Nữ doanh nhân Việt kiều Tan le:

Ðột phá từ điều khiển bằng... ý nghĩ

Tan Le đeo Insight thuyết trình về ứng dụng công nghệ đọc suy nghĩ. Ảnh: ABC News
Tan Le đeo Insight thuyết trình về ứng dụng công nghệ đọc suy nghĩ. Ảnh: ABC News
TP - Nữ doanh nhân Úc gốc Việt Tan Le đang phát triển công nghệ ghi nhận sóng não để “dịch” suy nghĩ của con người, mở ra khả năng tạo bước đột phá trong ứng dụng đời sống.

Thiết bị đọc ý nghĩ mà Tan Le (Lê Thị Thái Tần) và cộng sự đang hoàn thiện là Emotiv Insight, trông phức tạp hơn bộ tai nghe một chút, đơn giản hơn chiếc mũ nhựa một ít. Insight màu trắng, có 4 cái tua mà tận cùng là các bộ cảm biến polymer. Nếu công nghệ “tự theo dõi” của thế giới mấy năm qua được ứng dụng để chế tạo thiết bị đo huyết áp, chu kỳ rụng trứng, nhiệt độ da, nhịp giấc ngủ, lượng muối đưa vào cơ thế, chất lượng không khí... thì nay Tan Le phát triển máy đọc các lệnh phát đi từ não người để thực thi chúng.

Tan Le đã trình diễn những kỹ thuật cho thấy con người có thể dùng suy nghĩ của mình để chơi game (điều khiển nhân vật, di chuyển đồ vật… mà không cần bấm phím), đóng, mở các thiết bị trong ngôi nhà thông minh, viết ra bản nhạc… Các nhà nghiên cứu, công ty ở nhiều nước đã ứng dụng công nghệ, sản phẩm của công ty Emotiv của Tan Le để phát triển các loại thiết bị điều khiển bằng ý nghĩ.

Phát minh thứ chưa từng tồn tại

Tan Le sinh năm 1977, từng được vinh danh là Thanh niên Úc của năm, thành lập doanh nghiệp công nghệ Emotiv ở thành phố San Francisco (Mỹ). Cô đi nhiều nơi trên thế giới, nói chuyện về khả năng ứng dụng công nghệ đọc suy nghĩ con người trong nhiều lĩnh vực đời sống. Tháng 1/2016, Tan Le xuất hiện tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Bài nói chuyện của cô tại hội thảo TED (Công nghệ-Giải trí-Thiết kế) hồi tháng 7/2010 được xem hơn 2 triệu lượt trên mạng. “Ðiều mà chúng tôi đang cố gắng làm là phát minh ra một thứ trước đó chưa từng tồn tại… Ðó là sự mở rộng tự nhiên đối với cách thức chúng ta tương tác với thế giới xung quanh”, cô nói.

“Điều mà chúng tôi đang cố gắng làm là phát minh ra một thứ trước đó chưa từng tồn tại… Đó là sự mở rộng tự nhiên đối với cách thức chúng ta tương tác với thế giới xung quanh”.

             Tan Le

Có lẽ một ngày trong tương lai gần, con người sẽ gắn những bộ cảm biến bé xíu vào thái dương để ra lệnh cho các thiết bị, vật dụng hoạt động như mở cửa, tắt đèn… chỉ bằng cách nghĩ về nó. 

Trong khi đó, những người bị liệt do bệnh về tế bào thần kinh vận động có thể giao tiếp thường xuyên bằng cách thầm nghĩ trong đầu.  

Ðiện não đồ (EEG) đã có mặt trong đời sống gần một thế kỷ. Vào thập niên 20 của thế kỷ trước, chuyên gia tâm thần học người Ðức Hans Berger phát minh ra thiết bị phát hiện hoạt động điện sinh học trong não thông qua các bộ cảm biến gắn trên đầu. Kể từ đó, ngành khoa học thần kinh ngày càng phát triển. Nếu chẩn đoán ai đó bị đột quỵ hoặc mắc chứng động kinh, bác sĩ sẽ bắt họ nằm yên để một thiết bị đầy dây dợ trị giá hàng trăm triệu đồng ghi nhận sóng não. Công ty Emotiv của Tan Le đang giúp cả bác sĩ và người bệnh tiết kiệm thời gian, chi phí bằng cách cung cấp loại thiết bị EEG đời mới nhỏ gọn, không dây với giá cực mềm. Thiết bị EEG đầu tiên của công ty là EPOC, ra mắt công chúng 8 năm trước. Tuy nhiên, nó còn phức tạp, chỉ phù hợp với các nhà nghiên cứu, kỹ thuật viên phòng thí nghiệm.

Ðột phá từ điều khiển bằng... ý nghĩ ảnh 1

Tan Le đeo EPOC – thiết bị cảm nhận nụ cười và nháy mắt của cô, tạo ra nhân vật robot hoạt hình phản ánh trung thực biểu cảm của cô. Ảnh: Albert Chau

“Tai nghe” Insight được thiết kế ở San Francisco, phát triển tại phòng thí nghiệm của Emotiv ở Sydney và sản xuất ở Hà Nội. Tan Le tin rằng, sản phẩm của công ty cô sẽ bán chạy vì giá chỉ có 300 USD (6,7 triệu đồng), giúp người dùng nhận biết mình có bị stress hay không, giúp họ đạt được sự tập trung tối đa… Trong tương lai, việc ghi lại hoạt động điện sinh học trong não sẽ trở thành thói quen hằng ngày. Thiết bị đi kèm phần mềm đo mức độ năng lượng, sự quan tâm, phấn khích, thư giãn và ứng dụng tương tác màu Brain Visualiser (cài trên điện thoại) hiển thị sóng theta, alpha, beta và delta phát ra từ vỏ não thùy đỉnh. Bằng cách ghi nhận chúng khi nghiên cứu những đối tượng đeo thiết bị EEG, Emotiv tạo ra phần mềm độc quyền cho biết người dùng đang bình tĩnh hay phấn khích, đang tập trung hay lơ đãng… 

Huy động vốn từ cộng đồng

Emotiv huy động vốn từ cộng đồng để sản xuất Insight. Chiến dịch gây quỹ Kickstarter được đưa ra hồi tháng 8/2013 và nhanh chóng thành công ngoài mong đợi. Hơn 4.000 người đã góp tổng cộng 1,64 triệu USD để biến ý tưởng đọc ý nghĩ thành hiện thực. Tuy nhiên, sản xuất Insight khó hơn so với EPOC. Sản xuất phần nhựa bảo vệ mạch điện khỏi hiện tượng nhiễu điện là rất tốn kém. Các bộ cảm biến sử dụng một loại polymer chưa được kiểm nghiệm. Khi bộ sản phẩm hoàn thiện ra đời vào tháng 3/2015, đội ngũ 60 người của Emotiv nhận được vô số cuộc gọi, tin nhắn của khách hàng than phiền Insight không hoạt động như ý. Trên trang web Kickstarter, một người miêu tả Insight là “một cái chặn giấy đắt tiền” và đòi Emotiv trả lại tiền. Tan Le thừa nhận công ty của cô đã không chuẩn bị kỹ. 

“Nhưng chúng tôi đang phát triển một công nghệ mang tính thách thức cao. Bạn đang xử lý một tín hiệu điện nhỏ nhoi sâu trong mô, xuyên qua hộp sọ, da đầu nhưng lại vướng tóc. Thật không dễ dàng”, Tan Le phân trần.

Tuổi thơ dữ dội

Ðột phá từ điều khiển bằng... ý nghĩ ảnh 2

Insight - thiết bị đo sóng não mới nhất của Emotiv. Ảnh: The Australian

Tần Lệ ngày nào cũng đeo chiếc Insight của riêng mình. Bằng cách so sánh dữ liệu sóng não của mình với dữ liệu của hàng nghìn người đóng góp cho cơ sở dữ liệu của Emotive, Tấn Lệ phát hiện ra rằng, cô ít bị stress hơn phần lớn những người khác và khả năng tập trung của cô là “vô đối”. Ðiều này đã được chứng minh qua thực tế. Năm 1981, một phụ nữ trẻ tên là Mai Họ rời Sài Gòn cùng với mẹ, anh chị em và hai con gái, trong đó có Tần Lệ. Trong hành trình vượt biển ra nước ngoài, người phụ nữ mang theo chai thuốc độc với ý định cả gia đình sẽ ở cùng nhau mãi mãi, nếu thuyền bị cướp biển tấn công. 

Tại một trại tị nạn ở Malaysia, Mai Hồ thường dẫn hai con gái ra bờ biển ngóng tàu tới. Thỉnh thoảng, Mai Hồ kể chuyện về nàng Tô Thị chờ chồng quá lâu, cuối cùng hóa thành đá. Ba mẹ con được Úc tiếp nhận trước dịp Giáng sinh năm 1981.  

Lớn lên ở Melbourne, Tan Le nhớ rằng mẹ mình gần như ngày nào cũng thức dậy trước bình minh để nhặt rau rồi đi làm tại nhà máy ô tô GM Holden. Nếu xoay xở kịp, mẹ Tan Le đón hai chị em cô ở trường rồi đi học tiếng Anh, tin học, nghệ thuật quản lý, nghệ thuật làm đẹp… Sau bữa tối, cả nhà leo lên một chiếc giường, trò chuyện về những việc trong ngày rồi cùng chìm vào giấc ngủ. Mai Ho thành lập công ty máy tính rồi tiệm làm móng, tích cực hoạt động trong cộng đồng người Việt. Giống mẹ, Tan Le cũng rất tích cực tham gia hoạt động cộng đồng. Năm 16 tuổi, cô học luật tại Ðại học Monash. 

Năm 20 tuổi, cô nhận danh hiệu Thanh niên Úc của năm (năm 1988). “Ðiều đó giúp tôi nhận thấy nhiều khả năng của cuộc sống. Có rất nhiều cách để thành công, vì vậy có nhiều cách để tạo sự khác biệt trong thế giới này”. Tan Le đã được gặp các Thủ tướng Úc Gough Whitlam, Bob Hawke và John Howard, và dần dần vượt qua được nỗi sợ nói trước đám đông.

Theo Tổng hợp từ báo chí Úc
MỚI - NÓNG