Đột quỵ : Chết oan vì bỏ qua 'giờ vàng'

TP - Đa số bệnh nhân bị liệt người vĩnh viễn hoặc tử vong vì bỏ qua thời gian vàng trong cấp cứu.
Một bệnh nhân bị đột quỵ liệt nửa người đang được cấp cứu. Ảnh: Lê Nguyễn

Mỗi năm bệnh đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não cướp đi sinh mạng của hơn 4 triệu người trên thế giới. Ở TPHCM mỗi năm cũng có hơn 19.000 người mắc căn bệnh này, trong đó hơn 1.000 trường hợp tử vong. 

“Rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ nhưng người nhà gần như coi đó là một biểu hiện của bệnh khác, như trúng gió chẳng hạn, và mặc sức tự chữa như cạo gió, châm cứu mà bỏ qua việc cấp cứu trong thời gian đầu. Vì vậy nhiều bệnh nhân bị liệt oan, thậm chí tử vong”- GS Lê Văn Thành- Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, cho biết.

Theo ông Thành, khi bệnh nhân bị đột quỵ, nên nhanh chóng đưa họ đi cấp cứu kịp thời để ngăn ngừa những biến chứng như liệt toàn thân, bại não gây ra.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên cho rằng: “Ba giờ đầu tiên khi bệnh nhân ngã bệnh được xem là thời gian vàng vì khi đó các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện”. Trong giai đoạn này, theo bác sĩ Liên cứ một phút trôi đi sẽ có hai triệu tế bào thần kinh chết dần. Sau thời gian ba giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại nên  khó có thể phục hồi.

Giáo sư Lê Văn Thành cũng cho rằng, nghiên cứu trong năm 2009 cho thấy, có khá nhiều bệnh nhân phải chịu liệt nửa người, liệt tứ chi, méo miệng, sống phụ thuộc người thân cả đời do nhập viện trễ.

Bác sĩ Kim Liên thì cho biết tại Khoa Nội Thần kinh của BV Nhân dân 115 trong năm này tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân lâm vào cảnh tương tự do nhập viện trễ và người nhà cứ tưởng bệnh nhân trúng gió nên tự chữa bằng cạo gió, đưa đi châm cứu và mua thuốc cho uống.

Ngày càng trẻ hóa

21 tuổi, sức khỏe bình thường nhưng, sau một đêm ngủ dậy, Nguyễn T. H. ở Hóc Môn, TPHCM bỗng dưng thấy hoa mắt, nửa người bên trái không cử động được, buộc gia đình phải đưa vào BV Thống Nhất TPHCM cấp cứu.

Trường hợp bị tai biến mạch máu não gặp ở người trẻ tuổi như H. cách đây khoảng 10 năm là rất hiếm, nhưng, theo các bác sĩ, số lượng bệnh nhân bị đột quỵ ở lứa tuổi trẻ ngày càng nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Liên- Trưởng khoa Nội Thần kinh- Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết nơi đây cũng vừa tiếp nhận hai trường hợp bị đột quỵ gặp phải ở người mới 20 tuổi.

Ngày 20-1, trong lúc đi vệ sinh, chị Nguyễn Thị A., 20 tuổi ở Gò Vấp bỗng dưng thấy xây xẩm mặt mày rồi tê một nửa người và ngã quỵ. Người nhà phát hiện đưa chị vào BV Nhân dân 115 cấp cứu mà không rõ nguyên nhân. Tại đây các bác sĩ cho biết chị A. bị nhồi máu não bán cầu phải.

Theo bác sĩ Liên, trong ba năm trở lại đây, số bệnh nhân phải nhập viện vì căn bệnh này đang có chiều hướng tăng lên từ 1,7% - 2,5%. Trong đó tỷ lệ nam giới mắc phải cao gấp bốn lần nữ giới.

Nghiêm trọng hơn là độ tuổi bị tai biến mạch máu não đang trẻ hóa dần, từ 40 - 45 tuổi so với 50 - 60 tuổi như trước đây. Đặc biệt có những bệnh nhân mới 20-30 tuổi và tập trung nhiều ở các thành phố lớn.

Theo bác sĩ Liên, nếp sống công nghiệp trong thành phố khiến cho cuộc sống của đa số dân cư thành thị có thay đổi đáng kể nhất là vài năm trở lại đây. Bia, rượu cộng với thức ăn chứa nhiều dầu, mỡ như phô-mai, lòng đỏ trứng, thịt, lạp xường và các chất béo khác được sử dụng quá nhiều chính là một trong những yếu tố dẫn đến nguy cơ bị tai biến mạch máu não. Nguy hiểm hơn là hiện TPHCM có hơn 48.000 người bị đột quỵ phải sống phụ thuộc vào người thân. 

Bác sĩ Thành khuyến cáo: “Hãy gọi điện cho xe cấp cứu ngay khi có dấu hiệu triệu chứng của bệnh như đột ngột yếu, liệt hoặc tê mặt, tay hay chân một bên thân người; đột ngột nhìn không rõ hoặc không nhìn thấy, nhất là ở một mắt; đột ngột nói không được, nói lắp bắp khác thường hoặc đột ngột nhức đầu dữ dội không có nguyên nhân rõ ràng và đột ngột chóng mặt, đi lại loạng choạng hoặc té, nhất là khi có những triệu chứng trên kèm theo”.