“Đuổi” dịch ở buôn làng

Đóng cổng làng chặn dịch

0:00 / 0:00
0:00
Thanh niên rào cổng làng Măng Rương
Thanh niên rào cổng làng Măng Rương
TP - Ở thung lũng Tu Mơ Rông (Kon Tum), những ngôi làng người Xê Đăng nằm lưng chừng núi mang bản sắc riêng về nghi lễ huyền bí thờ cúng thần làng. Những bức tượng thần được dựng đầu làng với mong muốn xua đuổi dịch bệnh và nhắc nhở dân làng bảo vệ sức khỏe bản thân được đồng bào duy trì như một nét đẹp văn hóa.

Kon Tum được xem là một trong những địa phương kiểm soát việc phòng, chống dịch khá tốt. Hiệu quả từ sự khoa học, không cứng nhắc của các cấp là điều then chốt. Ngay đầu mùa dịch, chính quyền xã vùng sâu đã linh động, triển khai cách chống dịch hiệu quả, độc đáo.

Tín hiệu báo nguy

Ngay từ đầu mùa dịch, công tác chống dịch diễn ra rất quyết liệt. Trên con đường nối Quảng Nam với Kon Tum, UBND xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông) đã lập 1 chốt kiểm dịch 24/24h để phòng, chặn dịch từ xa. Cũng như các chốt khác, chốt kiểm dịch này sẽ đo thân nhiệt, khai báo y tế đối với những người ở tỉnh bạn qua và ngược lại.

Đóng cổng làng chặn dịch ảnh 1

Các bức tượng được dựng trước cổng làng có hình thù dữ tợn

Con đường uốn lượn quanh huyện Tu Mơ Rông phủ một màu xanh ngắt, phía xa xa, núi non hùng vĩ, mây núi trắng xóa. Điều thú vị khi đến thung lũng này là giữa trưa vẫn gợn lạnh. Những bản làng người Xê Đăng nằm sâu trong thung lũng hoặc nằm “treo” lưng chừng núi thoắt ẩn, thoắt hiện. Những mái làng cao gần chạm mây thể hiện sức sống mạnh mẽ của họ. Du khách khi đến đây cảm nhận nhiều cái lạ, cũng là bản sắc văn hóa chung của người Xê Đăng gốc, nhưng dường như có phần đậm đà hơn, cây cỏ ở đây có màu xanh thẫm rất riêng.

Anh A Trung - Bí thư Huyện đoàn Tu Mơ Rông chia sẻ, không nên chống dịch một cách cứng nhắc. Với anh, việc chống dịch vừa theo quy định từ chính quyền, vừa theo tập quán của người dân bản địa rất hiệu quả, người dân nghiêm túc chấp hành. Bởi với anh, trước kia cha ông cũng có cách chống dịch này để phòng chống dịch sởi, bạch hầu, sốt rét nên người dân ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành, nhà nào cũng nhắc nhở nhau để qua đại dịch. Không những thế, vừa qua người dân Xê Đăng nơi đây từ trẻ đến già, gái, trai lên rẫy, lội rừng để gom hàng tấn rau củ như măng, ngô, bí đỏ, chuối, đu đủ... gửi vào TPHCM hỗ trợ người dân sớm vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.

Những câu chuyện ly kỳ ở thung lũng này đã thu hút sự hiếu kỳ của khách lạ. Trước cổng làng Măng Rương (xã Ngọk Lây) bức tượng kỳ quái dựng hai bên cổng làng. Tiến lại nhìn kỹ, trông kỹ thuật làm khá đơn giản bằng các vật dụng thường ngày như tre, miếng vải, thân củi mục… nhưng toát lên sự thần bí riêng biệt.

Người dân nói rằng, hai bức tượng được dựng lên có vẻ mặt hung tợn này là sự thông báo đến người lạ rằng, ai cố tình vào làng không có sự thông qua của già làng, trưởng thôn có thể sẽ bị bắt lại, có thể sẽ bị phạt vạ một con heo. Chị Y Blúc, trưởng thôn làng Măng Rương giải thích: “Dịch bệnh nên người làng phải làm cách này để cảnh báo với những người lạ đến”. Ngồi trên nhà rông, chị Blúc chia sẻ, người Xê Đăng quan niệm những điềm xấu là do Kía Công (ma rừng) gây ra, nên để xua đuổi Kía Công, cha ông đã sử dụng nghi lễ dựng tượng thần trước cổng làng.

Khi cổng làng được hoàn thiện, đêm đầu tiên người dân trong làng thay phiên nhau ra cổng đốt lửa, canh không cho người lạ vào làng. Những ngày sau đó, ngôi làng được “cách ly”. Quy định của làng đã đề ra nên mọi người đều nghiêm chỉnh tuân thủ. Ngoài giờ lên nương rẫy người dân hạn chế ra ngoài và tụ tập để tránh phát sinh dịch bệnh. Nếu ra ngoài phải đeo khẩu trang để tránh nhiễm dịch bệnh. Dân làng thực hiện không tụ tập đông người. Thường xuyên thực hiện 5K.

Huyền bí thần làng

Phần lớn các làng người Xê Đăng, người dân vẫn giữ phong tục rào làng bằng lồ ô khép kín có lối ra và cổng vào. Ở lối vào có dựng hai cây gỗ lớn, trên thân cây gỗ này có những chiếc răng thú lớn được giắt và khoét sâu tạo thành những mặt người như “những chiến binh” đứng canh chừng ngôi làng, xua đuổi những “thế lực hắc ám”, giúp dân làng tránh mọi tai ương trong cuộc sống.

Theo chị Blúc, trước khi dịch bùng phát, một nhóm trai làng vào rừng tìm gốc cây cu ly to tầm một người ôm mang về làng, sau đó đi chặt cây nứa, cây chuối rừng mang về làm cổng. Phụ nữ, con gái đi ra ruộng bắt cua, bắt cá, mua thực phẩm lưu trữ trong nhà. Người già ở nhà vót những thanh nứa để đan bện làm giá đựng đồ tế lễ. Những thân cu ly được người già khéo tay tạc tượng sao cho gớm ghiếc, dữ tợn nhất. Người dân còn đeo cả khẩu trang, đội mũ bảo hiểm cho các bức tượng với ý niệm tự nhắc nhở mọi người làm như vậy để tránh được con ma về làng.

“Chiếc cổng bằng tre được dựng lên lúc mặt trời lặn. Một chiếc giá có cá, cua được để gần cổng làm đồ cúng tế lễ cho những con ma rừng khi đến làng. Sau đó già làng đến cúng, xin thần linh cho dân làng được khỏe mạnh, không cho con quỷ vào phá làng làm người dân, trẻ nhỏ đau ốm. Nghi lễ kết thúc cũng là lúc trong làng thành khu cách ly với bên ngoài cho đến khi dịch bệnh đi qua”, chị Blúc nói.

Nơi đây còn có những chiếc tượng thần, được người dân đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm chỉnh chu. Chị Blúc bảo rằng người dân đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm cho tượng thần giống như những pano tuyên truyền ở huyện vậy. Vì các tượng thần được đặt ở cổng làng nên nó nhắc nhở người dân ý thức về việc đeo khẩu trang và đội mũ bảo hiểm.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, địa phương có hơn 28 nghìn người, hầu hết là người Xê Đăng. Trước diễn biến phức tạp của dịch, huyện tăng cường tuyên truyền bằng xe, loa di động đến người dân về công tác phòng, chống dịch. Theo vị này, hầu hết ở các làng đều “đóng cửa làng” chống dịch. Chống dịch theo cách này rất hiệu quả, bởi các hộ gia đình đều ý thức chống dịch và có trách nhiệm báo lại chính quyền đối với các trường hợp có người lạ đến. Ông giải thích thêm, các hộ đồng bào nơi đây đều có kho thóc tích trữ, trồng rau, nuôi gia súc, gia cầm nên đều đảm bảo việc tự cung, tự cấp. Ngoài ra, huyện cũng rà soát, nắm bắt tình hình các làng nếu thiếu thực phẩm sẽ có phương án hỗ trợ. “Với người Xê Đăng, cổng kiêng này không chỉ được xem như một cách bảo vệ làng khỏi tà ma mà còn là biểu tượng cho sức mạnh của làng. Bởi thế, ngoài chống dịch theo quy định hiện hành, để đạt hiệu quả cao nhất, huyện để người dân chống dịch theo phong tục, tập quán bấy lâu. Cũng nhờ vậy mà đến nay huyện không có ca nhiễm nào”, ông Mạnh nói.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

Nam thanh, nữ tú Khmer rạng ngời trong ngày lễ dâng y

TPO - Sáng 27/11, rất đông các bạn trẻ đồng bào Khmer là Phật tử tại TPHCM đã tề tựu về chùa Long Hoa Thiên Bảo (TP Thủ Đức) để tham gia đại lễ Kathina (hay còn gọi là lễ dâng y). Đây cũng là hoạt động báo hiệu kết thúc ba tháng mùa an cư kiết hạ của các chư tăng, chư ni Phật giáo.
Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

Ngắm làng Thèn Pả với nếp nhà trình tường đẹp như cổ tích dưới bóng cờ Lũng Cú

TPO - Nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, ngay dưới chân Cột cờ Lũng Cú và cách trung tâm thị trấn Đồng Văn khoảng 25 km là làng Thèn Pả. Du khách đến đây sẽ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên yên bình với những nếp nhà trình tường lợp ngói âm dương, vách đất vàng nâu, hàng rào đá, ruộng ngô… và những người dân mến khách.
Lễ mừng thọ của người Mnông

Lễ mừng thọ của người Mnông

TPO - Người Mnông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Trong đó “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người Mnông huyện Lắk” là một trong 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của tỉnh Đắk Lắk.