Cứu sống bệnh nhân ngoạn mục
Bác sĩ Phan Thảo Nguyên, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E) cho biết vừa cấp cứu thành công một trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp nhờ can thiệp sớm và đặt stent động mạch vành kịp thời. Bệnh nhân là anh N.N.L (38 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị nhồi máu cơ tim cấp. Các bác sĩ phòng khám cấp cứu (Bệnh viện E) đã chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh nhân và chuyển thẳng vào Trung tâm Tim mạch trong tình trạng: sốc tim; đau dữ dội vùng ngực trái, nguy cơ ngừng tim, ngừng tuần hoàn… Ngay lập tức, bệnh nhân được hồi sức tích cực và chụp động mạch vành qua da.
Bác sĩ Nguyên nhận định, động mạch vành phải của bệnh nhân tổn thương nhiều và hẹp 99% do huyết khối. Các bác sĩ đã tiến hành hút huyết khối và đặt stent động mạch vành phải cho bệnh nhân. Sau 20 phút can thiệp đặt stent, bệnh nhân hết đau ngực, mạch, huyết áp ổn định, được chuyển về theo dõi tại phòng hồi sức can thiệp và điều trị nội khoa.
Được biết, đây là trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi nhất mắc bệnh nhồi máu cơ tim được cấp cứu và can thiệp kịp thời tại Trung tâm tim mạch. Điều đặc biệt trong ca bệnh này là thời gian từ lúc vào viện đến lúc được can thiệp kịp thời đặt stent động mạch vành trong vòng 60 phút. Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E, việc cấp cứu kịp thời đối với bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim là hết sức quan trọng, đặc biệt với những trường hợp tổn thương động mạch vành bên phải, nếu không được can thiệp sớm thì nguy cơ biến chứng và tử vong rất cao. Với kỹ thuật can thiệp tim mạch của các bác sĩ Trung tâm Tim thuần thục và thường quy nên có thể cứu sống và xử lý thành công trường hợp bị nhồi máu cơ tim.
Trước đó tại Bệnh viện Bạch Mai các bác sĩ đã tiếp nhận nam thanh niên 17 tuổi được chẩn đoán đột quỵ. Bệnh nhân đã được can thiệp kịp thời, thành công bằng thủ thuật bơm keo vá mạch máu não và không để lại di chứng.
Trẻ hóa bệnh nhân đột quỵ
TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê người trẻ, trẻ em bị đột quỵ nhưng tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng. Các yếu tố như cholesterol cao, tăng huyết áp, stress, đái tháo đường là những tác nhân của cuộc sống hiện đại đã góp phần làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Triệu chứng đột quỵ ở những người độ tuổi 20 có thể khác so với người lớn tuổi nên thường bị chẩn đoán nhầm.
Các bác sĩ nhận định, đột quỵ người trẻ xảy ra do xuất huyết não, phần lớn là do vỡ động tĩnh mạch hoặc vỡ phình mạch. Đột quỵ ở người trẻ có xu hướng gia tăng phần lớn do lối sống không lành mạnh như nghiện thuốc lá, rượu bia, sử dụng cần sa, chế độ ăn uống thiếu khoa học...