Ngày xét xử thứ 5 vụ án Nguyễn Lâm Thái

Đồng loạt xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự

Đồng loạt xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự
TPO - Chiều hôm nay (16/4), HĐXX vụ án “Nguyễn Lâm Thái và đồng phạm” tiếp tục thẩm vấn nhóm bị cáo nguyên là quan chức ngành bưu điện. Các bị cáo nguyên là cán bộ của 12 Bưu điện tỉnh đều có đơn kiến nghị gửi HĐXX xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.   
Đồng loạt xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự ảnh 1

Trần Văn Thịnh - PGĐ Bưu điện Phú Yên trao đổi với luật sư trong giờ giải lao. Ảnh : Hữu Vinh.

Theo Luật sư (LS) Lê Văn Tuấn bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Thịnh, nguyên giám đốc Bưu điện tỉnh Bình Định , ”mấu chốt” của vụ án làm căn cứ để truy tố các bị cáo chính là bản kết luận thẩm định giá, từ bản kết luận này cơ quan điều tra mới có cơ sở để tính ra mức thiệt hại cho các Bưu điện.

Nhưng từ ngay ngày đầu tiên thẩm vấn các bị cáo đều phản bác lại các kết quả này. Bản thân ông tổ trưởng tổ thẩm định giá cũng thừa nhận mặt hàng này Nhà nước không quản lý và ông cùng các nhân viên trong tổ thẩm định cũng không rành về ... kỹ thuật.

Liệu căn cứ vào những kết quả không chính xác để luận tội các bị cáo như vậy có khách quan hay không(!?)

Xuyên suốt trong quá trình xét hỏi từ buổi đầu tiên, các bị cáo đều cho biết bản thân đã phải nộp tiền để khắc phục hậu quả cốt chỉ mong muốn được tại ngoại. Nhưng theo LS Lê Văn Tuấn, nếu xác định Nguyễn Lâm Thái tội : ‘‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Thái phải là người khắc phục hậu quả.

Đối với các cán bộ nguyên là quan chức của các Bưu điện tỉnh là nạn nhân của Nguyễn Lâm Thái nhưng lại được chính cấp chủ quản là tập đoàn bưu chính viễn thông (VNPT) và cả cơ quan điều tra yêu cầu họ nộp tiền khắc phục hậu quả là chưa thỏa đáng. Điều này mâu thuẫn.

Theo cáo trạng quy kết, Bưu điện Bình Định, Phú Yên và Cần Thơ lần lượt ký 23, 13 và 11 hợp đồng cung cấp và lắp đặt các thiết bị, vật tư ngành Bưu điện với các nhóm Cty con của “tập đoàn” CIP của Nguyễn Lâm Thái. Nhóm bị cáo vốn là quan chức của các Bưu điện này đã bị truy tố tội danh: “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, làm thiệt hại cho Nhà nước lần lượt là 4.876.215.501 đồng (Bưu điện Bình Định), 2.819.874.221 đồng(Bưu điện Phú Yên)  và 2.217.086.636 đồng (Bưu điện Cần Thơ).

Theo đó, bị cáo Nguyễn Văn Thịnh, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Bình Định đã ký 6 hợp đồng với các công ty của Nguyễn Lâm Thái trị giá 1.258.700.000đ, gây thiệt hại 1.039.157.151đ. Nguyễn Văn Thịnh đã tự nguyện khắc phục hậu quả nộp 1.166.443.390đ.

Lê Thanh Hùng, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Bình Định, đã ký 9 hợp đồng với các công ty của Nguyễn Lâm Thái trị giá 2.569.820.000đ, gây thiệt hại 1.989.182.356 đ. Lê Thanh Hùng đã tự nguyện khắc phục hậu quả nộp 974.756.442đ

Phạm Xuân Cảnh, nguyên Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Bình Định, đã ký 8 hợp đồng với các công ty của Nguyễn Lâm Thái trị giá 2.407.416.000đ, gây thiệt hại 1.847.875.994đ. Phạm Xuân Cảnh đã tự nguyện khắc phục hậu quả nộp 939.537.500đ.

Nguyễn Văn Kha, nguyên Trưởng phòng kế hoạch Bưu điện Bình Định, với vai trò đồng phạm giúp sức trong việc lập các thủ tục liên quan 18 hợp đồng do lãnh đạo Bưu điện Bình Định ký với các công ty của Nguyễn Lâm Thái trị giá 4.704.326.000đ , gây thiệt hại 3.668.501.504đ. Nguyễn Văn Kha đã tự nguyện khắc phục hậu quả nộp 868.016.169đ.

Nguyễn Văn Bằng, nguyên Trưởng phòng kế toán Bưu điện tỉnh Bình Định, với vai trò đồng phạm giúp sức đã thanh toán 23 hợp đồng do lãnh đạo Bưu điện Bình Định ký với  các công ty của Nguyễn Lâm Thái trị giá 6.236.436.000đ, gây thiệt hại 4.876.215.501đ. Nguyễn Văn Bằng đã tự nguyện khắc phục hậu quả nộp 543.962.000đ.

Đinh Công Bửu, nguyên Phó phòng kế hoạch Bưu điện tỉnh Bình Định,với vai trò đồng phạm giúp sức trong việc lập các thủ tục liên quan 7  hợp đồng do lãnh đạo Bưu điện Bình Định ký với các công ty của Nguyễn Lâm Thái trị giá 3.868.876.000đ, gây thiệt hại 3.107.291.672đ. Đinh Công Bửu đã tự nguyện khắc phục hậu quả nộp 383.500.000đ.

Ngô Quang Thạch, nguyên Giám đốc  Bưu điện Cần Thơ, đã ký 11 hợp đồng với các công ty của Nguyễn Lâm Thái trị giá 2.685.650.000đ trái, gây thiệt hại 2.217.086.636đ. Ngô Quang Thạch đã tự nguyện khắc phục hậu quả nộp 1.217.086.636đ.

Nguyễn Hữu Đức, Trưởng phòng đầu tư XDCB  Bưu điện Cần Thơ, với vai trò đồng phạm giúp sức trong việc lập các thủ tục liên quan 10  hợp đồng do lãnh đạo Bưu điện Cần Thơ ký với các công ty của Nguyễn Lâm Thái trị giá 2.468.650.000đ, gây thiệt hại 1.996.000.000đ. Nguyễn Hữu Đức đã tự nguyện khắc phục hậu quả nộp 500.000.000đ.

Phạm Hồng Khanh ,nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh Phú Yên, đã ký 04 hợp đồng mua hàng với các công ty của Nguyễn Lâm Thái trị giá 1.583.450.000đ, gây thiệt hại 1.273.368.049đ. Phạm Hồng Khanh đã khắc phục hậu quả nộp 700.000.000đ.

Trần Văn Thịnh, nguyên Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Phú Yên, đã ký 9 hợp đồng mua hàng với các công ty của Nguyễn Lâm Thái trị giá 2.013.000.000đ, gây thiệt hại 1.546.000.000đ. Trần Văn Thịnh đã tự nguyện khắc phục hậu quả nộp 550.000.000đ.

Nguyễn Văn Hoàng, nguyên Phó trưởng phòng ĐTXD, Bưu điện tỉnh Phú Yên, với vai trò đồng phạm giúp sức trong việc lập các thủ tục liên quan 7  hợp đồng do lãnh đạo Bưu điện Phú Yên ký với các công ty của Nguyễn Lâm Thái trị giá 2.557.500.000đ , gây thiệt hại 2.009.847.000đ. Nguyễn Văn Hoàng tự nguyện khắc phục hậu quả nộp 320.000.000đ.

Nguyễn Thị Bốn, nguyên Trưởng phòng kế toán Bưu điện tỉnh Phú Yên, với vai trò đồng phạm giúp sức đã thanh toán 9 hợp đồng do lãnh đạo Bưu điện Phú Yên ký với  các công ty của Nguyễn Lâm Thái trị giá 2.412.382.000đ, gây thiệt hại 1.907.917.596đ. Nguyễn Thị Bốn tự nguyện khắc phục hậu quả nộp 350.000.000đ.

MỚI - NÓNG