Đề án không tổ chức HĐND quận, huyện, phường:

Đồng thuận chủ trương, băn khoăn cách thức thực hiện

Đồng thuận chủ trương, băn khoăn cách thức thực hiện
TP- Sáng qua (4/11), Quốc hội thảo luận tại tổ về đề án thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và nhân dân trực tiếp bầu chủ tịch xã. Hầu hết đại biểu Quốc hội tán thành với chủ trương này, tuy nhiên ý kiến băn khoăn cũng không ít.

“Đồng tình về chủ trương, nhưng cách thức tiến hành thế nào thì là điều chúng ta cần bàn tới” – Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu. Bà Ngọc nói, không thể đem mô hình nước này áp dụng vào nước kia, mỗi nước có đặc thù khác nhau.

Theo ĐB Ngọc, lý do bỏ HĐND nêu trong tờ trình chưa có sức thuyết phục: “Nếu để tinh giản biên chế, thì bộ máy của HĐND rất ít, hầu hết là kiêm nhiệm; nói hiệu lực không cao, tôi thấy vừa qua hoạt động, giám sát rất tốt.

Một lý do nữa, cho là chồng chéo, nhưng nguyên nhân chồng chéo là do quy định của chúng ta. Vì vậy, Bộ Nội vụ cần nghiên cứu lại, đánh giá lại xem nó không hiệu quả ở chỗ nào”.

Đại biểu Ngọc nói thêm, nếu quyết làm, phải sửa hiến pháp trước, người dân nói rằng Quốc hội phải tuân theo luật, làm trước sẽ là vi hiến. “Tôi không thể tưởng tượng tới đây, khi khoảng 200 trong số hơn 500 xã của Hà Nội không còn HĐND, thì HĐND thành phố sẽ lãnh đạo thế nào? Các Ủy ban hành chính cũng không thể thay mặt dân để quyết định, giám sát. Bao nhiêu vấn đề liên quan tới bộ máy, tới hàng triệu người dân. Đấy chính là những tâm tư của dân”- Bà Ngọc lo lắng.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục Thanh thiếu niên & Nhi đồng Đào Trọng Thi tranh luận: “Không cần phải sửa Hiến pháp bởi đây là thí điểm, nếu có thành công thì mới sửa, không thành công thì sửa lại sai. Vì vậy, xử lý như tờ trình là hợp lý”.

Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đại biểu Nguyễn Viết Thịnh đồng tình: “Cần đánh giá lại vai trò của HĐND cấp huyện, trong đánh giá có gì chưa ổn, nhất là đánh giá về vai trò phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh kiến nghị: “Song song với việc thí điểm, chúng ta cũng cần phải đánh giá bài bản mô hình hoạt động của HĐND sau 20 năm hoạt động, theo Luật tổ chức HĐND các cấp, kể từ năm 1989”. Bà Thanh đề nghị ấn định thời gian thí điểm là bao lâu và lo ngại “phạm vi thí điểm rộng quá, nên chăng mỗi vùng miền chỉ cần một đại diện”.

Cần thận trọng

Đại biểu Đào Trọng Thi và một số đại biểu đề nghị, nên thí điểm nhiều nội dung khác nhau để có thể lựa chọn, có thể thí điểm cả với cấp thành phố (thuộc tỉnh) và với thị xã.

“Cần quan niệm lại về thí điểm, trước nay thí điểm thường là làm thật sau đó không tổng kết gì, cứ thế áp dụng đại trà, nay cần phải hiểu thí điểm là làm thử, sau đó phải tổng kết lại rồi mới quyết định”- Ông Thi nói.

Về thí điểm nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND xã, đại biểu Nguyễn Thị Tuyến (Hà Nội) lo ngại về tiêu chuẩn ứng viên chủ tịch xã có thể dẫn đến tình huống hết sức phức tạp, “có chuyện co kéo dòng họ, người thân quen, làm mất ổn định sau này”.

Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Tân đề xuất: “Bầu chủ tịch xã chỉ thực hiện tốt khi chuẩn bị tốt. Trong số 385 xã nếu thí điểm, nếu chỉ chọn xã vững, khá, khi tổng kết thì tốt, đến khi bầu đồng loạt sẽ hỏng hết, giải quyết hậu quả sẽ khó khăn lắm, cho nên cần chọn cả những xã khó khăn”.

Một số đại biểu đề nghị làm rõ cơ chế bãi nhiệm, bãi miễn chủ tịch xã do dân bầu, khi không hoàn thành nhiệm vụ.

Cần có chế tài trong việc sử dụng vốn vay

“Nên có quy định cụ thể việc công khai các khoản vay nợ công vào Dự thảo luật” – Bà Ngô Thị Doãn Thanh (Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội) phát biểu thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật quản lý nợ khu vực công, chiều qua (4/11).

Đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) cho rằng, không để các địa phương đi vay tràn lan, rồi thế hệ con cháu mai sau phải gánh nợ. Ngoài ra, phải có chế tài đủ mạnh trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn vay. “Vay rồi sử dụng không đúng mục đích, không sử dụng, hoặc vay từ dự án này sử dụng cho dự án khác không hiệu quả. Có khi vì tình cảm cá nhân, địa phương này được vay nhiều, địa phương kia được ít, rồi sử dụng thế nào, những vấn đề này cần có chế tài”- Đại biểu Kiệt đề nghị.

Cũng trong chiều qua, Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đọc Tờ trình về Dự án Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Nghe Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Son đọc báo cáo Thẩm tra dự án luật này. Dự thảo Luật này sẽ được đưa ra thảo luận vào cuối tuần này. Ng. Tuấn

MỚI - NÓNG