Đơn vị tuyển dụng lao động phân biệt bằng thật - bằng giả thế nào?

Tang vật vụ án làm giả giấy tờ, tài liệu. Bằng mắt thường rất khó phân biệt đây là những bằng cấp giả. Ảnh do CA cung cấp
Tang vật vụ án làm giả giấy tờ, tài liệu. Bằng mắt thường rất khó phân biệt đây là những bằng cấp giả. Ảnh do CA cung cấp
TP - Liên quan vụ việc Công an quận Nam Từ Liêm ( Hà Nội) vừa triệt phá đường dây làm bằng, chứng chỉ giả cực lớn của các trường đại học, cao đẳng, lãnh đạo các trường ÐH cho biết, các đơn vị tuyển dụng có thể gửi yêu cầu xác nhận về trường nếu thấy nghi ngờ. Các trường đều lưu dữ cơ sở dữ liệu giúp cho việc xác định bằng thật - bằng giả được thực hiện nhanh chóng.

Ông Hoàng Minh Sơn, hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết các đơn vị sử dụng lao động đều có thể gửi yêu cầu xác minh về trường. “Tấm bằng cũng chỉ là tờ giấy, các đơn vị sử dụng lao động đều kiểm tra đánh giá năng lực thực sự.  Họ không phải chỉ dựa vào mỗi “tờ giấy” bằng cấp để tuyển dụng lao động. Bằng cấp chỉ là điều kiện cần thôi” - ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, ở các cơ quan nhà nước khi tuyển dụng cũng có quy trình kiểm tra đánh giá năng lực của viên chức, công chức. Đồng thời cũng đều có quy trình gửi về trường để xác minh. Nhưng sở dĩ văn bằng giả vẫn có “đất sống” là do cơ quan tuyển dụng có thấy cần thiết phải làm công việc xác minh hay không. Ở website của trường ĐH Bách khoa Hà Nội có dữ liệu để các cơ quan tuyển dụng có thể tra cứu trực tiếp. Nếu đơn vị tuyển dụng muốn có xác nhận của trường thì chỉ mất khoảng 1 tuần. “Những người mua bằng  cũng chưa có đủ trình độ để hiểu được điều này nên mới mất tiền mua. Còn thực chất, việc xác minh bằng cấp bây giờ rất đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi” - ông Sơn nói thêm.

Đồng quan điểm này, ông Trần Anh Tuấn, hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết thực ra bằng cấp chỉ là tờ giấy xác nhận trình độ học vấn của mỗi người. Hiện nay, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thường gửi công văn về trường ĐH Ngoại thương để xác nhận. Qua xác nhận, trường cũng  phát hiện nhiều trường hợp bằng giả. Vì thực chất bây giờ làm giả rất dễ.  Ông Trần Anh Tuấn cho biết, tiến tới các trường ĐH công khai cơ sở dữ liệu sinh viên tốt nghiệp thì việc tra cứu, xác minh sẽ thuận tiện cho các đơn vị tuyển dụng lao động.

Là người từng làm công tác quản lý văn bằng chứng chỉ, ông Trần Văn Nghĩa, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết nếu bằng mắt thường, không có cách nào để phân biệt bằng thật - bằng giả. Vì bằng giả bây giờ làm như bằng thật. Chỉ có cách phân biệt duy nhất là truy cập vào dữ liệu của các trường để xác minh.

Đối với các trường  ĐH trong nước, các cơ quan tuyển dụng có thể gửi công văn đến các trường hoặc truy cập vào website của trường (nếu trường đã đưa dữ liệu lên website) để xác minh. Đối với các trường ĐH ở nước ngoài, có một số trường đưa dữ liệu trên website.

Với những trường không thể tra cứu được trên website của trường thì đơn vị tuyển dụng có thể gửi công văn về Bộ GD&ĐT yêu cầu bộ phận quản lý văn bằng chứng chỉ của Bộ xác minh giúp. Hiện nay, Cục Quản lý  Chất lượng của Bộ đang xây dựng cơ sở dữ liệu chung của các trường ĐH. Sau đó yêu cầu các trường nộp dữ liệu để tra cứu. Hiện nay, dữ liệu của các trường ĐH  Việt Nam vẫn còn rất đầy đủ. Thậm chí vẫn còn dữ liệu từ những năm 60 của thế kỷ trước. 

Theo ông Trần Văn Nghĩa, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ÐT, với những trường hợp bằng cấp nghi ngờ, thì các đơn vị nên đến trường cấp văn bằng chứng chỉ để xác minh.

MỚI - NÓNG