Đồng lương hưu vốn ít ỏi của vợ chồng bà dù không thay đổi, nhưng giá trị thực tế thì đã giảm đi rất nhiều, đặc biệt kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay. Vì thế, điều ông bà chờ đợi nhất là được Nhà nước tăng lương để bù đắp những khoản thiếu hụt do trượt giá gây ra.
Tác giả Đại Dương |
Không riêng cán bộ hưu trí, các cán bộ, nhân viên đang công tác ở các cơ quan nhà nước cũng đang trông chờ điều tương tự. Tuy nhiên, việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan của Nhà nước theo Nghị quyết 27 của Trung ương vẫn chưa thể diễn ra vào đầu năm tới như mong đợi.
Tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Tài chính cho hay chưa thể tăng lương cơ sở từ 1/1/2023 như nhiều đại biểu đề nghị và sẽ lùi lại nửa năm, đến 1/7/2022. Lý do lùi thời gian tăng lương, theo Bộ trưởng Tài chính, vì lo ngại sẽ gây khó khăn cho kiểm soát lạm phát. “Trước nguy cơ lạm phát cao, việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế xã hội”, Bộ trưởng Tài chính nêu quan điểm.
Cải cách tiền lương lẽ ra phải được triển khai trong năm 2021. Do tình hình dịch bệnh làm cho kinh tế đứt gãy, tăng trưởng chậm lại, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn nên việc tăng lương theo lộ trình chưa thực hiện được.
Các cơ quan Chính phủ có lý do chính đáng để trì hoãn việc cải cách tiền lương. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, việc tăng lương cũng hết sức chính đáng và cần thiết đối với cán bộ, công chức, người lao động khu vực nhà nước, nhất là trong thời điểm hiện nay. Cùng với áp lực công việc, thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân khiến cán bộ, nhân viên trong các cơ quan nhà nước bỏ việc hàng loạt. Đa phần những người sống bằng đồng lương là người có mức thu nhập thấp và nhiều người trong số đó có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, họ rất cần được tăng lương để bù đắp vào những chi phí tăng thêm do trượt giá.
Nhìn từ góc độ đó sẽ thấy tăng lương là vấn đề cấp bách.
Việc tăng lương không chỉ đảm bảo thu nhập thực tế tương xứng với chi phí lao động bỏ ra, mà còn tạo động lực cho lao động khu vực công, thúc đẩy nâng cao chất lượng lao động, cống hiến cho xã hội, phát triển kinh tế. Mặt khác, điều này cũng tạo ra môi trường để thu hút đầu tư, thu hút nhân tài, hạn chế chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực khác, ảnh hưởng đến chất lượng, quản lý, điều hành của nhà nước đối với nền kinh tế.