Đồng bào

Đồng bào
TP - Tuần qua, báo Lao Động đăng câu chuyện “Những người ăn xin cao cả”. Hà Thị Ngân- người dân tộc Tày ở tỉnh Tuyên Quang, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lưu lạc tới Hải Phòng rửa bát thuê. Cô mang thai và bác sĩ chẩn đoán cô bị viêm não. Gia đình chồng dường như... quên cô luôn.

Trong những ngày đi bán dạo ở Bệnh viện Việt-Tiệp, chị Nguyễn Thị Hương cùng em trai là Nguyễn Quang Hào (học sinh lớp 10) và chị Vũ Thị Hường- đều ở khu đường tàu quận Lê Chân- chứng kiến cảnh tượng thương tâm của Ngân.

Họ quyết định “đi xin” với tấm bìa các - tông viết dòng chữ: “Mọi người hãy giúp một cô gái đã bị bại não nhưng trong bụng là đứa bé 8 tháng tuổi. Không có tiền để phẫu thuật cứu đứa bé. Nếu không phẫu thuật nhanh thì cả hai người sẽ chết”. Họ đã xin được 10,5 triệu đồng giúp sản phụ Ngân.

Một bức ảnh đắt giá được người dân đưa lên mạng, sau đó xuất hiện lời “hiệu triệu” thống thiết cũng trên Internet, để rồi trong vòng 3 ngày hàng trăm người nườm nượp đổ về bệnh viện thăm Ngân. Đã có gần 120 triệu đồng được gửi đến sản phụ Ngân. Đứa bé chào đời trong niềm hạnh phúc của hàng ngàn người, còn Ngân đang bình phục.

Cũng tuần qua, xuất hiện câu chuyện về những bài thi văn nhòe chữ vì nước mắt của người đi thi và người chấm thi khi viết và đọc về Nguyễn Văn Nam- cậu học trò ở Nghệ An đã hy sinh thân mình cứu 5 em nhỏ trên dòng sông Lam.

Chủ tịch Quốc hội đã xúc động khi nhắc đến điều này trong khi nhấn mạnh cả ba lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đều đang có nhiều tiêu cực.

Trở lại chuyện “Những người ăn xin cao cả”. Tại sao chị Hường, chị Hương, em Hào- những người nghèo lại là những người đầu tiên giúp chị Ngân, chứ không phải ai khác? Có phải những người khác bị thói vô cảm che lấp?

Nhiều nhà hát, nhiều nghệ sỹ đã đưa tiếng ca, đưa hài kịch vào bệnh viện để làm vơi nhẹ phần nào tinh thần bệnh nhân. Một số bạn trẻ đã góp tiền góp công mở những quán cơm giá rẻ cho người bệnh. Nhưng có nơi, quán cơm ấy bị phá đám vì dám cạnh tranh với căng - tin bệnh viện. Nhiều quán cơm làm phúc như thế đã phải đóng cửa.

Nhớ có lần GS.NGND Nguyễn Lân Dũng trả lời báo Giáo dục Việt Nam, rằng nếu ông phải chọn ra 5 tính xấu của nhiều người Việt thì đó là ham tiền, hiếu danh, coi thường danh dự, vô cảm - hèn nhát, coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào".

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG