra, khói rơm làm ô nhiễm bụi mịn, gây nguy hại lớn đến môi trường và sức khỏe.

Theo tính toán của các nhà nông học, cứ 1 hecta lúa sẽ cho 6 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ mất khoảng 6 triệu đồng, trong khi cùng khối lượng rơm rạ ấy nếu đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400kg phân hữu cơ. Như vậy, hằng năm với toàn bộ số rơm rạ cả nước là 45 triệu tấn đem xử lý sẽ được 20 triệu tấn phân hữu cơ, giúp người làm nông dân đỡ phải bỏ tiền mua phân hóa học (200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali) gần 11.000 tỷ đồng.

Theo TS Trần Đình Mấn, với khoảng 4 triệu hecta đất trồng lúa, hàng năm lượng rơm rạ thải ra lên tới 76 triệu tấn, nếu chuyển đổi ra năng lương sẽ tương đương với 20 triệu tấn dầu, và đốt bỏ rơm rạ cũng sẽ gây lãng phí nguồn chất hữu cơ có thể sử dụng làm phân bón.

Hiện nay, nhiều địa phương đã cơ khí hóa nông nghiệp: (1) một là Sử dụng máy gặt đập liên hợp, qua đó rơm rạ sẽ được máy cắt nhỏ và rải trộn ngay trên ruộng đồng, sau một thời gian ngắn sẽ mục nát trở thành nguồn phân hữu cơ, (2) hai là Sử dụng máy cuộn để thu hoạch rơm thành từng bó cuộn dễ dàng vận chuyển đến các nhà máy chế biến hay phân phối, tiêu thụ...

Thiết nghĩ, việc sử dụng rơm rạ đúng mục đích như thế này, không chỉ giúp cải tạo đất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.