Dòng tranh Hàng Trống của Thủ đô chỉ còn 1 nghệ nhân

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong, hiện nay, đội ngũ trí thức nghiên cứu về các ngành khoa học xã hội nhân văn, khoa học chính trị đang thiếu hụt nghiêm trọng. “Nếu không quan tâm vấn đề này, sẽ rất khó trong gìn giữ, phát triển văn hoá truyền thống, bảo tồn các giá trị lịch sử”, ông Phong nói,

Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 27 ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” vừa tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả 15 năm thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đinh Thị Lan Duyên cho biết, Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch, quyết định thực hiện Nghị quyết 27.

Dòng tranh Hàng Trống của Thủ đô chỉ còn 1 nghệ nhân ảnh 1

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Ảnh: PV

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó chính sách thu hút trí thức có trình độ cao chưa hấp dẫn; chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển đội ngũ trí thức trong các doanh nghiệp. Cùng với đó, ở một số ngành xảy ra tình trạng chảy máu chất xám. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức và trách nhiệm đối với đội ngũ trí thức chưa đầy đủ, sâu sắc…

Tại hội nghị, một số ý kiến của đoàn khảo sát đề nghị Hà Nội nêu thêm một số vấn đề như: tình trạng trí thức rời bỏ khu vực nhà nước; định hướng phát triển các trung tâm đào tạo, đại học mang đẳng cấp quốc tế; kinh nghiệm, chính sách thu hút, hỗ trợ nhân tài, trí thức để xây dựng Thủ đô.

Đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của Hà Nội đã báo cáo thêm về khó khăn, vướng mắc trong thu hút các tác giả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học; chuyển giao công trình nghiên cứu vào thực tiễn; thị trường khoa học công nghệ.

Cũng có ý kiến nêu, nhiều trí thức, người trẻ có trình độ, năng lực cao, khi về nước cần được bổ sung thêm về nhận thức chính trị để đồng hành cùng đất nước, dân tộc. Cũng có hiện tượng “vật chất hoá” trong đội ngũ trí thức; cần khơi dậy được sự liêm chính, tính tự giác, tự trọng trong nghiên cứu khoa học...

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, hiện nay, đội ngũ trí thức nghiên cứu về các ngành khoa học xã hội nhân văn, khoa học chính trị đang thiếu hụt nghiêm trọng.

“Nếu không quan tâm vấn đề này, sẽ rất khó trong gìn giữ, phát triển văn hoá truyền thống, bảo tồn các giá trị lịch sử”, ông Phong nói, đồng thời ví dụ, như dòng tranh Hàng Trống của Thủ đô, có lịch sử rất lâu đời, nhưng hiện chỉ còn 1 nghệ nhân. Nhiều giá trị lịch sử, truyền thống hiện cũng có khả năng bị mai một.

Theo ông Phong, nguyên nhân dẫn đến một số tồn tại, hạn chế là do thể chế liên quan lĩnh vực này chậm và không đồng bộ. Thành phố đề xuất nên mạnh dạn giao cho một số địa phương có điều kiện thí điểm một số chính sách thu hút đội ngũ trí thức, chuyên gia trong và ngoài nước. Cùng với đó, cơ chế vận hành cũng phải linh hoạt, đổi mới.

“Nghị quyết mới cần có thời lượng thích đáng quan tâm về giải pháp với lực lượng trí thức trẻ hiện nay. Họ sinh vào những năm 1990, 2000, cách tiếp cận vấn đề, năng lực, cách nhìn nhận khác hẳn với thế hệ trước. Họ cũng ít lựa chọn khoa học công nghệ, khoa học nhân văn, văn hoá, nghệ thuật”, ông Phong nói, đồng thời cho rằng, đây là vấn đề đáng lo, bởi tính văn hoá, dân tộc bị ảnh hưởng rất nhiều nếu không được chú trọng.

MỚI - NÓNG