Tại các nước châu Á, đông trùng hạ thảo được coi là thần dược. Dù khoa học phương Tây chưa chứng minh, người dân vẫn tin loại "thuốc" này chữa được mọi chứng bệnh, từ suy giảm khả năng tình dục đến ung thư. Người ta đun đông trùng hạ thảo trong nước để pha trà hoặc cho vào món canh, món hầm.
Do công dụng "thần kỳ" và khó khai thác, đông trùng hạ thảo vô cùng đắt đỏ. "Đây là một trong những sản phẩm sinh học giá trị nhất thế giới, đem đến nguồn thu đáng kể cho hàng trăm nghìn người thu hoạch", nhóm nhà khoa học Đại học Stanford viết trên tờ Proceedings of the National Academy of Sciences.
Những năm gần đây, số lượng đông trùng hạ thảo ít đi đáng kể khiến giá cả càng leo thang. Ở Bắc Kinh (Trung Quốc), đông trùng hạ thảo đắt gấp ba lần vàng, SCMP đưa tin.
Để tìm hiểu nguyên nhân khan hiếm đông trùng hạ thảo, các nhà khoa học Đại học Stanford đã khảo sát 40 người làm nghề thu hái và buôn bán món hàng này. Họ đồng thời kiểm tra các công trình khoa học đã được công bố, bao gồm bài phỏng vấn hơn 800 người ở Nepal, Bhutan, Ấn Độ và Trung Quốc. Các yếu tố thời tiết, địa lý và điều kiện môi trường cũng được phân tích.
"Sử dụng dữ liệu của hai thập kỷ và bốn quốc gia, chúng tôi nhận thấy số lượng đông trùng hạ thảo giảm mạnh. Bên cạnh việc khai thác quá mức, biến đổi khí hậu cũng là một nguyên nhân", các tác giả cho biết.
Đông trùng hạ thảo chỉ xuất hiện ở độ cao trên 3.500 mét so với mặt nước biển và hình thành khi các loại nấm ký sinh trên ấu trùng bướm dần giết chết vật chủ. Để phát triển, đông trùng hạ thảo cần môi trường lạnh song mặt đất không bị đóng băng vĩnh viễn.
"Nhiệt độ mùa đông ấm lên đáng kể từ năm 1979 đến 2013 khiến đông trùng hạ thảo bị ảnh hưởng", nhóm nghiên cứu Đại học Stanford lý giải. Trong số 4 quốc gia Nepal, Bhutan, Ấn Độ và Trung Quốc quanh dãy Himalaya, Bhutan có khí hậu ấm lên nhiều nhất với nhiệt độ trung bình mùa đông tăng từ 3,5 đến 4 độ.
Bên cạnh đó, đông trùng hạ thảo không tự di chuyển lên vùng núi cao để đối phó với sự thay đổi khí hậu nên càng bị suy giảm về số lượng.
Trước nguy cơ đông trùng hạ thảo tuyệt chủng, các nhà khoa học khuyến cáo con người nên chuyển sang sử dụng các loại thảo dược khác. Ngoài tác động đến môi trường, đông trùng hạ thảo khan hiếm còn gây ra khó khăn về mặt kinh tế và mâu thuẫn giữa những cá nhân sống nhờ nghề thu hái. Năm 2011, 19 người Nepal bị kết án do giết hại một nhóm nông dân trong lúc tranh chấp đông trùng hạ thảo.