'Doping' để dấn thân

0:00 / 0:00
0:00
Phó Tổng biên tập Lê Minh Toản và phóng viên Dương Hưng làm việc với Công an tỉnh Bắc Ninh về vụ việc
Phó Tổng biên tập Lê Minh Toản và phóng viên Dương Hưng làm việc với Công an tỉnh Bắc Ninh về vụ việc
TP - Sau mỗi lần được nhập vai đi tìm sự thật, dù đối mặt với những áp lực, căng thẳng, những phóng viên trẻ như chúng tôi lại có thêm nhiều trải nghiệm mới và bài học đáng quý. Đặc biệt, khi bài viết nhận được sự ủng hộ của bạn đọc hay sự thay đổi tích cực của vấn đề phản ánh, chúng tôi như tiếp thêm “doping”, kích thích động lực dấn thân vì nghề.

Niềm tin của người dân

Đầu năm 2019, tôi nhận được thông tin phản ánh từ người dân khi làm thủ tục tại phòng xuất nhập cảnh bị thu phí gấp 10 lần so với quy định. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy hiện tượng này xảy ra tại rất nhiều tỉnh, thành. Nhưng, để thực hiện đề tài không đơn giản bởi khi các cán bộ bị phản ánh ấy là chiến sĩ công an.

Chúng tôi buộc phải tìm cách tiếp cận khác nhau, khi trở thành người thân của những người đi làm thủ tục, khi xuất hiện bất ngờ như từ dưới đất chui lên để bắt được khoảnh khắc đắt giá, khi theo chân “cò mồi” học nghề để vào được trong các căn phòng bí mật…Cứ thế, ròng rã 2 tháng trời chúng tôi ghi lại các cảnh ngã giá tại các phòng xuất nhập cảnh của Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh...

Sau khi bài đăng tải, Bộ Công an đã vào cuộc. Để có căn cứ xử lý những cán bộ vi phạm, công an các tỉnh cần sự hợp tác từ người dân có mặt trong clip. Họ triệu tập người dân để củng cố hồ sơ. Song khi nhận được thông báo, một số người lo ngại ảnh hưởng đến công việc nên yêu cầu tôi phải gỡ hình ảnh họ bị vòi vĩnh trong clip xuống (dù trước đó sau khi tác nghiệp xong, tôi đã xin phép và nhận được sự đồng ý).

'Doping' để dấn thân ảnh 1

Sau phản ánh của bài báo, cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm

Khoảnh khắc đó khá áp lực. Nếu không có những hình ảnh, clip như vậy sẽ rất khó cho phóng viên. Rất có thể, các chứng cứ không đủ thuyết phục.

Với nghề báo, không chỉ cho những người trẻ như chúng tôi được học hỏi, được trải nghiệm, mà còn được nêu chính kiến thông qua các bài viết. Tôi luôn tự nhủ, nếu có cơ hội hãy bày tỏ, hãy lên tiếng khi có thể.

Suốt gần 1 tuần, những cuộc gọi cháy máy tỏ ra lo lắng từ người dân, liệu có chuyện gì không? Lúc đó, để trấn an mọi người, tôi về tận các gia đình ở Bắc Ninh, Hải Dương… thuyết phục người dân ủng hộ bài báo. “Chỉ cần nói đúng như những gì đã diễn ra, mình không ngại gì hết”.

Có người chưa yên tâm, vài lần liền xuống tòa soạn. Trưởng ban Kinh tế - Xã hội Phạm Đình Thắng ra động viên: “Đó là câu chuyện thực tế. Nếu không lên tiếng, không chỉ anh, mà còn rất nhiều người khác cũng đang phải chịu như thế”. Rất may, sau đó chúng tôi tiếp tục nhận được sự tin tưởng từ người dân.

Khi đó, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang là Thiếu tướng Tô Ân Xô (nay là Chánh văn phòng Bộ Công an) hay Đại tá Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh (nay là Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu)…đều chỉ đạo rất quyết liệt. Kết quả, 14 cán bộ bị kỷ luật, điều chuyển công tác.

Đặc ân được lên tiếng

Phía sau những bài báo phản ánh về sự thật là số phận của một cá nhân, một doanh nghiệp, tổ chức. Tôi từng rất trăn trở khi một cán bộ trẻ trạc tuổi mình bị kỷ luật sau bài báo. Họ không chỉ ảnh hưởng về công việc, mà còn chịu áp lực tinh thần từ dư luận. Không ít lần, tôi mong giá như điều đó đừng xảy ra.

Sau những xôn xao của bài viết, điều mong mỏi của những người làm điều tra là sự vào cuộc của cơ quan chức năng và sự thay đổi tích cực của vấn đề phản ánh.

Tôi còn nhớ khoảnh khắc vui sướng của hàng chục lao động nhận được số tiền của chính họ đi đòi ròng rã 2 năm, như thể vừa “trúng số” độc đắc, thông qua bài viết sau 2 ngày đăng tải. Đó là câu chuyện các thanh niên trẻ từ các tỉnh lẻ mong muốn đi lao động ở nước ngoài để đổi đời nhưng bị các công ty môi giới giữ tiền. Các công ty lập thành một liên minh chằng chịt “thay họ, đổi tên” khiến những lao động bất lực không biết đòi tiền ở đâu, với ai.

Mới đây khi thực hiện xong loạt bài “Ma trận đa cấp gọi vốn 4.0”, tôi mới sững sờ nhận được tin từ một người thân của tôi, phải bán nhà vì dính vào mạng lưới đa cấp; không ít bà con ở trong làng, trong xóm cũng mất tiền bạc vì trò lừa đảo.

MỚI - NÓNG