Đầu tháng 2, Grab thông báo áp dụng phụ phí cho các dịch vụ của mình, bao gồm GrabCar, GrabBike, GrabExpress, GrabFood và GrabMart trong dịp Tết Tân Sửu 2021 kể từ ngày 4/2- 14/2 (tức từ ngày 23 tháng Chạp đến mùng 3 Tết Tân Sửu).
Theo đó, những ngày này, giới tài xế sẽ được thu thêm 10.000 đồng/chuyến Grabcar; tăng 5.000 đồng trên mỗi chuyến GrabBike và các đơn hàng GrabExpress, GrabFood và GrabMart.
Trong những ngày Tết, mức phụ thu sẽ cao hơn. Cụ thể, từ 8/2 - 14/2, mỗi chuyến GrabCar sẽ phụ thu thêm 15.000 đồng; các chuyến chuyến GrabBike và đơn hàng GrabExpress, GrabFood và GrabMart có mức phụ thu tăng thêm là 10.000 đồng.
Ứng dụng Be cũng thông báo thu thêm phí các chuyến xe. Ứng dụng này thu thêm 5.000 đồng cho mỗi chuyến BeBike và 10.000 đồng mỗi chuyến BeCar (4 chỗ, 7 chỗ) từ ngày 4 - 7/2. Mức thu tăng thêm tương ứng với các dịch vụ là 10.000 đồng và 15.000 đồng từ 8 - 16/2 (tức ngày 27 đến mùng 5 âm lịch).
Đối với các dịch vụ đi tỉnh, BeBike đi tỉnh phụ thu 25.000 đồng chuyến/chiều và BeCar đi tỉnh thu thêm 75.000 đồng/chuyến 1 chiều.
Trong khi đó, Gojek Việt Nam cũng tăng thêm phụ thu cứng trên mỗi chuyến xe và đơn hàng trong dịp Tết. Cụ thể, từ 3 - 9/2 (tức từ ngày 22 đến 28 Âm lịch) mỗi cuốc xe hoặc đơn hàng Gojek sẽ phụ thu thêm 5.000 đồng. Từ ngày 10 - 16/2 (tức là từ 29 đến ngày mùng 5 Tết) ứng dụng này sẽ phụ thu thêm 10.000 đồng/đơn hàng hoặc cuốc xe.
Từ 17 - 21/2 mức phụ thu cho mỗi chuyến xe về mức 5.000 đồng. Mức phụ phí áp dụng cho tất cả các dịch vụ của Gojek hiện có là GoRide, GoFood và GoSend.
Các hãng xe kỳ vọng việc thu thêm phụ phí sẽ giúp các tài xế có thêm thu nhập, tạo thêm động lực làm việc trong những ngày sát Tết. Tuy nhiên, lượng khách đi lại đợt này giảm mạnh đã khiến các tài xế thất thu.
Anh Nguyễn Xuân Thạch (Sông Công, Thái Nguyên), một tài xế công nghệ hơn 4 năm cho biết, chưa năm nào trong dịp Tết, anh cảm thấy ảm đạm, vắng khách như năm nay.
Mọi năm vào những ngày giáp Tết, trừ các chi phí, trung bình mỗi ngày anh kiếm được hơn 1 triệu đồng. “Năm nay, tôi chạy từ 6h sáng đến 7h tối, cũng chỉ được 500 nghìn đồng. Nhiều hôm phải kiêm cả ship đồ ăn, chở thuê đào quất cho khách mới được như vậy”, anh Thạch nói.
Túc trực ở khu vực bến xe Mỹ Đình từ ngày 23 Âm lịch nhưng thu nhập của anh Hoàng Đình Dung (Thanh Hóa) cũng chỉ bằng 2/3 so với năm ngoái.
Theo anh Hoàng, năm nay do vấn đề dịch bệnh nên nhiều người đã lựa chọn phương tiện cá nhân về quê. Suốt mấy ngày này, ở bến Mỹ Đình khách cũng rất vắng khách.
“Dù hãng tăng thêm 10.000 đồng/cuốc, nhưng số lượng cuốc xe “nổ” ít hơn khá nhiều. Mọi năm, tầm này ít nhất mỗi ngày cũng được 30-35 cuốc xe, nhưng giờ chỉ còn 15-20 cuốc/ngày”, anh Hoàng chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều tài xế cho biết chỉ tập trung vào dịch vụ giao nhận đồ ăn, vì dịch vụ này vẫn được người dân lựa chọn nhằm hạn chế tối đa thời gian ra ngoài, tụ tập do dịch bệnh.