Động lực chạy nước rút

TP - Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 30/10, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ để thúc đẩy nền kinh tế- xã hội đất nước trong bối cảnh năm 2020 chỉ còn 2 tháng là kết thúc.

Trong bối cảnh rất đặc biệt của năm nay là “bão chồng bão, lũ chồng lũ”, Thủ tướng cho rằng, để thể hiện tình cảm yêu quý, tinh thần tương thân tương ái của người dân hai miền Nam - Bắc đối với nhân dân miền Trung, "chúng ta phải tăng sức sản xuất; phải làm gấp đôi, gấp ba, quyết liệt hơn để bù đắp tổn thất, mất mát của nhân dân miền Trung". Trong đó, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất, nhập khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 2 tháng còn lại của năm 2020; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2- 3%.

Trước đó, tại cuộc họp về thúc đẩy giải ngân vốn ODA, trước tình trạng giải ngân mới đạt 30% trong tổng số 60.000 tỷ đồng, Thủ tướng đã thẳng thắn phê bình các địa phương chậm trễ, thiếu trách nhiệm trong thực hiện. Đó là tình trạng địa phương  chuẩn bị dự án sơ sài, bộ máy, thủ tục không sẵn sàng, không có vốn đối ứng dẫn đến không thể giải ngân vốn ODA. Ngoài ra, còn phải kể đến việc địa phương chọn nhà thầu kém năng lực và tài chính, dẫn đến không có năng lực thi công.

Trong hai tháng còn lại của năm 2020, còn tới 41.000 tỷ đồng chưa giải ngân mà 80% là ở các địa phương. Thực tế vừa qua, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng là khá phổ biến dẫn đến nguồn vốn bị ách tắc. Nguyên nhân được chỉ ra là có địa phương do trước đại hội Đảng nên “ỷ lại, ngại đụng chạm vì sợ đơn thư”.

“Sau đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành phố, giờ là lúc lãnh đạo các địa phương phải hành động chứ không thể chấp nhận một nghịch lý có tiền mà không phát triển được, cứ cam chịu nghèo và khó khăn. Đó là nghịch lý do yếu kém về quản lý nên phải kiên quyết thay đổi”, Thủ tướng nói.

Lấy ví dụ tỉnh Ninh Bình một tháng họp HĐND một lần để quyết định giá cả, quyết định chuyển vốn đầu tư, Thủ tướng lưu ý, nếu địa phương “cứ để mãi cả 6- 7 tháng không đề cập, Bí thư, Chủ tịch không đi kiểm tra đôn đốc, không đưa ra Ban Thường vụ để kiểm tra, phê bình, nhắc nhở thì làm sao chuyển biến được”.

Chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm là thông điệp Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp gần đây. Do vậy, cần cương quyết thay thế những cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành, không có trách nhiệm trước yêu cầu phát triển kinh tế  - xã hội của đất nước.

Hơn lúc nào hết, cần có một kế hoạch tăng tốc cho 2 tháng cuối năm, chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch năm 2021. Hy vọng, với những quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo các địa phương với khá nhiều những gương mặt mới sẽ bắt tay ngay vào công việc, với tinh thần “dám làm, dám chịu trách nhiệm”, “dám đổi mới” thì căn bệnh “sợ trách nhiệm” sẽ được khắc phục, nền kinh tế nước ta sẽ có bước phục hồi mạnh mẽ sau thiên tai, đại dịch.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.