Là một siêu đô thị có dân số thực tế vượt trên 13 triệu người, TPHCM còn rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo thành phố chọn những việc quan trọng nhất để giải quyết trước, đặc biệt là tạo bước đột phá trong giải ngân vốn đầu tư công.
Người đứng đầu Chính phủ đã rất sáng suốt khi chỉ đạo như thế. Bị thiệt hại nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 toàn cầu, chỉ sau một năm mở cửa trong trạng thái bình thường mới, kinh tế của TPHCM đã đạt nhiều thành quả rất ngoạn mục. Nội lực của thành phố dù chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch song thu ngân sách vẫn đạt 457.000 tỷ đồng, chiếm gần 1/3 cả nước. Quan trọng hơn, dù vẫn giữ vững vị trí, vai trò và tạo động lực cho cả nước nhưng chắc chắn TPHCM sẽ đóng góp nhiều hơn, truyền cảm hứng mạnh mẽ hơn đối với sự phát triển chung nếu khắc phục được các điểm yếu, đặc biệt là về giải ngân vốn đầu tư công.
Tính đến thời điểm này, TPHCM giải ngân mới đạt 34% vốn đầu tư công được Trung ương giao. Hậu quả là hàng chục nghìn tỷ đồng “chôn” trong kho bạc một cách lãng phí, trở thành những “cục máu đông” của nền kinh tế, làm mất cơ hội đầu tư nhiều chương trình, dự án cần thiết khác như xây dựng bệnh viện, trường học… để phục vụ quốc kế dân sinh. Trong khi, hàng loạt dự án, công trình được bố trí vốn thực hiện nhưng không thể hoàn thành, đưa vào phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân, gây lãng phí nguồn lực của quốc gia. Những hạn chế, yếu kém này đã tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ, trở thành nỗi ám ảnh, bức xúc của hàng triệu người dân.
Căn bệnh nói trên có lúc trầm trọng hơn tại TPHCM và nhiều địa phương trên cả nước. Nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục đã không được thực tâm giải quyết, xuất phát từ tâm lý “sợ sai”, “sợ trách nhiệm” của một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức. Việc tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế và cả tư duy của không ít cán bộ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, dồn sức hoàn thành các dự án, công trình, nhất là tổng lượng vốn năm nay lớn hơn mọi năm là vô cùng cần kíp và mang tính chất sống còn.
Trong bối cảnh ấy, một sự cam kết: "Ai sai thì xử lý, ai làm tốt phải bảo vệ, ủng hộ" và "Chính phủ, các bộ, ngành cùng làm, cùng chung tay tháo gỡ những vướng mắc" trong giải ngân vốn đầu tư công là vô cùng kịp thời và cần thiết; giúp TPHCM vững tin hơn để thực thi nhiệm vụ, sớm đưa nguồn lực to lớn này vào phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố và cả nước.
Dành trọn hai ngày cuối tuần để tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm tạo động lực phát triển mới cho đầu tàu kinh tế TPHCM và vùng kinh tế Đông Nam Bộ, từ đó truyền cảm hứng cho nhiều địa phương khác trên cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã thể hiện rất rõ vai trò của một Chính phủ kiến tạo.