Du học theo Đề án 322:

Đồng đô la rớt giá, lưu học sinh khốn khổ

Đồng đô la rớt giá, lưu học sinh khốn khổ
TPO - Thời gian qua, báo Tiền phong liên tục nhận được phản ánh của một số lưu học sinh (LHS) Việt Nam đang học tập, nghiên cứu theo Đề án 322 ở nước ngoài, về việc sinh hoạt phí chậm và quá thấp.

Theo ông Trương Duy Phúc, Trưởng ban Đề án đào tạo cán bộ bằng Ngân sách Nhà nước (Đề án 322) của Bộ GD&ĐT, Bộ này đang phối hợp cùng Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao xem xét lộ trình tăng sinh hoạt phí (SHP) cho lưu học sinh đi học theo diện Đề án 322 trong năm 2007.

Đồng đô la rớt giá, lưu học sinh khốn khổ ảnh 1
Du học sinh Việt Nam tại Anh tham gia hoạt động tại quê nhà (ảnh minh họa)

SHP đã thấp lại càng thấp vì đồng USD mất giá 

Trong thư gửi về cho báo, bạn Hoàng Hùng và Ngọc Lê, lưu học sinh đang học tập, nghiên cứu tại Vương quốc Anh và Australia cho biết, sự trượt giá liên tục của đồng đô la Mỹ - đồng tiền thanh toán chính so với đơn vị tiền tệ tại nước các lưu học sinh theo học, đã khiến nhiều người lâm vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”.

“Về nguyên tắc, mức SHP cấp cho LHS phải đảm bảo được nhu cầu sống tối thiểu tại các nước theo học (tiền thuê nhà, tiền ăn…). Tuy nhiên, theo phản ánh của LHS tại các nước trên các diễn đàn, mức SHP như hiện nay là quá thấp, không bảo đảm cho sinh hoạt”, Hoàng Hùng và Ngọc Lê viết.

Theo những LHS này, với mức SHP như hiện nay, sau khi trừ mọi khoản tiền phải trả, một người học ở Australia theo đề án 322 chỉ còn đủ tiền để ăn một bữa tối duy nhất trong ngày (khoảng 70 - 90$/tuần). Còn lại, bữa sáng và trưa, do không có tiền, họ chỉ có thể ăn… bánh mỳ, mỳ tôm hoặc cơm nguội.

Trước tình hình trượt giá của đồng đôla Mỹ, cùng với giá cả leo thang vùn vụt, tháng 7/2004, Chính phủ đã tăng mức SHP cho các LHS theo đề án 322. Tuy nhiên, dù đã điều chỉnh nhưng mức SHP cấp cho LHS theo học tại các nước đều thấp hơn mức mà Chính phủ các nước này quy định đối với lưu học sinh Việt Nam (thường chỉ bằng 50 - 70% mức quy định tùy từng nước).

Bên cạnh đó, các LHS Việt Nam còn thắc mắc, tại sao Bộ GD&ĐT không gửi bằng đơn vị tiền của các nước thay vì gửi bằng đồng đôla Mỹ để tránh tình trạng LHS chịu thiệt khi đồng đôla mất giá? Thêm vào đó, LHS lại mất thêm một khoản phí khi đổi đôla Mỹ sang đơn vị tiền của nước sở tại.

Đang nghiên cứu lộ trình tăng sinh hoạt phí

Làm việc với phóng viên Tiền phong sáng 6/12, ông Trương Duy Phúc, Trưởng ban Đề án 322 cho biết, mức SHP của các lưu học sinh ở các nước là khác nhau. Căn cứ vào điều kiện sinh hoạt, giá cả…, Đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại đề xuất mức SHP và gửi về Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, khảo sát lại trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Thừa nhận SHP của lưu học sinh Việt Nam còn thấp và bị ảnh hưởng khi đồng đô la Mỹ trượt giá, ông Phúc cho biết, tháng 7/2004, SHP đã được điều chỉnh.

Cụ thể, ở Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Anh, mức sinh hoạt phí được nâng từ 780 đôla Mỹ/tháng/người lên 860 đôla Mỹ/tháng/người. Nếu học tại các nước Pháp, Đức, Bỉ, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan: Lưu học sinh sẽ được trả 740 đôla Mỹ/tháng/người, thay vì 630 đôla Mỹ/tháng/người như trước… 

Dù đã tăng mức SHP nhưng trước yêu cầu của thực tiễn, lãnh đạo Ban đề án 322 cho biết, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu lộ trình, xem xét việc nâng SHP cho LHS. Tuy nhiên, việc có điều chỉnh hay không, điều chỉnh thế nào thì còn… phải chờ các đại sứ quán Việt Nam ở các nước có đề xuất. Sau đó, Bộ GD&ĐT mới có cơ sở cùng Bộ Tài chính xây dựng khung, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về việc tại sao không trả SHP cho LHS bằng đơn vị tiền tệ của các nước thay cho đồng đôla, cán bộ Ban đề án 322 cho rằng, đó là quy định từ trước của Bộ Tài chính. “Nếu như tới đây, đồng đôla tiếp tục mất giá, chúng tôi sẽ nghiên cứu, bàn với Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án trả SHP cho LHS bằng tiền của các nước, chứ không phải đồng đôla Mỹ nữa”-Ông Phúc cho biết.

Xem ra, với cách quản lý hành chính “nhiều đầu mối” như hiện nay, việc tăng sinh hoạt phí cho lưu học sinh Việt Nam theo đề án 322 sẽ vẫn phải chờ sự đệ trình, phê duyệt qua nhiều cấp. Trong khi đó, không ít LHS đành chấp nhận cảnh “đói vẫn hoàn đói”.

Bảng so sánh do LHS Việt Nam từ Australia gửi về chỉ ra sự bất hợp lý trong việc trả SHP

Đồng đô la rớt giá, lưu học sinh khốn khổ ảnh 2
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.