Đồng vọng từ miền Châu thổ

TP - Chưa bao giờ như lúc này, Chính phủ-nhà khoa học và cộng đồng doanh nhân lại có sự thấu hiểu và quyết tâm cao trong việc đưa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vượt qua những thách thức do thiên tai và cả nhân tai gây ra. Cũng chưa bao giờ vai trò của doanh nghiệp lại được đề cao trong việc thực hiện sứ mệnh đảm bảo an sinh, xã hội cho người dân ở vùng đất vốn rất nhạy cảm như lúc này. Đó là sự đồng vọng, là tín hiệu lạc quan từ miền Châu thổ.

Sản xuất tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu. Ảnh: Tiến Hưng.

“Cưỡi” mặn

“Hội nghị Diên hồng” về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra tại Cần Thơ cuối tháng 9 vừa qua với những dự báo khá ảm đạm về tương lai của ĐBSCL trước những tác động của BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng sâu rộng ở các vùng đất ven biển. Tuy nhiên, ông Lê Văn Quang-Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã đem đến những niềm hy vọng mới bằng việc giới thiệu những mô hình nuôi tôm dọc bờ biển mà tập đoàn này đang triển khai. Người đứng đầu tập đoàn nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam cho biết, đối với vùng nuôi tôm từ bờ biển trở vào 1 km: nuôi tôm dưới tán rừng. Cụ thể là nuôi tôm sú quảng canh mật độ 10-15 con/m2. Từ bờ biển trở vào đến 3 km: nuôi tôm quảng canh cải tiến, rừng 30%, nước 70%, mật độ 15-30con/m2. Từ 3 km vào nuôi theo mô hình nước sạch, thức ăn sạch 4-5 vụ/năm. Trong đó nữa là mô hình nước lợ và nước ngọt. Ông cho rằng, việc triển khai nuôi tôm theo các mô hình kể trên của Minh Phú không chỉ thích hợp với thực trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn ngày càng sâu, đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu tôm sạch cho thị trường trong và ngoài nước mà còn đem lại doanh thu cao, từ 1 tỷ- đến trên 2 tỷ đồng/năm/ha mặt nước. Lợi nhuận cũng theo đó tăng cao. Ngay sau khi nghe ông Quang trình bày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thốt lên: “Mô hình rất cụ thể và hiệu quả!”.

Không riêng ông Quang, không ít doanh nhân đã tìm tòi các giải pháp, mô hình sản xuất thích ứng mới trong điều kiện triều cường, xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng, đồng thời tiến tới sản xuất an toàn, công nghệ sạch trên chính vùng đất ĐBSCL. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, tư duy cố sống cố chết với cây lúa trước đây hiện không còn thích hợp với điều kiện hiện nay. Ở các vùng ven biển, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nhiều thì cần phải bỏ cây lúa để chuyển sang các cây con khác vừa thích hợp vừa đem lại hiệu quả cao. Trong đó, con tôm là lựa chọn khôn ngoan. Các loại cây trồng chịu được hạn, mặn như dừa, lúa mạch... cũng là sự lựa chọn rất thích hợp. “Một thực tế đau đớn rằng, phần lớn, với hàng triệu hộ gia đình trồng lúa truyền thống ở ĐBSCL đều không khá lên được” - vị giáo sư cả đời tâm huyết với ĐBSCL nói. Trong giờ nghỉ giữa hai phiên họp của “Hội nghị Diên hồng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ và trò chuyện chớp nhoáng với GS Xuân và bày tỏ sự tâm đắc với quan điểm của vị giáo sư nông học này. “Thủ tướng bảo: Tôi sẽ nghiên cứu kỹ về quan điểm của anh” - GS Xuân thuật lại với người viết.

Giảm lúa, tăng thủy sản và cây ăn trái là mong muốn của người đứng đầu Chính phủ. Chính phủ kỳ vọng ĐBSCL là thủ phủ, là công xưởng tôm của thế giới, đưa con tôm lên vị trí hàng đầu trong danh mục các ngành chế biến, xuất khẩu nông-thủy sản trong nước. Các doanh nghiệp nuôi tôm ở ĐBSCL cùng mang một tham vọng lớn trong việc nâng kim ngạch 10 tỷ USD vào năm 2025. “Để nâng tầm tôm Việt xuất khẩu từ 4 tỷ USD (năm 2015) lên 10 tỷ USD vào năm 2025, phải chuyển từ cạnh tranh tôm giá rẻ sang tôm chất lượng”- ông Tony Đặng Quốc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Thủy sản Việt - Úc chia sẻ. Theo ông Tuấn, để đạt được điều đó, cần phải đẩy mạnh việc ứng dụng, đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Đó cũng là cách các nhà sản xuất tôm hàng đầu ở ĐBSCL đang hướng đến. Ông nhấn mạnh về vai trò “con sếu đầu đàn” của các doanh nghiệp lớn trong việc dẫn dắt, lan tỏa ra cộng đồng việc ứng dụng các giải pháp công nghệ.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Tập đoàn Minh Phú. Ảnh: Nguyệt Nga.

Nông nghiệp sạch

“Lương thực không phải là chống đói mà lương thực phải là dinh dưỡng, phòng bệnh và chữa bệnh với những thương hiệu nổi tiếng. Vì vậy ĐBSCL phải có thương hiệu nông sản nổi tiếng”-Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ. Không ít doanh nhân cũng đã ý thức và hành động như mong muốn của Thủ tướng. Từ nhiều năm trước, ông Võ Minh Khải-Giám đốc Cty CP Thương mại-Xuất khẩu Viễn Phú đã về tận U Minh Hạ (Cà Mau) khai hoang để trồng lúa và những chuỗi sản phẩm hữu cơ (Organic). Nông trại Viễn Phú Green Farm của ông Khải hiện rộng gần 320 ha với hệ thống kênh mương thủy lợi khép kín và trồng lúa Hoa sữa (200 ha), nuôi cá và trồng rau quả… Ông cũng xây dựng nhà máy xay xát lúa gạo riêng với công nghệ cao. Vì vậy, tất cả những sản phẩm của nông trại được sản xuất theo qui trình khép kín từ khâu nuôi trồng đến chế biến để cho ra những chuỗi sản phẩm sạch, chất lượng cao. Riêng sản phẩm gạo Hoa sữa với hơn chục loại đều có giá trị dinh dưỡng rất cao, hàm lượng đạm từ 10% đến 12% với 16 loại axit amino, lisine cao gấp 3-4 lần gạo thường và rất nhiều vitamin B1, B2, phosphor, kẽm, sắt và vi chất khác.

Tinh thần sản xuất nông sản sạch, sản phẩm hữu cơ được lan truyền và ngấm vào cả những bạn trẻ khởi nghiệp. Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc công ty Vinamit, doanh nghiệp chuyên sấy khô các sản phẩm nông sản hàng đầu Việt Nam và cũng là doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất sản phẩm Organic, cho biết sản phẩm hữu cơ đang là xu hướng chung của thế giới và có rất nhiều tiềm năng. Trong bối cảnh đó, ông rất lấy làm mừng, và cả ngạc nhiên khi nhiều bạn trẻ ở khu vực ĐBSCL đã quan tâm đến sản phẩm hữu cơ. Chàng trai Võ Văn Tiếng (ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) là một trong số đó. Từ một người vác ba lô đi lang thang, Tiếng quyết định “dừng bước giang hồ” để trồng lúa sạch. “Tôi muốn tạo ra hạt gạo sạch, an toàn, có lợi sức khỏe cho người tiêu dùng” - Tiếng nói. Sản phẩm gạo sạch Tâm Việt của anh được ra đời từ khát vọng đó. Từ 2 ha ban đầu (năm 2015), đến nay anh đã phát triển lên trên 40 ha trồng lúa sạch. Gạo sạch Tâm Việt làm ra tới đâu được tiêu thụ đến đó.

“Tầm nhìn mới về phát triển ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, mà là nền kinh tế thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Phải xây dựng ĐBSCL từ vùng trũng của giáo dục và khoa học công nghệ thành thung lũng của sáng tạo từ nền nông nghiệp đa chức năng, ứng dụng mạnh công nghệ cao”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Gạo Hoa Sữa của Viễn Phú Green Farm được tổ chức Quốc tế Control Union (Hà Lan) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn gạo hữu cơ, an toàn tuyệt đối, có lợi cho sức khoẻ. Sản phẩm gạo Hoa Sữa với thương hiệu Hoasuafood đã được xuất sang thị trường nhiều nước khó tính như Anh, Canada, Nga…