Đột phá chống tham nhũng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tại Phiên họp thứ 22 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: “Có thể nói chưa bao giờ chúng ta xử lý mạnh mẽ, nghiêm minh hành vi tham nhũng, tiêu cực như vừa qua”.

Điển hình là việc xử lý khẩn trương, đồng bộ, dứt điểm cả ba hình thức kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự đối với hai Ủy viên Trung ương là bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, nguyên bộ trưởng KHCN - Chủ tịch UBNDTP Hà Nội Chu Ngọc Anh trong vụ Việt Á. Cũng liên quan công tác chống dịch COVID-19, UBKT T.Ư kết luận Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương có vi phạm “đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật”.

Hàng loạt vụ việc liên quan một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước có sai phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; vụ việc tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và một số cơ quan, doanh nghiệp; vụ án “Thao túng thị trường Chứng khoán” tại Tập đoàn FLC; vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh… đều đã được xử lý khẩn trương, quyết liệt. Đây chính là bước tiến mới trong kiểm soát quyền lực nhà nước; thể hiện nhất quán quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”.

Về mặt thể chế, từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mới nhất là Quy định số 69-QĐ/TW ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Hướng dẫn số 25-HD/TW ngày 1/8/2022 của Ban Chỉ đạo hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực đã hình thành cơ chế đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, chặt chẽ, tạo bước đột phá mới ngay chính trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực.

Thanh gươm sắc phải được trao đúng người, dùng vào đúng việc, đúng thời điểm và thanh gươm đó phải được kiểm soát thật tốt. Cũng như quyền lực phải minh bạch, có cơ chế kiểm tra, giám sát thì quyền lực mới phát huy được sức mạnh, tạo kết quả tích cực, không bị tha hóa. Vì vậy, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Cần khẩn trương trình Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, xây dựng pháp luật, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và trong hoạt động báo chí, truyền thông.

Trong bối cảnh hiện nay, cùng với kiểm tra, giám sát, siết kỷ cương, kỷ luật của Đảng, cần tăng cường giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, trước hết là gương mẫu về đạo đức, nói đi đôi với làm.

Những biểu hiện của lối sống xa hoa, xa lạ, phản cảm, cách biệt với quần chúng như cựu giám đốc CDC Quảng Ninh cần phải bị lên án, xử nghiêm trước hết bằng quy định của Đảng. Mặt khác, cương quyết không để lọt vào bộ máy phòng chống tham nhũng, tiêu cực những cá nhân tay đã nhúng chàm, đang dính án kỷ luật của Đảng khiến dư luận bức xúc. Có như vậy, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mới thực sự đem lại kết quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Cách mạng trong giai đoạn mới.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, không thể thiếu vai trò của báo chí, truyền thông. Đúng như Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Báo chí không chỉ tuyên truyền, giáo dục, mà còn tích cực đấu tranh, góp phần răn đe, ngăn chặn những hành vi tham nhũng, tiêu cực”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.