'Đóng' cầu Thăng Long sửa chữa: Phương án nào tránh ùn tắc?

 Ùn tắc khó tránh khỏi khi "đóng" cầu Thăng Long
Ùn tắc khó tránh khỏi khi "đóng" cầu Thăng Long
TPO - Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) đã họp với Sở GTVT Hà Nội về phương án sửa chữa cầu Thăng Long và thực hiện phân luồng cấm toàn bộ ô tô qua lại từ hôm nay (28/7). Cho ý kiến về việc này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, ùn tắc là khó tránh khỏi và “kiểu gì cũng sẽ tắc”.

Thảm lớp bê tông mới siêu tính năng (UHPC)
 
Thông tin về phương án sửa chữa cầu Thăng Long, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Tổng cục phó, Tổng cục ĐBVN cho biết, cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ năm 1974. Cầu có 2 tầng dùng chung cho đường sắt, xe máy (tầng 1) và đường bộ ô tô (tầng 2). Sau một thời gian khai thác phần mặt đường trên cầu đã xuất hiện các hư hỏng, với đặc điểm kết cấu phức tạp.

Cụ thể, có kết cấu dàn thép cả 2 tầng, chiều dài nhịp lớn, dàn thép liên tục trên nhiều nhịp, mặt cầu đồng thời phải chịu các tải trọng xe chạy liên tục, mật độ dày, tải trọng tầu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ cao... Những yếu tố bất lợi này đã tạo ra các dao động mạnh, làm biến dạng cầu theo các phương thức khác nhau. “Vì vậy, việc nghiên cứu sửa chữa mặt cầu Thăng Long một cách căn bản để khai thác êm thuận, an toàn, bền vững lâu dài và khai thác đồng bộ với đường Vành đai III là hết sức cần thiết và cấp bách”, ông đại diện Tổng cục ĐBVN thông tin.

Đề cập đến phương án sửa chữa, đại diện Ban Quản lý dự án 3 - Tổng cục ĐBVN (đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết, việc thảm nhựa mặt cầu Thăng Long sẽ được triển khai với phương án đặc biệt theo công nghệ siêu tính năng (UHPC). Cụ thể, đơn vị thi công sẽ cào bóc toàn bộ lớp bê tông nhựa hiện nay, làm sạch bản mặt thép rồi hàn thêm các đinh neo, lắp đặt lưới thép , sau đó đổ một lớp bê tông cường độ cao lên. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 269 tỷ đồng, từ nguồn bảo trì đường bộ, thời gian sử dụng an toàn mặt cầu được tính toán trong vòng 10 năm.

Thông tin về các đơn vị vừa trúng thầu thi công dự án, đại diện Tổng cục ĐBVN cho biết, là liên danh 4 nhà thầu được viết tắt, gồm: Cty Thành Hưng - Cty Vĩnh Hưng - Cty Phương Thành - Cty Thuận An.

Trao đổi với PV Tiền Phong về công nghệ thảm trên cầu Thăng Long có khác gì so với trước đây, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (thành viên liên danh) cho biết, công nghệ thảm UHPC đang được các nước châu Âu, châu Mỹ sử dụng nhiều. Công nghệ UHPC có ưu điểm là phù hợp với mặt cầu bản thép. Cụ thể, lớp bê tông thảm có cường độ chịu nén cao, đặc biệt là có khả năng uốn dẻo, kéo giãn mà không bị rách.

“Các lớp bê tông nhựa đã thảm trên mặt cầu Thăng Long trước đây thường đông cứng sau khi thảm, khi mặt cầu có rung lắc thường bị nứt, rách. Nhưng với các ưu điểm của công nghệ UHPC sẽ phù hợp với cấu tạo bản thép và thực trạng vận hành hiện nay của cầu Thăng Long”, ông Khôi nói.
 
Ùn tắc giao thông là khó tránh

Thông tin về việc tổ chức, phân luồng giao thông trong thời gian sửa chữa cầu Thăng Long, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện phương án “đóng cầu” để thi công sửa chữa đã được lãnh đạo thành phố Hà Nội và Bộ GTVT thống nhất. Tuy thời gian cấm là từ 8/8 nhưng các đơn vị có liên quan như Thanh tra Tổng cục ĐBVN, Thanh tra Sở GTVT, CSGT Hà Nội đang phối hợp để triển khai “đóng cầu” thử nghiệm ngay từ sáng 28/7.

 'Đóng' cầu Thăng Long sửa chữa: Phương án nào tránh ùn tắc? ảnh 1 Cầu Thăng Long được thảm theo công nghệ siêu tính năng (UHPC).

Theo ông Tuấn, ngoài ô tô cá nhân của người dân, xe taxi, xe tải hiện đang qua lại thường xuyên, việc đóng cầu Thăng Long còn làm ảnh hưởng đến hoạt động và lộ trình vận hành của hơn 1.900 lượt xe buýt và khoảng 1.100 lượt xe khách liên tỉnh qua cầu Thăng Long mỗi ngày. 

Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngoài tuyến đường đi đến hai đầu cầu Thăng Long, khi cầu Thăng Long bị cấm, phương tiện sẽ dồn sang phía đường đê An Dương và cầu Nhật Tân để đi hướng sân bay Nội Bài và ngược lại. Do vậy ông đề nghị, cùng với lực lượng có trách nhiệm ở Hà Nội, Tổng cục cũng phải bố trí lực lượng và xe cứu hộ để sẵn sàng ứng phó nếu phương tiện tham gia giao thông trên đường An Dương, cầu Thăng Long gặp sự cố, va chạm giao thông, gây ùn tắc.

Theo phương án phân luồng giao thông của liên ngành: Bắt đầu từ ngày 8/8, sẽ cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông trên tầng 2 cầu Thăng Long để thi công sửa chữa mặt cầu. Thời gian thực hiện cấm này dự kiến khoảng 5 tháng, riêng tầng 1 tàu hỏa chỉ được phép lưu thông với tốc độ 5km/h, xe máy lưu thông qua hai bên cánh gà bình thường. Từ sáng 28/7, liên ngành thực hiện cấm thử nghiệm trong vòng 1 tuần.

MỚI - NÓNG