Đột phá nào để cứu nông dân? - Bài cuối: Giữ tài nguyên sinh học

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Ngành lúa gạo chuyển từ đáp ứng các “nhu cầu cơ bản” của một nước thu nhập thấp sang trọng tâm đáp ứng nguyện vọng của người sản xuất, sự lựa chọn của người tiêu dùng và tăng khả năng cạnh tranh ngành của quốc gia, có các mục tiêu kinh tế-xã hội rộng lớn hơn. Đó là an ninh lương thực quốc gia, thương mại, ổn định xã hội, phát triển nông thôn và cả bảo vệ môi trường.

Hiện nay, các địa phương đã đăng ký diện tích chuyển đổi lúa sang trồng cây khác. Nhiều nhất là tỉnh Đồng Tháp và TP Cần Thơ, mỗi địa phương đăng ký 14.000 ha; ít cũng 6.000 ha như tỉnh Sóc Trăng. Chỉ có tỉnh Cà Mau không chuyển đổi, vì diện tích lúa ít, diện tích nuôi thủy sản đã lớn nhất nước. Cây ngô, rau và hoa có diện tích chuyển đổi lớn nhất; còn lúa-thủy sản, mè và đậu phộng cũng khá.

CẦN KHOA HỌC DẪN ĐƯỜNG

Ông Hoàng Kim ở thị trấn huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), gần 60 tuổi, có 8 ha ruộng, từ lâu phản đối làm lúa vụ 3 để tăng sản lượng lúa, rất phấn khởi khi có chủ trương chuyển đổi diện tích lúa sang trồng cây khác. Nhưng ông cũng bày tỏ, để chuyển đổi thành công phải có diện tích lớn và được cơ giới hóa để giảm giá thành.

Ông nói: “Muốn trồng được cây màu trên diện tích lớn cả trăm nghìn héc-ta (thí dụ như cây ngô) cần tìm đầu ra, có giống thích hợp với khí hậu Việt Nam, cơ giới hóa toàn bộ việc sản xuất và thu hoạch. Những việc này Nhà nước mới lo được chứ từng nông hộ riêng lẻ thì không có khả năng”.

“Đa dạng sinh học có được ở ĐBSCL là nhờ sự phong phú của các kiểu sinh thái khác nhau hay là tính đa dạng của môi trường. Khi môi trường giữ được tính đa dạng và khỏe mạnh, thì chúng sẽ sản xuất ra rất nhiều thứ, làm nguồn lương thực, thực phẩm và cung cấp môi trường sống trong lành cho con người, không phải chỉ một vài thế hệ mà là xuyên suốt và vĩnh viễn”.

TS Dương Văn Ni

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong cũng nói, phát triển cây ngô là đúng nhưng không phải loại “ngô cạp”. Đó là loại ngô nông dân vẫn trồng để luộc ăn, chất lượng ngon nhưng năng suất thấp.

Hơn nữa, phương pháp canh tác manh mún, lạc hậu, không thể cạnh tranh được với ngô nhập khẩu. Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, đã có một doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản hứa nhập giống ngô năng suất cao của Mỹ về trồng, nếu thành công, Tiền Giang sẽ bỏ lúa xuân hè.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Nguyễn Minh Nhị, cho rằng: “Làm đắt hơn giá thế giới thì cũng không nên, vì cạn kiệt tài nguyên, nhập sướng hơn”. Ông cảnh báo cách làm theo phong trào trước nay, khai thác tài nguyên vô tội vạ, kết quả là chuyện của mình mà mình làm tan nát hết, mình hại mình.

KHÔNG CHỌN LỰA CUỐI CÙNG

Làm ra lúa gạo bán giá thấp hoặc thậm chí không bán được là sự lãng phí tài nguyên và lao động rất lớn. Nhiều rau màu và hoa trái ở ĐBSCL làm ra không bán được, bỏ hư trên ruộng hoặc đem đổ sông.

Nhưng còn có loại tổn thất khác về tài nguyên sinh học ảnh hưởng lâu dài hơn. Chẳng hạn, đắp đê bao để bảo vệ lúa vụ 3 hoặc nhiều loại cây trồng khác trong mùa lũ.

Lão nông Nguyễn Tấn Sinh, 66 tuổi, ở thị trấn Sa Rài (Tân Hồng, Đồng Tháp), có 2 ha lúa trong đê bao cho biết, cứ 3-4 năm, thấy nhiều sâu bệnh thì bà con bảo nhau mở cống đón lũ để vệ sinh đồng ruộng và lấy phù sa, còn nông dân thì nghỉ ngơi mùa lũ năm đó.

Tuy nhiên, một số vùng giữ đê nhiều năm, dẫn tới các công trình xây dựng (cơ sở sản xuất, chuồng trại chăn nuôi, nhà ở…) đã xây trệt, nền thấp mà không còn làm nhà sàn như xưa. Những nơi này, không thể nào xả lũ được nữa, đa dạng sinh học đất ngập lụt đã vĩnh viễn biến mất.

TS Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học vùng ĐBSCL ở Trường Đại học Cần Thơ, nói rằng, đó là sự chọn lựa cuối cùng. Ông cho biết, ĐBSCL đã có nhiều vùng rơi vào tình trạng “chọn lựa cuối cùng” tương tự như thế.

Ông kể về vùng núi đá vôi ven biển ở tỉnh Kiên Giang có hệ động thực vật nước ngọt rất quý hiếm, rộng khoảng 15.000 ha. Cuối thế kỷ trước, một đoàn nhà khoa học nước ngoài đến, đánh giá là “hòn ngọc Viễn Đông”.

Nên không còn chạy theo sản lượng lúa là điều đáng mừng, nhưng chuyển sang các cây trồng khác vẫn rất cần cảnh giác để không bị rơi vào tình thế “chọn lựa cuối cùng”.

“Nguy cơ lớn nhất đã và đang đe dọa đến đa dạng sinh học ở ĐBSCL là việc chuyển đổi các kiểu sinh thái tự nhiên thành đất ở, giao thông, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Trong sự chuyển đổi này, đáng chú ý là hai yếu tố quan trọng góp phần tạo ra tính đa dạng của môi trường là đất và nước đã bị thay đổi hoàn toàn. Vì vậy mà sự đa dạng sinh học cũng bị thay đổi theo”, ông Ni nói.

MỚI - NÓNG