Thông tin trên được ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, cho biết ngày 25/11, tại hội thảo hỗ trợ kỹ thuật và xúc tiến đầu tư tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh này.
Theo ông Hùng, tháng 10 Đồng Tháp ký bản ghi nhớ, phối hợp thực hiện dự án “san bằng” trên với Tập đoàn Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (KRC) của Hàn Quốc. Việc thiết kế lại đồng ruộng tạo thuận tiện cho thủy lợi, cơ giới hóa.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, dự án trên là sự kết hợp giữa nguồn ODA và hợp tác công - tư (PPP). Sắp tới, chuyên gia Hàn Quốc sang khảo sát, hỗ trợ tỉnh làm hạ tầng. Khi có hạ tầng, sẽ thu hút các DN nước ngoài, kết hợp với DN Việt Nam, tổ chức nông dân của Đồng Tháp làm cánh đồng lớn, xây dựng chuỗi giá trị gạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương cho biết, trên thị trường hiện có rất nhiều giống lúa, nhưng mô hình mới là trồng theo thị trường.
Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, dự án với KRC sẽ được triển khai từ năm 2015 đến 2020. Ngân hàng Thế giới đã đồng ý hỗ trợ ban đầu 13 triệu USD, để nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, nhất là các tổ chức HTX, để tạo liên kết ngang của nông dân, làm cơ sở hợp tác với DN.
Hiện diện tích trồng lúa của Đồng Tháp khoảng 550.000 ha/năm, sản lượng lúa 3,3 triệu tấn, đứng thứ 3 trong cả nước. Ngoài dự án với KRC, Đồng Tháp có khoảng chục DN đăng ký liên kết với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích tới 86.000 ha.