Đóng cửa nhà máy, trường học do ô nhiễm không khí: Khó khả thi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trường hợp không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, các nhà máy xả khí thải lớn phải hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động; học sinh tạm dừng đến trường; cơ quan, công sở điều chỉnh lịch làm việc. Theo nhiều chuyên gia, quy định này ít tính khả thi do thiếu nhiều điều kiện, đồng thời có thể gây thiệt hại, xáo trộn cho doanh nghiệp, người dân.

Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường quy định. Theo nghị định này, khi chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, các cơ sở sản xuất xả bụi, khí thải lưu lượng lớn ra môi trường và thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải tạm dừng, hạn chế hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động.

Ngoài ra, sẽ hạn chế, phân luồng giao thông đường bộ, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của cơ quan, tổ chức, trường học, tạm dừng tập trung đông người.

Đóng cửa nhà máy, trường học do ô nhiễm không khí: Khó khả thi ảnh 1

Khói bụi ô nhiễm trên đường vành đai 2,5 Hà Nội. Ảnh: Như ý

Trường hợp ô nhiễm không khí nội tỉnh sẽ do UBND tỉnh tổ chức thực hiện biện pháp khẩn cấp. Nếu ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh sẽ do Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai. Nghị định cũng quy định, ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng được xác định khi chỉ số chất lượng không khí lên ngưỡng nguy hại với giá trị từ 301 trở lên theo kết quả quan trắc của các trạm quan trắc môi trường quốc gia hoặc địa phương trong 3 ngày liên tục.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho biết, từng địa phương sẽ lên những phương án, kế hoạch, biện pháp ứng phó cụ thể khi phải triển khai tình trạng khẩn cấp. Để xây dựng được các phương án, kế hoạch, biện pháp ứng phó, từng địa phương phải có thống kê, kiểm kê được các nguồn khí thải lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao để có phương án phối hợp với chính quyền địa phương giảm thiểu nguồn phát sinh khí thải ra môi trường trong trường hợp không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo bà Hà Hương, Phụ trách dự án theo dõi chất lượng không khí PAM Air, những ngày gần đây, chất lượng không khí Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc có xu hướng ô nhiễm vào đêm và sáng sớm. Đặc biệt hai ngày 6-7/4, ô nhiễm ở mức xấu (đỏ), một vài khu vực lên đến ngưỡng rất xấu (tím), rất có hại cho sức khỏe mọi người, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch. Thời điểm ô nhiễm không khí, mọi người cần lưu ý sử dụng khẩu trang chống bụi mịn khi ra đường, đóng cửa sổ và hạn chế hoạt động ngoài trời.

Thiếu cảnh báo sớm, ít tính khả thi

Đại diện Tổng cục Môi trường nói rằng, khi xây dựng kế hoạch, biện pháp ứng phó khẩn cấp, chính quyền địa phương đã phải làm việc với các cơ sở sản xuất phát sinh nguồn khí thải có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường không khí để thống nhất, đồng thuận, nên việc thực hiện sẽ hoàn toàn khả thi.

Đối với trường hợp ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh, Bộ TN&MT đang triển khai xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương, trong đó cũng xây dựng các phương án, biện pháp ứng phó cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan, đảm bảo khả thi, hiệu quả nhanh và không bị động.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, quy định này sẽ gặp nhiều bất cập khi triển khai trong thực tế. TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, chia sẻ, thực hiện biện pháp khẩn cấp do ô nhiễm không khí là cách mà Bắc Kinh, thành phố từng dẫn đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, áp dụng thành công. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể thành công là do mạng lưới quan trắc dày và có khả năng dự báo, cảnh báo ô nhiễm không khí sớm cũng như cơ sở pháp lý đồng bộ để triển khai.

Trong khi đó tại Việt Nam, biện pháp khẩn cấp đưa ra không dựa trên cảnh báo sớm mà phải dựa trên kết quả quan trắc 3 ngày liên tục. Như vậy sẽ khiến người dân, cơ quan chức năng rất bị động, lúng túng khi triển khai. Đặc biệt, việc hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Tùng cho rằng, để có thể triển khai các biện pháp khẩn cấp khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng, cần tiến hành các biện pháp đồng bộ, bao gồm nâng cao năng lực quan trắc, khả năng dự báo cảnh báo sớm chất lượng không khí.

Theo bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Tổ chức Môi trường Live&Learn, việc thiếu cảnh báo sớm không chỉ gây ra bị động, lúng túng mà còn gây chậm trễ trong việc ứng phó tình trạng khẩn cấp bảo vệ sức khỏe của người dân.

“Sau 3 ngày phơi nhiễm với không khí nghiêm trọng rồi thì mới có các hành động ứng phó, như vậy không thể đạt được mục tiêu bảo vệ sức khoẻ cho người dân”, bà Nguyệt nói.

Theo bà, kinh nghiệm từ các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc cho thấy, có nhiều biện pháp khẩn cấp khác cho mỗi mức ô nhiễm không khí khác nhau, gồm các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng (đeo, phát khẩu trang ngăn bụi mịn cho đối tượng dễ bị tổn thương, dừng các hoạt động ngoài trời tại trường học...) và các biện pháp hạn chế nguồn thải.

Các đối tượng khác nhau cũng cần các biện pháp khác nhau, bao gồm biện pháp quản lý, kỹ thuật, kinh tế, giáo dục. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp cần linh hoạt, cụ thể.

MỚI - NÓNG