Đồng tiền bát gạo của dân, không thể buông lỏng

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc. Ảnh: Như Ý
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc. Ảnh: Như Ý
TP - Cơ quan thẩm tra và nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng lên 35.000 tỷ đồng là chưa đủ căn cứ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, đồng tiền bát gạo của dân, không thể buông lỏng.

Mở rộng “dự án khẩn cấp”- bất hợp lý

Ngày 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, tiếp thu ý kiến các cơ quan, ông Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công lên 35.000 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh tiêu chí dự án nhóm A không phân biệt tổng mức đầu tư theo hướng không quy định đối với dự án thuộc địa bàn di tích quốc gia đặc biệt, sửa đổi, bổ sung tiêu chí về mức độ “tuyệt mật” đối với dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh, các dự án nhóm A, B, C...

Liên quan đến đề xuất điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư dự án quan trọng quốc gia, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, tờ trình của Chính phủ mới chỉ nêu mức này tương đương 0,6% GDP mà chưa đưa ra cơ sở điều chỉnh, đánh giá tác động. Thường trực Ủy ban cho rằng, việc sửa đổi này là chưa đủ căn cứ.

Theo cơ quan thẩm tra, quy định hiện hành về xác định mức vốn của dự án quan trọng quốc gia là từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã được tính toán, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, với khả năng cân đối nguồn vốn của ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, số dự án có tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công thời gian qua là rất ít, việc triển khai quy định này không phát sinh vướng mắc về mức trần vốn của dự án. Mặt khác, việc quy định mức điều chỉnh lên 3,5 lần là khá lớn so với số vốn đầu tư hàng năm của ngân sách nhà nước (khoảng 10%).

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hải, đối với quy định “dự án đầu tư công khẩn cấp”, đã được mở quá rộng phạm vi so với luật hiện hành. Thường trực Ủy ban cho rằng, việc mở rộng phạm vi “dự án khẩn cấp” là không hợp lý, có thể dẫn đến tình trạng một số dự án không thực sự khẩn cấp sẽ được coi là khẩn cấp và được áp dụng quy trình phê duyệt đặc biệt theo hướng rút gọn, không bảo đảm yêu cầu quản lý, dẫn đến lách luật, không kiểm soát được hiệu quả đầu tư… Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị giữ nguyên như quy định của luật hiện hành.

Nhiều dự án vẫn chậm

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Luật Đầu tư công có khó khăn, nhưng bất cập trong luật chỉ là một phần, còn phần nhiều hơn do tổ chức thực hiện luật chưa nghiêm. “Luật Đầu tư công ra đời đưa ra các quy định rất hợp lý. Vài năm qua đã khắc phục được việc ghi tên công trình rất nhiều nhưng không có vốn, từng địa phương cứ chạy cho được cái tên chứ không biết vốn ở đâu. Luật Đầu tư công khắc phục được việc này bằng quy định, chỉ khi xác định được nguồn vốn mới được ghi tên công trình, cái này rất tiến bộ và phù hợp xu hướng của thế giới”, bà Ngân lý giải.

Chủ tịch Quốc hội đồng ý chủ trương, cái gì cứng nhắc thì rà lại, cái gì thiếu, chưa đồng bộ thì sửa đổi. Còn những gì không phải do luật mà do công tác điều hành thì không sửa. “Từ lúc Quốc hội ban hành công bố quyết định đầu tư đường cao tốc, sân bay Long Thành, sau 8 tháng chưa giao vốn, Chính phủ chưa giao vốn. Giờ sắp hết năm 2018 rồi, đường cao tốc vừa rồi mới mở ra đấu thầu, tôi e rằng lời hứa của Bộ trưởng Bộ GTVT trước cử tri, trước Quốc hội là đến cuối nhiệm kỳ này sẽ thông tới chỗ này, thông tới chỗ kia, thì tính khả thi là có vấn đề…”, bà Ngân cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình tỏ ra băn khoăn vì từ khi có Luật Đầu tư công, hình như việc triển khai các dự án có chậm lại. Dự án ODA chậm, các dự án trong nước cũng chậm, từ sân bay Long Thành đến đường cao tốc và các dự án ở địa phương đều triển khai chậm. Theo ông Bình, nên sửa luật theo hướng, Quốc hội duyệt chủ trương, khoán vấn đề triển khai về cho Chính phủ và các địa phương, sau đó đánh giá hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, luật mới áp dụng được 3 năm, giờ sửa có khi phá vỡ toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn đã đề ra. Vì thế phải rà soát lại để đảm bảo sự thống nhất của luật này với hệ thống pháp luật. Nguyên tắc ngân sách phải được quản lý giám sát chặt chẽ. Đây là đồng tiền bát gạo của dân nên không thể buông lỏng. Thủ tục tránh rườm rà nhưng không buông lỏng.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.